
Không có một hội chứng mãn kinh duy nhất hay một nhóm triệu chứng cố định mà ai cũng gặp phải – Ảnh: FREEPIK
“Không tồn tại một hội chứng mãn kinh duy nhất hay bộ triệu chứng cố định mà ai cũng phải trải qua, quan niệm này là hoàn toàn sai lầm”, bác sĩ Monica Christmas, phó giám đốc y khoa của The Menopause Society và giám đốc chương trình mãn kinh tại Đại học Chicago, cho biết.
Khoảng 80% phụ nữ gặp phải cơn bốc hỏa, bà nói. Tuy nhiên, tần suất và mức độ nặng nhẹ rất khác nhau, thậm chí có người không hề trải qua triệu chứng này.
Một số người nhạy cảm hơn với sự thay đổi nội tiết và phải vật lộn với các cơn bốc hỏa nghiêm trọng mỗi giờ. Người khác chỉ bị nhẹ, khoảng hai lần mỗi tuần.
Theo báo Chicago Sun-Times, dù dữ liệu còn hạn chế, các nghiên cứu mới cho thấy sự sụt giảm estrogen quanh thời kỳ mãn kinh có thể làm nặng thêm các triệu chứng viêm xoang và dị ứng.
Nguyên nhân gây hiểu lầm về mãn kinh là gì?
Nguyên nhân khiến mãn kinh thường bị hiểu sai là do thiếu đào tạo y khoa, nghiên cứu chưa đầy đủ và thông tin tràn lan trên mạng xã hội, theo giáo sư Pauline Maki – giám đốc Trung tâm CHARM tại Đại học Illinois Chicago.
Bà Maki cảnh báo rằng phần lớn nội dung trực tuyến về mãn kinh đến từ người có ảnh hưởng, chứ không phải chuyên gia y tế.
Trên toàn cầu, nghiên cứu về mãn kinh là lĩnh vực y tế công cộng còn thiếu kinh phí và chưa được quan tâm đúng mức. Một nghiên cứu cho biết bác sĩ chỉ được đào tạo trung bình khoảng 2 giờ về tiền mãn kinh và mãn kinh.
Mãn kinh cũng vẫn là chủ đề nhạy cảm, dễ bị kỳ thị. Nhiều phụ nữ còn ngại nói với bác sĩ về các triệu chứng liên quan đến đời sống tình dục, giáo sư Maki lưu ý.
Mãn kinh vẫn còn là chủ đề chưa được hiểu đầy đủ. Tiền mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp, có thể bắt đầu từ 10 năm trước khi xảy ra mãn kinh tự nhiên – thời điểm được xác định là sau 12 tháng không có kinh nguyệt, thường vào khoảng tuổi 51.
Trong thời gian chuyển tiếp này, sự dao động nội tiết tố có thể gây ra nhiều triệu chứng như đổ mồ hôi ban đêm, mất ngủ, đánh trống ngực và lo âu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quan niệm sai lầm phổ biến mà phụ nữ thường tin về giai đoạn này như liệt kê tiếp sau đây:
Cơn bốc hỏa hoặc đổ mồ hôi đêm sẽ biến mất sau vài năm?
Với bà Diane Campbell, 62 tuổi, những dấu hiệu đầu tiên của tiền mãn kinh như sương mù trí não, lo âu và thay đổi tâm trạng xuất hiện từ năm 39 tuổi. Bước sang tuổi 50, bà bắt đầu trải qua những cơn bốc hỏa “nghiêm trọng”, kéo dài cả sau khi mãn kinh.
Bà Campbell từng tìm đến bác sĩ để mô tả cảm giác tức giận, mất ngủ và đổ mồ hôi ban đêm, nhưng chỉ được kê thuốc chống trầm cảm. Phải đến người bác sĩ thứ sáu, bà mới gặp được một bác sĩ phụ khoa thấu hiểu tình trạng của mình.
