Trên hành trình ấy, không chỉ có vinh quang, thành tựu, mà còn có những gian nan, thử thách, những năm tháng đại dịch khốc liệt; cùng bao tâm huyết, bao giọt mồ hôi, cống hiến thầm lặng…
Từ những gian khó ngày đầu
Tháng 4.2025, BVĐKTƯ Cần Thơ rộn ràng chuẩn bị cho mốc son kỷ niệm 20 năm thành lập (12.5.2005 – 12.5.2025). Đứng trước khuôn viên xanh mát của bệnh viện, ít ai hình dung được rằng, nơi này đã trải qua biết bao khó khăn, thử thách để có diện mạo hôm nay.
BS.CK2 Huỳnh Thống Em, Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, nhớ lại những ngày bệnh viện mới thành lập: “Khi ấy, một bộ phận bác sĩ giàu kinh nghiệm chọn ở lại các bệnh viện địa phương, số còn lại chuyển về BVĐKTƯ Cần Thơ. Đội ngũ vốn đã mỏng, bác sĩ có trình độ sau đại học rất ít, lại thiếu trang thiết bị, khó khăn rất nhiều”.
Cùng ký ức đó, TS-BS Cao Thị Mỹ Thúy, Trưởng khoa Nội hô hấp, nhớ lại những ngày đầu của khoa, tiền thân là khoa Phổi – Thận: “Khi bệnh viện thành lập, khoa chỉ có 22 người, bằng một nửa so với hiện tại. Chính vì thế, ngay giai đoạn ấy, việc tuyển dụng, đào tạo nhân sự trở thành yêu cầu cấp thiết”.

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh viện tuyến cuối thuộc Bộ Y tế tại ĐBSCL
ẢNH: ĐÌNH TUYỂN
Khi mọi thứ còn ngổn ngang, ngày 26.9.2007, sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ xảy ra, gây chấn động cả nước và là thử thách cực đại cho công tác cấp cứu y tế. Thế nhưng, vượt lên trên mọi giới hạn, cùng với các cơ sở y tế khác, toàn thể bệnh viện đã đồng lòng “lao vào cuộc chiến”, giành giật từng hơi thở cho nạn nhân, giúp nhiều người trở lại với cuộc sống.
Đến năm 2021, đại dịch Covid-19 bùng phát, bệnh viện trở thành tuyến đầu quan trọng khi Trung tâm Hồi sức tích cực quốc gia điều trị Covid-19 thứ 12 của Bộ Y tế được thành lập tại bệnh viện. Nhưng cũng chính trong những khó khăn ấy, kỹ thuật ECMO, “cứu cánh” cuối cùng cho các ca bệnh nguy kịch, trở thành kỹ thuật thường quy; cả hệ thống y khoa của bệnh viện cũng như được tôi luyện thêm bản lĩnh, trình độ chuyên môn.
Từng bước làm chủ kỹ thuật khó
Giai đoạn 2008-2010, BVĐKTƯ Cần Thơ dần ổn định guồng máy và tiếp tục xác định yếu tố con người là then chốt. “Ngay từ thời điểm đó, bệnh viện chủ động liên kết với các trường đại học y dược, tổ chức đào tạo sau đại học tại chỗ. Đồng thời, tạo mọi điều kiện để các bác sĩ được tu nghiệp ở những nước có nền y học tiên tiến như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Sĩ, Thái Lan, Đài Loan…”, BS.CK2 Nguyễn Minh Nghiêm, Phó giám đốc bệnh viện kể.
Đây cũng là giai đoạn ghi dấu nỗ lực rất lớn của ban giám đốc tiền nhiệm trong việc tranh thủ hỗ trợ từ Bộ Y tế và tự chủ nguồn lực để đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, mở rộng cơ sở hạ tầng. Hàng loạt thiết bị tối tân như hệ thống máy DSA, máy siêu âm tim, máy tuần hoàn ngoài cơ thể, máy CT Scan, MRI… được đưa về, dần mở ra những cơ hội mới trong điều trị.
Đến năm 2017, Trung tâm Tim mạch quy mô và hiện đại nhất khu vực ĐBSCL trực thuộc bệnh viện ra đời, gồm các chuyên khoa Nội tim mạch, Tim mạch can thiệp và Phẫu thuật tim. Trung tâm đã nhanh chóng khẳng định vai trò then chốt trong điều trị các bệnh lý tim mạch phức tạp ở ĐBSCL.
