Khoai tây, khoai lang, đậu phộng, sắn, gừng mọc mầm có thể sinh độc tố, nếu ăn dễ ngộ độc với các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy.
Khoai tây
BS.CKI Đào Thị Yến Thủy, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết khoai tây mọc mầm hoặc vỏ chuyển màu xanh sản sinh ra solanine – chất cực độc có khả năng phá hủy tế bào, gây tê liệt hệ thần kinh trung ương và rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng. “Chỉ 200 mg solanine có thể gây ngộ độc, trong khi một củ khoai mọc mầm có thể chứa tới hàng trăm miligam chất này”, bác sĩ Yến Thủy nói. Ngay cả khi đã gọt sạch mầm và nấu chín, solanine vẫn không bị phân hủy hoàn toàn, gây buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy cùng một loạt triệu chứng ngộ độc.

Khoai tây mọc mầm có thể sản sinh ra chất solanin gây buồn nôn, tiêu chảy, đau đầu. Ảnh: Phương Phạm
Khoai lang
Khoai lang mọc mầm dễ bị vi sinh vật xâm nhập, đặc biệt là nấm mốc sinh độc tố ipomeamarone – hợp chất gây ra vị đắng, có thể làm tổn thương gan. Dù đã nấu chín ở nhiệt độ cao, độc tố ipomeamarone vẫn khó bị phân hủy hoàn toàn, có thể âm thầm ảnh hưởng đến chức năng gan, nhất là ở trẻ em, người có gan yếu. Nếu khoai lang mới nhú mầm nhỏ, vẫn tươi và chưa xuất hiện vết mốc thì có thể gọt bỏ phần mầm rồi sử dụng. Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu hư hỏng hoặc nấm mốc nên bỏ để tránh rủi ro sức khỏe.
Lạc (đậu phộng)
Lạc mọc mầm hoặc bị mốc sẽ sản sinh aflatoxin. Chất độc này rất mạnh, WHO xếp vào nhóm chất gây ung thư. Aflatoxin không bị phân hủy dù ở nhiệt độ nấu ăn cao, dễ tích tụ trong gan và dẫn đến ung thư gan nếu ăn lâu dài. Do đó, mọi người không ăn lạc đã mọc mầm hoặc bị mốc, kể cả chỉ có mùi hôi nhẹ.
Củ sắn (khoai mì)
Chất linamarin và lotan được sinh ra khi củ sắn mọc mầm và chuyển hóa thành axit cyanhydric (HCN). Theo bác sĩ Yến Thủy, đây là một loại độc tố có thể gây chết người chỉ sau vài giờ nếu ăn với lượng lớn, Khi , người bệnh xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, co giật, suy hô hấp. Khi sắn mọc mầm, tuyệt đối không được sử dụng dù đã gọt vỏ hay nấu chín kỹ, bởi một lượng nhỏ cũng có thể để lại di chứng thần kinh vĩnh viễn.
Gừng
Gừng mọc mầm không còn giá trị dinh dưỡng, thậm chí có thể sinh ra chất safrole có khả năng gây hoại tử tế bào gan, biến đổi ADN và làm tăng nguy cơ ung thư gan. Nếu gừng đã mọc mầm hoặc có dấu hiệu hỏng, mốc, hãy vứt bỏ, không sử dụng trong nấu ăn hay ngâm đồ uống.
hướng dẫn cách bảo quản thực phẩm tốt là để ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp, kiểm tra thường xuyên để loại bỏ thực phẩm có dấu hiệu hư hỏng kịp thời.
Phương Phạm
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng để bác sĩ giải đáp |