Sau đó, bà bắt đầu liệu trình thay thế hormone, gồm miếng dán estrogen hai lần mỗi tuần và kem bôi âm đạo nhằm cải thiện ham muốn tình dục, điều trị khô âm đạo và nhiễm trùng tiểu tái phát – các triệu chứng có thể tiếp diễn sau mãn kinh.
Bà ngủ ngon mà không còn bị đổ mồ hôi đêm, làn da hết ngứa, tâm trí không còn rối loạn, và chất lượng sống cải thiện rõ rệt.
Không thể mang thai trong thời kỳ tiền mãn kinh?
Bác sĩ Traci Kurtzer, chuyên gia phụ khoa, khẳng định phụ nữ vẫn có thể mang thai trong giai đoạn tiền mãn kinh.
Bà nhấn mạnh rằng cho đến khi mãn kinh thật sự – tức là sau 12 tháng không có kinh – khả năng mang thai vẫn tồn tại.
Dù tỉ lệ sinh sản giảm, trứng vẫn có thể rụng và thụ tinh. Bà cũng cho biết bản thân khá bất ngờ khi thấy “vẫn còn nhiều người không biết rằng phụ nữ ở tuổi 40, thậm chí đầu 50, vẫn có thể mang thai”.
Liệu pháp thay thế hormone là lựa chọn duy nhất để giảm triệu chứng mãn kinh?
Khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh ở cuối độ tuổi 40, bà Paula Neale trải qua những thay đổi cảm xúc dữ dội. Bà dễ xúc động, hay nổi giận và mối quan hệ với chồng trở nên căng thẳng.
Đến đầu tuổi 50, bà chính thức mãn kinh và tăng 9kg – điều chưa từng xảy ra trước đó vì bà không cần ăn kiêng hay tập thể dục. Ở giai đoạn hậu mãn kinh, các cơn bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm bắt đầu xuất hiện.
Bà Neale từng nhiều lần yêu cầu điều trị bằng hormone. Tuy nhiên sau khi được bác sĩ thăm khám, bà hiện đang sử dụng thuốc kê đơn không chứa hormone để kiểm soát triệu chứng bốc hỏa và đổ mồ hôi đêm.
Mang gene BRCA thì không thể dùng hormone?
Người mang gene đột biến BRCA có nguy cơ cao mắc ung thư vú và một số ung thư khác trong suốt đời.
“Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa họ không thể dùng hormone”, bác sĩ Traci Kurtzer cho biết.
Bà nhấn mạnh vai trò của các cuộc thảo luận cá nhân hóa giữa bệnh nhân và bác sĩ, bao gồm việc đánh giá rủi ro, xét đến tiền sử điều trị và cân nhắc lợi ích tổng thể của liệu pháp hormone.
Theo bà, lầm tưởng này xuất phát từ nỗi sợ và thông tin sai lệch về mối liên hệ giữa ung thư vú và liệu pháp hormone.
Mãn kinh chỉ bắt đầu sau tuổi 50
Tuổi mãn kinh phổ biến nằm trong khoảng từ 45 đến 55, nhưng vẫn có thể xảy ra sớm hơn. Nếu xảy ra trước 45 tuổi gọi là mãn kinh sớm, còn trước 40 tuổi là mãn kinh quá sớm.
Theo bác sĩ Monica Christmas, mãn kinh sớm chiếm khoảng 5% phụ nữ, còn mãn kinh quá sớm chiếm từ 1% đến 3%. Nguyên nhân có thể do phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hoặc diễn ra tự nhiên.
Bác sĩ Traci Kurtzer cho biết nhiều phụ nữ dưới 40 không nhận ra các triệu chứng mình gặp có thể là dấu hiệu mãn kinh sớm. “Họ thường bị bác sĩ phớt lờ và nói: ‘Ồ, cô còn quá trẻ để bắt đầu mãn kinh”, bà chia sẻ.