5 giai đoạn phải vượt qua sau ly hôn

5 giai đoạn phải vượt qua sau ly hôn

bởi

trong
5 giai đoạn phải vượt qua sau ly hôn

Ly hôn là một trải nghiệm cảm xúc sâu sắc liên quan đến sự mất mát và buồn bã.

Hiểu được các giai đoạn của cảm xúc sau khi ly hôn có thể giúp xoa dịu sự bất an và tuyệt vọng. Theo chuyên gia tâm lý trong lĩnh vực hôn nhân Oona Metz (Mỹ), dù có chủ động ly hôn hay không, một người vẫn phải trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc trong suốt quá trình chuyển đổi cuộc sống này.

Đau khổ

Tan vỡ, đau khổ là giai đoạn đầu tiên của ly hôn.

Nếu bạn chủ động ly hôn, nhiều khả năng trước đó bạn đã trải qua những nỗi đau trong thời gian hôn nhân và buộc phải đưa ra quyết định. Ngoài nỗi đau về mặt cảm xúc, nhiều người cũng gặp phải các triệu chứng về thể chất trong giai đoạn này.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Hetherington & Kelly cho thấy, nỗi đau ly hôn khá phức tạp nên một người phải mất hai năm để xử lý và khoảng 4 năm để cảm thấy ổn định trở lại.

Tâm trạng trồi sụt

Đây thường là giai đoạn dài nhất. Cảm xúc của bạn sẽ đến và đi theo cách không thể đoán trước và thường chồng chéo lên nhau. Đôi khi, bạn có thể có hai cảm xúc trái ngược nhau cùng một lúc.

Giai đoạn này, bạn trải qua một cơn lốc cảm xúc và thậm chí thấy mình sắp phát điên vì buồn, tức giận, sợ hãi, thất vọng, lo lắng, hối hận, tổn thương, bị từ chối, xấu hổ, bối rối. Theo thời gian, cảm giác đau đớn sẽ trở nên ít dữ dội hơn, ít thường xuyên hơn và khi chúng xuất hiện, chúng sẽ không kéo dài lâu.

Tự chữa lành

Trong một nghiên cứu của nhà tâm lý học người Đức Lucas và cộng sự năm 2003, theo dõi hơn 600 người trong 9 năm sau khi ly hôn, cho thấy ít nhất 72% cho thấy kết quả phục hồi, với sự thay đổi về mức độ hài lòng trong cuộc sống trong thời gian dài.

Nghiên cứu cũng cho thấy, đối với nhiều người, tình trạng đau khổ sẽ thuyên giảm trong một, hai năm, nhưng sự cân bằng tâm lý hoàn toàn, đặc biệt là trong những cuộc ly hôn phức tạp hoặc khi về già, có thể mất 3-5 năm.

Trong giai đoạn này, cảm xúc trở nên ít mãnh liệt và ít thường xuyên hơn, khi bạn dần học cách hàn gắn trái tim mình. Việc hàn gắn thể hiện sự thay đổi trong sự tập trung từ bạn đời cũ sang chính mình. Bạn vẫn có thể cảm thấy buồn nhưng cũng sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi thoát khỏi xung đột và căng thẳng trong cuộc hôn nhân.

Đây cũng là thời gian để suy ngẫm và chịu trách nhiệm về vai trò của bản thân trong cuộc hôn nhân và quyết định ly hôn của mình.

Buông bỏ

Đây là giai đoạn bạn chấp nhận cuộc hôn nhân của mình đã kết thúc. Bạn bắt đầu cảm thấy bình tĩnh hơn, thoát khỏi trạng thái lấp lửng và bước vào cuộc sống chắc chắn hơn.

Bạn có nhiều năng lượng hơn để đầu tư vào các hoạt động không liên quan tới hôn nhân/ly hôn. Bạn sẽ trải nghiệm được nhiều sự bình yên hơn và không còn cảm thấy bị kích động bởi người cũ nữa.

Bạn bắt đầu tìm thấy sự tha thứ đối với bản thân, những người thân thiết với bạn và thậm chí có thể là cả người cũ. Việc tạo ra và duy trì các ranh giới lành mạnh sẽ rất quan trọng trong giai đoạn này.

Sẵn sàng cho trải nghiệm mới

Khi lấy lại được quyền lực và sự kiểm soát, bạn có thể thấy mình sẵn sàng xây dựng những mối quan tâm và mối quan hệ mới.

Nhiều người chuyển từ cảm giác ly hôn là điều tồi tệ sang tin rằng đó là điều tốt nhất. Cuộc ly hôn sẽ luôn là một phần trong quá khứ nhưng nó sẽ không còn thống trị cuộc sống hàng ngày của bạn nữa. Bạn đã sống sót và sẵn sàng để làm mới mình.

Thùy Linh (Theo Psychology Today)