Theo phản ánh của người dân, vào năm 2024 UBND xã Lộc Yên (H.Hương Khê, Hà Tĩnh) được tỉnh Hà Tĩnh cấp kinh phí mua xi măng phục vụ cho việc làm đường giao thông nông thôn mới.

Xã Lộc Yên để hơn 200 tấn xi măng ngoài trời
ẢNH: PHẠM ĐỨC
UBND H.Hương Khê sau đó đã tiến hành đấu thầu để lựa chọn đơn vị cung ứng xi măng. Đến tháng 12.2024, UBND xã Lộc Yên đã được cấp 210 tấn xi măng trị giá hơn 200 triệu đồng.
Sau khi tiếp nhận, xã Lộc Yên tập kết toàn bộ số xi măng ở sân bóng thôn Bình Phúc (xã Lộc Yên) và dùng bạt trùm kín lại. Số vật liệu trên không được sử dụng, nên nằm phơi nắng, phơi mưa cho đến nay.
Do để ngoài trời lâu ngày nên đã có số lượng lớn bao xi măng bị đông cứng, hư hỏng. Đặc biệt, người dân ở xã Lộc Yên cũng cho rằng bây giờ nếu sử dụng số xi măng này làm đường sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Một người dân ở thôn Bình Phúc ngao ngán nói: “Chúng tôi cũng không hiểu sao xã lại không để xi măng vào kho mà để ngoài trời, tại khu vực ngập nước. Bây giờ xi măng bị hư hỏng thế này là rất lãng phí tài sản của nhà nước”.

Do để ngoài trời nên có khoảng gần 40 tấn xi măng bị đông cứng, hư hỏng
ẢNH: PHẠM ĐỨC
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Lộc Yên thừa nhận trong số 210 tấn xi măng được cấp hiện có khoảng gần 40 tấn bị đông cứng, hư hỏng do để lâu ngày ngoài trời. Số còn lại chưa hư hỏng nhưng cũng không thể sử dụng được vì sợ ảnh hưởng đến chất lượng.
Theo ông Hưng, năm 2024, tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ xi măng cho địa phương làm đường, nhưng do xã không tìm được nguồn vật liệu đối ứng, nên việc làm đường chưa được thực hiện. Toàn bộ số xi măng sau khi tiếp nhận được chính quyền xã này bàn giao cho một tổ thợ trong xã bảo quản. Việc để xi măng hư hỏng là trách nhiệm của tổ thợ này.
“Hiện, xã đã tìm được nguồn vật liệu đối ứng, và sẽ tiến hành làm đường giao thông trong những ngày tới. Chúng tôi đã làm việc với tổ thợ, họ cam kết sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm và mua mới số lượng xi măng tương ứng để đền bù”, ông Hưng nói.