Đến năm 2020, Khoa Đột quỵ cũng chính thức thành lập, và chỉ 3 năm sau đã đạt chứng nhận chuẩn Bạch kim về điều trị đột quỵ của Hội Đột quỵ thế giới (WSO). Cũng trong năm 2020, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình ra đời, với 3 chuyên khoa: Phẫu thuật cột sống – chấn thương, Phẫu thuật nội soi và Phẫu thuật thay khớp – Ung bướu học chỉnh hình. Chỉ sau 5 năm, trung tâm đã thực hiện hàng ngàn ca phẫu thuật, bao gồm nhiều kỹ thuật cao.
Đến năm 2024, bệnh viện tiếp tục có bước tiến quan trọng khi triển khai thành công kỹ thuật ghép thận, trở thành trung tâm ghép tạng thứ 26 của cả nước. Sang đầu năm 2025, khu điều trị mới hoàn thành đi vào hoạt động, đã di dời, giảm tải một số chuyên khoa; tiếp tục mở ra cơ hội mới cho nhiều kỹ thuật chuyên sâu.

Nhiều kỹ thuật chuyên sâu, trong đó gần nhất là ghép thận đã được triển khai thành công tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ
ẢNH: ĐÌNH TUYỂN
Vững bước vào kỷ nguyên mới
Sau 20 năm thành lập và phát triển, từ 804 nhân sự ban đầu, đến nay BVĐKTƯ Cần Thơ đã có 1.487 cán bộ, nhân viên, gồm 430 bác sĩ với 65,55% được đào tạo sau đại học. Chế độ, chính sách, thu nhập của viên chức, người lao động cũng được nâng lên từng ngày.
Với vai trò là bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y tế tại ĐBSCL, hiện mỗi ngày, BVĐKTƯ Cần Thơ tiếp nhận từ 2.000 đến 2.500 lượt người đến khám và điều trị ngoại trú. Số lượng bệnh nhân nội trú cũng dao động từ 1.500 đến 1.700 lượt/ngày.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, nhận định: “Những nỗ lực không mệt mỏi của tập thể y bác sĩ đã xây dựng nên một BVĐKTƯ Cần Thơ vững mạnh. Qua đó không chỉ góp phần giảm tải cho tuyến trên, hỗ trợ tuyến dưới mà còn nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ y tế chuyên sâu cho người dân ĐBSCL”.
Chia sẻ với toàn thể viên chức, người lao động của bệnh viện, BS.CK2 Nguyễn Minh Vũ, Giám đốc BVĐKTƯ Cần Thơ, bày tỏ: “Khi bệnh viện từng bước lớn mạnh, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình. Từ những kỹ thuật điều trị cơ bản, bệnh viện đã vươn lên thực hiện thành công nhiều kỹ thuật khó, chuyên sâu, mang lại sự sống và hy vọng cho biết bao người. Tất cả những điều đó không chỉ là thành tựu của riêng chúng ta, mà là kết quả của sự hợp lực, của trí tuệ và tâm huyết tập thể. Và trên hết, điều khiến chúng ta tự hào nhất chính là giá trị nhân văn mà bệnh viện đã và đang xây dựng”.
BVĐKTƯ Cần Thơ chắc chắn sẽ tiếp tục sứ mệnh tiên phong, không ngừng đổi mới và phát triển. Để giúp người dân miền Tây không phải đi xa mà vẫn được thụ hưởng những tinh hoa y học và xứng đáng là nơi để người dân đồng bằng gửi trọn niềm tin.
Theo định hướng BVĐKTƯ Cần Thơ phấn đấu đủ điều kiện lên hạng đặc biệt năm 2025; sớm triển khai kỹ thuật ghép gan; thành lập các đơn vị như nhi – sơ sinh, phẫu thuật tim nhi, trung tâm nội soi… Bên cạnh đó, tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ và trí tuệ nhân tạo vào chẩn đoán, điều trị; mở rộng bệnh viện và sẵn sàng tiếp nhận Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình Trung ương Cần Thơ.