Ngày 29.4 đánh dấu 100 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Trump, giai đoạn mà ông thực hiện nhiều động thái cả về đối nội lẫn đối ngoại, dẫn đến sự thay đổi lớn và cũng gây nhiều tranh cãi.
Cải tổ bộ máy và kinh tế
Theo phân tích của AP, những hành động của Tổng thống Trump nhắm vào mô hình “Chính sách kinh tế mới” dưới thời cố Tổng thống Franklin D. Roosevelt (nhiệm kỳ từ 1933 – 1945) nhằm đưa nước Mỹ thoát cuộc Đại suy thoái; “Chính sách đại xã hội” dưới thời cố Tổng thống Lyndon B. Johnson (nhiệm kỳ 1963 – 1969); cùng học thuyết về tự do thương mại và các liên minh quốc tế. Tất cả đều phục vụ cho mục tiêu thay đổi cơ bản vai trò của chính phủ trong đời sống người dân Mỹ và vị thế của Mỹ trên thế giới.
Ông Trump nêu ‘thành tựu đáng tự hào nhất’ trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ
Về kinh tế, chủ nhân Nhà Trắng tái định hình nền kinh tế Mỹ thông qua các sắc lệnh hành pháp. Theo Cơ quan đăng ký liên bang, ông Trump ký tổng cộng 137 sắc lệnh từ đầu nhiệm kỳ đến ngày 27.4. Nhờ công cụ này, nhà lãnh đạo ban bố thuế quan đối với hầu hết đối tác trên thế giới. Tổng thống Trump tuyên bố các chính sách thuế quan của ông sẽ tạo ra nhiều việc làm cho các nhà máy Mỹ, thu hẹp nợ công quốc gia và đóng vai trò làm đòn bẩy để tái đàm phán thương mại theo hướng có lợi cho Mỹ. Mặc dù vậy, rất nhiều nước và thậm chí các tổ chức bên trong nước Mỹ cho rằng chính sách thuế này là không phù hợp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump
Liên quan đến cải cách bộ máy chính quyền liên bang, Tổng thống Trump đã có sự cố vấn của người giàu nhất thế giới, tỉ phú Elon Musk. Dẫn dắt Ban Hiệu quả chính phủ (DOGE), ông Musk giải tán nhiều cơ quan mà ông cho là không cần thiết, cắt giảm nhân lực của các bộ theo hướng tinh giản mạnh bộ máy. Kế hoạch ban đầu của DOGE là giảm thâm hụt 1.000 tỉ USD cho ngân sách chính phủ Mỹ bằng cách loại bỏ tình trạng lãng phí, gian lận. Tuy nhiên, sau đó mục tiêu này giảm còn 150 tỉ USD. Lầu Năm Góc cũng trải qua đợt “thay máu” các vị trí lãnh đạo, trong đó cho nghỉ hưu nữ tướng 4 sao duy nhất của quân đội Mỹ, thay Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ.
Xử lý tình trạng nhập cư bất hợp pháp là mũi nhọn khác trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump. Ông đã kích hoạt đạo luật từ năm 1798 để trục xuất người nhập cư bất hợp pháp trong thời gian ngắn. Nhà lãnh đạo cũng cho triển khai quân đội đến biên giới Mỹ – Mexico để ngăn chặn di dân đến Mỹ. Chính quyền Trump 2.0 còn muốn chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh, trong khi thiết lập cơ chế “thẻ vàng” cho phép người nước ngoài nhập tịch với giá 5 triệu USD.
Trung Quốc nới lỏng thuế quan cho Mỹ, phủ nhận tuyên bố đàm phán của ông Trump
Chính sách đối ngoại
Ngay khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi một số tổ chức quốc tế và cơ chế đa phương như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu. Ông Trump cũng ký sắc lệnh trừng phạt Tòa Hình sự quốc tế (ICC) với cáo buộc tòa có hành động chống Mỹ và đồng minh Israel một cách vô căn cứ. Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) bị đóng cửa và trở thành một phần của Bộ Ngoại giao. Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cũng giảm mạnh nhân sự và các chương trình mà theo Tổng thống Trump là không cần thiết, như văn phòng điều hành chính sách toàn cầu của Mỹ về khí hậu, theo Reuters.
Bên cạnh đó, chủ nhân Nhà Trắng chỉ đạo các đặc phái viên tìm hướng giải quyết cho những cuộc xung đột ở Dải Gaza và Ukraine, nối lại đàm phán với Nga và Iran. Tổng thống Trump cũng liên tục ra các tuyên bố về ý định sáp nhập Greenland vào Mỹ, đòi khôi phục quyền quản lý kênh đào Panama và muốn biến Canada thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ.
Tỷ lệ ủng hộ với ông Trump ra sao ?
CNN hôm qua công bố kết quả khảo sát cho thấy 41% số cử tri được hỏi ủng hộ Tổng thống Trump sau 100 ngày nhậm chức. Còn khảo sát của NBC News ghi nhận tỷ lệ ủng hộ ông Trump là 45%, so với 55% không hài lòng. Theo khảo sát của CBS News, chính quyền Trump 2.0 tiếp tục nhận được sự ủng hộ đối với chương trình trục xuất dân nhập cư bất hợp pháp, nhưng nhiều người Mỹ cho rằng Nhà Trắng nên đặt ưu tiên xử lý vấn đề kinh tế và nỗ lực hơn nữa để giảm chi phí sinh hoạt tiêu dùng. Chỉ có 42% số người được hỏi đồng ý với cách thức ông Trump xử lý vấn đề kinh tế.