5 anh em mất sạch đất vì không chia nổi 2.800 m2 thừa kế

5 anh em mất sạch đất vì không chia nổi 2.800 m2 thừa kế

bởi

trong
5 anh em mất sạch đất vì không chia nổi 2.800 m2 thừa kế

Dọa đuổi chém bất kỳ đứa em gái nào dám đào hố chôn cọc nhà, hai người anh trai đòi độc chiếm phần đất thừa kế 2.800 m2.

“Đúng ra nhà tôi cũng có khối tài sản rất lớn ở đường Lê Văn Quới, quận Bình Tân, TP HCM. Bảy anh em tôi mỗi người được cấp một sổ đỏ 2.200 m2 đất, mặt tiền 7 m. Đây là tài sản do bà ngoại tôi để lại. Nhưng do gia đình quá nghèo, không có tiền lên thổ cư, cũng như đóng tiền cấp sổ đỏ lần đầu vào năm 1998, nên chúng tôi đành nghe theo một người anh, chấp nhận ‘bán lúa non’.

Cả khối tài sản lớn vào năm 1997, chúng tôi đã bán hết với giá gần 500 triệu đồng. Sau đó, mỗi người con còn lại khoảng 400 m2 đất phía cuối (do hai góc giáp mồ mả nên thương lái không mua). Vậy là tổng bảy người chúng tôi còn lại 2.800 m2 đất, đã có sổ đỏ riêng mỗi người năm 1998.

Nhưng rồi, anh cả tôi mất sớm, không có con cái và để lại di chúc gì. Hai người anh trai còn lại tìm cách chiếm hết phần đất này của các em. Họ đòi phần còn lại này phải dành cho mấy người con trai, còn ba cô con gái không được ở trên đất. Mặc dù là đất đứng tên riêng từng người nhưng hai người anh trai đe dọa đuổi chém bất kỳ đứa em gái nào dám đào hố chôn cọc nhà trên đất.

>>

Thế rồi, mặc nhiên hai người anh tôi đua nhau cất nhà xưởng cho thuê trên 2.800 m2 đất đó, tiền thu được chia nhau bỏ túi riêng. Sau đó, họ còn tự tranh giành, thậm chí đánh nhau vì mạnh người nào người đó ra sức chiếm đất làm của riêng. Suốt hơn 20 năm, không ai trong số họ đổi được sổ lên thổ cư. Cuối cùng, vừa rồi, nhà nước lấy đất, chi trả hỗ trợ bồi thường cho từng người. Xem như cuộc tranh giành của hai anh em từ năm 2000 đến 2025 coi như vô nghĩa”.

Đó là chia sẻ của độc giả về chuyện tranh giành thừa kế giữa anh em trong gia đình mình. Thực tế, dù hoàn toàn không được pháp luật công nhận, nhưng nhiều gia đình ở Việt Nam vẫn mang nặng tư tưởng phong kiến “trọng nam khinh nữ” trong chuyện phân chia thừa kế. Nhiều người quan niệm “con gái đã lấy chồng thì không được nhận di sản thừa kế của nhà đẻ”. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 632 Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền bình đẳng về thừa kế của cá nhân thì mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Phản đối tư tưởng phân biệt nam – nữ trong phân chia thừa kế, bạn đọc lấy dẫn chứng từ chính thực tế trong gia đình mình: “Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng giống nhau là có lòng tham thì sự việc sẽ rắc rối, huynh đệ tương tàn. Còn khi anh chị em thương yêu nhau, biết nghĩ cho nhau thì việc rất đơn giản. Tôi lấy ví dụ của chính cá nhân mình:

Nhà tôi thì mấy anh em đều thống nhất nhường hết đất thừa kế cho chị cả. Lý do là bởi chị vất vả từ sớm để phụ cha mẹ nuôi các em nên không được học cao, cuộc sống vất vả hơn chúng tôi (dù thời đó chị cũng học khá giỏi và luôn kèm cặp các em nên người, nhưng vì điều kiện kinh tế không cho phép nên chị đành từ bỏ giấc mơ đại học).

Chúng tôi tự thấy mình may mắn khi được học hành đến nơi đến chốn, tự lo được cho bản thân, nên không cần đến phần đất thừa kế cha mẹ để lại. Ấy thế mà chị tôi ban đầu còn không chịu sang tên nhà đất. Chị nói: “Cứ đứng đồng sở hữu hết mấy chị em, rồi ủy quyền cho chị sử dụng là vui rồi”. Sau này, tôi và mấy anh chị phải nói mãi chị mới chịu đi sang tên đất.

Nhà vợ tôi cũng vậy khi các chị em vợ đều thống nhất nhường hết nhà cửa, đất đai cho cậu út. Em ở chung với cha mẹ vợ tôi trước giờ, còn các anh chị ở riêng hết, lại thuộc thế hệ sinh sau đẻ muộn nên dù chăm chỉ làm ăn nhưng đến giờ cũng khó kiếm nhà hơn chúng tôi.

Cha mẹ vợ từng họp tất cả con cái, dâu rể trong nhà lại để bàn chuyện chia thừa kế, ý muốn cậu út chuyển lại cho các anh, chị một ít sau khi nhận nhà. Thế nhưng tôi và mấy ông con rể kia cũng nói thẳng: ‘Bố cho ai thì cho, vợ con nhận hay không là do vợ con quyết, chứ bọn con thì không nhận, chỉ cần có chỗ lâu lâu anh em ngồi nhậu với nhau như vậy là vui rồi”.

>>

Vợ tôi và mấy anh, chị kia cũng không nhận, muốn để hết cho cậu út dành làm tiền vốn làm ăn sau này. Hôm đó, tôi thấy ba vợ tôi rất vui. Sau này, ba vợ không còn nhậu được, nhưng cứ một, hai tháng lại gọi điện xếp lịch để cả nhà đoàn tụ ăn uống vui vẻ với nhau. Cậu út có gì ngon cũng chạy sang biếu các anh, chị và các cháu.

Vấn đề hạnh phúc của tôi là cả anh, chị, em hai bên gia đình đều là những người biết suy nghĩ nên giải quyết thừa kế nhanh, gọn, lẹ. Giờ đến đời con tui và các anh chị họ của chúng cũng thương yêu nhau như vậy. Con tôi lúc nhỏ cứ mỗi lần về quê chơi lại khóc như mưa khi phải chia tay anh, chị họ. Mọi người ở quê có gì ngon cũng gói cho con mang lên, giá trị không nhiều nhưng quan trọng là tình cảm.

Không biết tương lai như thế nào, chứ việc chia tài sản này đã diễn ra ngót nghét 20 năm mà chúng tôi vẫn hạnh phúc và hãnh diện về điều đó. Có thể có người nói tôi dại, chê tiền, nhưng tôi mặc kệ, bởi hạnh phúc đôi khi không mua được bằng tiền”.

Thành Lê tổng hợp