Trong đó, năm 2022 Viện Vật lý địa cầu ghi nhận 254 trận động đất, năm 2023 có 316 trận, năm 2024 có 436 trận và đến tháng 4.2025 có 80 trận.
Sự biến động bất thường
Động đất trên địa bàn tỉnh Kon Tum bắt đầu xuất hiện từ ngày 4.4.2021. Chuỗi các trận động đất vừa và nhỏ được ghi nhận bởi mạng lưới trạm địa chấn quốc gia của Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam. Sau đó, động đất tiếp tục xảy ra với tần suất cao, cho đến hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Bản đồ những trận động đất xảy ra tại H.Kon Plông từ trước đến nay
ẢNH: NGUYỄN HỒNG PHƯƠNG
Điều đáng chú ý là trong suốt thời gian từ năm 1937 đến trước ngày 4.4.2021, tại Kon Tum chỉ ghi nhận 1 trận động đất. Trận động đất này có độ 3,9 độ Richter. Từ sau ngày 4.4.2021 là mốc bắt đầu bùng nổ chuỗi động đất tại H.Kon Plông. Đây là sự biến động bất thường về động đất ở khu vực này.
Không chỉ gia tăng về tần suất, động đất ở H.Kon Plông cũng có biểu hiện gia tăng về độ lớn. Độ lớn động đất cực đại năm 2021 là 3,9 độ Richter; bước sang năm 2022, độ lớn động đất cực đại đã đạt tới 4,7 độ Richter; và đến năm 2024 đã ghi nhận trận động đất mạnh nhất với độ lớn là 5,0 độ Richter.
Đến nay, 3 trận động đất mạnh nhất được ghi nhận tại H.Kon Plông có độ lớn lần lượt là 4,5 độ Richter (ngày 18.4.2022), 4,7 độ Richter (ngày 23.8.2022) và 5 độ Richter (ngày 28.7.2024).
Theo thống kê của UBND H.Kon Plông, động đất dù chưa gây thiệt hại về người nhưng đã gây ra một số thiệt hại về tài sản và các công trình, trụ sở trên địa bàn. Cụ thể, trên địa bàn 7 xã, thị trấn có 12 trụ sở (gồm trường học, trạm y tế, UBND xã), 4 nhà người dân bị nứt và một số tài sản của người dân bị hư hỏng.

Động đất gây ra một số thiệt hại tại các công trình, trụ sở trên địa bàn H.Kon Plông
ẢNH: ĐỨC NHẬT
Trước tình trạng trên, UBND H.Kon Plông đề nghị UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo Sở NN-MT tỉnh mở các lớp đào tạo, tập huấn về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho cán bộ cấp xã, huyện. Đồng thời hướng dẫn thực hiện diễn tập phòng tránh thiên tai để nâng cao ý thức chủ động, tự giác của người dân trong việc ứng phó với thiên tai bất lợi.
Động đất do tác động của con người
Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Phương (Viện Vật lý địa cầu), xét về cơ chế phát sinh, có thể chia động đất thành hai nhóm chính là động đất do nguồn gốc tự nhiên và động đất do những hoạt động của con người. Trong nhóm thứ nhất, nguồn phát sinh ra động đất có thể bao gồm đứt gãy kiến tạo, núi lửa hay thiên thạch. Còn trong nhóm thứ hai, nguồn phát sinh ra động đất có thể là do hoạt động thủy điện, khoan sâu hay khai thác dầu khí.
Động đất phát sinh do hoạt động của con người còn được gọi là động đất kích thích. Động đất kích thích ghi nhận được thường có độ lớn dao động trong một dải rất rộng từ những trận động đất nhỏ đến trung bình và cả động đất mạnh có độ lớn lên đến 5 – 7 độ Richter.

Học sinh tại H.Kon Plông tham gia diễn tập ứng phó với động đất
ẢNH: ĐỨC NHẬT
Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Phương, động đất kích thích tại các hồ chứa thủy điện là hiện tượng phổ biến nhất và cũng gây nhiều chú ý của cộng đồng nhất.
Sự phát sinh của chuỗi các động đất kích thích thường tuân theo quy luật tắt dần theo thời gian. Sau một khoảng thời gian nhất định, khi ứng suất trong vỏ trái đất ở khu vực đã đạt đến trạng thái cân bằng, chế độ hoạt động động đất ở khu vực sẽ trở về chế độ hoạt động địa chấn kiến tạo ổn định.
Tại Việt Nam có thể nhận thấy chuỗi các trận động đất kích thích xảy ra tại nhà máy thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), nhà máy thủy điện Sơn La (tỉnh Sơn La) và nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 (Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam).
“Chuỗi động đất tại H.Kon Plông trong thời gian từ ngày 4.4.2021 đến nay chủ yếu bao gồm các trận động đất nhỏ, có độ lớn cực đại đạt 5,0 độ Richter. Chuỗi động đất kích thích, được kích hoạt do tác động của con người vào môi trường địa phương”, ông Phương nói.
Cũng theo ông Phương, nhằm phục vụ kịp thời công tác báo tin động đất và phục vụ công tác nghiên cứu, Viện Vật lý địa cầu đã triển khai lắp đặt 11 trạm quan trắc động đất tại khu vực H.Kon Plông.

Động đất gây nứt nhà tại H.Kon Plông
ẢNH: ĐỨC NHẬT
Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết, trước tình hình động đất diễn ra tại Kon Plông, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp kiểm tra, đánh giá tác động và mức độ ảnh hưởng của các trận động đất đối với nhà ở của người dân, trường học nhất là các hồ đập thủy lợi, thủy điện. Từ đó kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố, hư hỏng để bảo đảm an toàn cho người và tài sản trên địa bàn.
Các cơ quan, ban ngành cùng các địa phương sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để ứng phó khi có tình huống xảy ra. Các đơn vị có liên quan phối hợp cùng địa phương thông tin kịp thời về động đất và dư chấn do động đất, hướng dẫn kỹ năng ứng phó, ổn định tâm lý cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng.