14 triệu dân ở TP.HCM mới là cơ hội lớn cho ngành bán lẻ

14 triệu dân ở TP.HCM mới là cơ hội lớn cho ngành bán lẻ

bởi

trong
14 triệu dân ở TP.HCM mới là cơ hội lớn cho ngành bán lẻ

TP.HCM phát huy vai trò trung tâm kinh tế – thương mại – tiêu dùng không chỉ trong nước mà còn trong toàn khu vực Đông Nam Á – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Không gian phát triển TP.HCM – Động lực từ xây dựng chuỗi cung ứng và bán lẻ” do Sở Công Thương TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức vào chiều 11-7, nhiều doanh nghiệp bán lẻ, nhà cung cấp hàng hóa vui mừng với TP.HCM sau sáp nhập trở thành một siêu đô thị lớn. 

Điều này sẽ tạo ra một thị trường lớn cho các nhà bán lẻ, nhà kinh doanh khai phá. 

Khơi thông tiềm lực

14 triệu dân ở TP.HCM mới là cơ hội lớn cho ngành bán lẻ - Ảnh 2.

Ông Lê Trường Sơn – phó tổng giám đốc Saigon Co.op – cho biết nhà bán lẻ đang có phương án để đón đầu không gian phát triển mới, phục vụ khách hàng tốt hơn – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Lê Trường Sơn – phó tổng giám đốc Saigon Co.op – cho biết kênh bán lẻ hiện đại đang chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại là tạp hóa và chợ truyền thống, do đó ngành bán lẻ Việt Nam khá đa dạng, mỗi kênh đều có vai trò quan trọng, điều này càng thấy rõ trong đợt dịch COVID-19. 

Đại diện Saigon Co.op cho rằng việc sáp nhập sẽ giúp thị trường tiêu thụ tại TP.HCM lớn hơn, doanh nghiệp bán lẻ chủ động phương án để hài hòa với không gian phát triển mới, phục vụ khách hàng tốt hơn. 

siêu đô thị - Ảnh 3.

Ông Paul Lê cho rằng nếu chi phí logistics được tối ưu, doanh số ngành bán lẻ có thể tăng gấp 3-4 lần – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Paul Lê – phó chủ tịch phụ trách xúc tiến thương mại, Tập đoàn Central Retail Việt Nam – vui mừng “vì từ nay thành phố đông dân hơn, số lượng tiêu dùng cũng đông hơn”.

Ông Paul Lê cũng chỉ ra những trở ngại khiến ngành bán lẻ không được phát huy trong thị trường lớn. Đó là điều kiện logistics, điều kiện giao hàng, bảo quản còn hạn chế, thiếu kho lạnh… Vì vậy, nếu các hạ tầng logistics hoàn thiện hơn, chi phí tốt hơn thì dịch chuyển hàng hóa bán lẻ sẽ tăng mạnh, ví dụ lượng vải thiều bán ra có thể gấp 3-4 lần so với hiện nay.

“Chúng tôi chủ động đưa hàng quốc tế về Việt Nam và đem hàng Việt Nam đi thế giới nhưng điều quan trọng là logistics tổ chức thế nào để mang hàng thế giới về cho 14 triệu người ở TP mới và mang hàng từ TP.HCM mới ra thế giới”, ông nói.

Tọa đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến để phát triển ngành bán lẻ, thương mại điện tử cho “siêu đô thị” TP.HCM sát với thực tế, đó là đẩy mạnh phân phối, thúc đẩy chuyển đổi số…

siêu đô thị - Ảnh 4.

Ông Trần Quốc Bảo – phó tổng giám đốc Tập đoàn KIDO kiêm giám đốc điều hành kênh thương mại điện tử E2E – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo ông Trần Quốc Bảo – phó tổng giám đốc Tập đoàn KIDO kiêm giám đốc điều hành kênh thương mại điện tử E2E – với không gian mới của TP.HCM, về thương mại điện tử, Việt Nam đứng thứ ba Đông Nam Á và khả năng sớm đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng, vượt qua Thái Lan. Ông Bảo đề xuất phải khơi thông tiềm lực, có kỹ thuật, kỹ năng và chọn mặt hàng gì để lên sàn, để tránh xung đột giữa các kênh phân phối. 

“Bây giờ nên đặt trọng tâm ở khâu phân phối, không nhất thiết xúc tiến nhiều nữa. Chúng ta hãy cụ thể hóa bằng hoạt động thực tế, để vượt qua Thái Lan, thành quốc gia đứng thứ hai về thương mại điện tử ở Đông Nam Á”, ông Trần Quốc Bảo đề nghị.

Đẩy mạnh phân phối, chuyển đổi số để vượt Thái Lan

Cùng đồng quan điểm trên, ông Phan Mạnh Hà – giám đốc đối ngoại sàn thương mại điện tử Shopee – cũng nhận định Việt Nam không thua Thái Lan về thương mại điện tử. “Shopee Việt Nam còn phát triển tốt hơn Shopee Thái Lan. Tiềm năng thương mại đã có rồi, TP.HCM giờ là trung tâm siêu đô thị thì tiềm năng càng lớn”, ông Hà nói.

14 triệu dân ở TP.HCM mới là cơ hội lớn cho ngành bán lẻ - Ảnh 5.

Ông Phan Mạnh Hà – giám đốc đối ngoại Shopee Việt Nam – cho rằng đang có sự chênh lệch khá cao trong chuyển đổi số giữa khu vực thành thị và nông thôn – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vị doanh nhân này cũng trăn trở với chuyện ở khu vực nông thôn thương mại điện tử hay chuyển đổi số không bằng khu vực thành thị, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiểu thương cũng không nắm bắt nhanh xu hướng kinh doanh so với doanh nghiệp lớn.

“Làm sao để thúc đẩy tiểu thương chuyển đổi số nhiều hơn nữa, tham gia sâu về thương mại điện tử. Phải truyền thông lợi ích của thương mại điện tử với tiểu thương bởi khi thấy được lợi ích thì họ mới đồng hành”, ông Hà nêu ý kiến.

siêu đô thị - Ảnh 6.

TS Đinh Công Khải – phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Góc độ chuyên gia, TS Đinh Công Khải – phó giám đốc Đại học Kinh tế TP.HCM – một lần nữa khẳng định siêu đô thị TP.HCM sẽ góp phần thúc đẩy tiêu dùng. Theo TS Khải, hiện nay ngành logistics và bán lẻ ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang ở mức trung bình, còn chậm so với các nước phát triển.

Lý do là trước đây xây dựng logistics cục bộ, manh mún mỗi địa phương. Nguyên nhân này cũng dẫn đến các chi phí logistics tăng cao, làm công suất khai thác thấp. Nhưng sau khi sáp nhập hai tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương vào TP.HCM thì đây là cơ hội để xây dựng đồng bộ, liền mạch hơn. 

“Phải chuyển đổi số, phát triển quy mô doanh nghiệp. Nhà nước, doanh nghiệp, nhà trường cùng đồng hành với nhau, để thúc đẩy tăng trưởng thương mại”, TS Khải nói.

14 triệu dân ở TP.HCM mới là cơ hội lớn cho ngành bán lẻ - Ảnh 7.

Ông Nguyễn Văn Dũng – phó chủ tịch UBND TP.HCM – khẳng định thành phố cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mang tính quyết liệt và sáng tạo – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Văn Dũng – phó chủ tịch UBND TP.HCM – nhấn mạnh để hiện thực hóa tầm nhìn phát triển một “siêu đô thị” hiện đại, thành phố cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp mang tính quyết liệt và sáng tạo.

Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành cơ chế đặc thù hỗ trợ TP.HCM phát triển hạ tầng thương mại, logistics hiện đại, đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong chuỗi cung ứng. Đây là cơ sở để thành phố phát huy vai trò trung tâm kinh tế – thương mại – tiêu dùng không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á.

Thứ hai, đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia, diễn giả khách mời tiếp tục đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và đóng góp thêm các giải pháp thực tiễn giúp thành phố tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển chuỗi cung ứng, đặc biệt là các giải pháp phát triển đồng bộ hệ sinh thái logistics, tăng tính kết nối giữa các lĩnh vực sản xuất – lưu thông – tiêu dùng.

Thứ ba, giao các cơ quan, đơn vị tham mưu (Sở Công Thương, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Thuế thành phố, Chi cục Hải quan, Ban Quản lý các khu chế xuất, khu công nghiệp, Khu công nghệ cao và các đơn vị liên quan):

– Chủ động rà soát, cập nhật các quy hoạch, kế hoạch phát triển có liên quan, bảo đảm phù hợp với định hướng mở rộng không gian đô thị, phát triển thương mại – dịch vụ theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.

– Tăng cường phối hợp liên ngành, liên vùng trong việc xây dựng các giải pháp thúc đẩy phát triển hạ tầng thương mại – logistics, mở rộng mạng lưới phân phối, chuyển đổi số hoạt động bán lẻ, ứng dụng công nghệ trong quản lý chuỗi cung ứng.

Lãnh đạo thành phố đặc biệt nhấn mạnh việc cần lồng ghép các yêu cầu về phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, sử dụng năng lượng hiệu quả và phát thải thấp trong các dự án hạ tầng thương mại như trung tâm logistics, chợ đầu mối, trung tâm bán lẻ.

Thành phố cũng sẽ khuyến khích các mô hình thí điểm có tính linh hoạt, sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và người dân làm động lực của quá trình chuyển đổi.

Báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn góp ý phát triển ngành thương mại cho siêu đô thị TP.HCM

Tại buổi tọa đàm, ông Trần Xuân Toàn – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ – cho biết để ghi nhận hết các ý kiến của chuyên gia, bạn đọc, báo Tuổi Trẻ tiếp tục nhận sự góp ý, đóng góp của mọi người cho phát triển ngành thương mại TP.HCM thông qua Diễn đàn TP.HCM: Xây dựng chuỗi cung ứng, bán lẻ hiện đại, bền vững trong giai đoạn mới. Diễn đàn kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9-2025.

Mọi ý kiến xin gửi về địa chỉ email: [email protected]