50 năm Sài Gòn – TP.HCM – Kỳ 8: Cầu Sài Gòn mới đưa TP.HCM vươn xa

50 năm Sài Gòn – TP.HCM – Kỳ 8: Cầu Sài Gòn mới đưa TP.HCM vươn xa

bởi

trong
50 năm Sài Gòn – TP.HCM – Kỳ 8: Cầu Sài Gòn mới đưa TP.HCM vươn xa

Cầu Sài Gòn (còn có tên Tân Cảng) cũ được xây dựng và đưa vào sử dụng từ đầu thập niên 60 của thế kỷ 20 – Ảnh tư liệu

Bộ Giao thông vận tải đã giao Khu Quản lý đường bộ 7 sửa chữa cầu vào những năm 1987, 1989 và 1995. Nguyên nhân cầu xuống cấp, hư hỏng là do mật độ xe ngày càng tăng, các cáp liên kết ngang bị đứt hoặc bị tuột neo, liên kết nối các nhịp cầu bị bong, bật…

Một thời lo cầu cũ

Khu Quản lý đường bộ 7 đã gắn biển báo hạ tải trọng xe tải từ 30 tấn xuống còn 20 tấn lưu thông qua cầu. Việc hạ tải trọng cầu đã gây nhiều khó khăn về vận chuyển hàng hóa từ TP đi các tỉnh.

Thời đó, nhiều tờ báo lên tiếng về nguy cơ sập cầu Sài Gòn sẽ ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân và sự phát triển kinh tế TP. Bởi lượng xe lớn lưu thông qua cầu ngày càng tăng vào Tân cảng Sài Gòn và Cảng Sài Gòn để bốc xếp hàng chục triệu tấn hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Sở Giao thông công chánh TP cho biết cầu đã quá tải vì bình quân mỗi ngày có khoảng 15.700 ôtô lưu thông, chưa kể xe gắn máy. Để giải tỏa áp lực giao thông ở cầu Sài Gòn, TP trình nhiều dự án về quy hoạch giao thông là xây thêm các cầu Bình Phước, Bình Lợi hoặc hầm vượt sông Sài Gòn qua Thủ Thiêm.

Ông Nguyễn Đình Vũ lúc đó là giám đốc Sở Giao thông công chánh TP trả lời báo chí cho biết TP đã nghiên cứu nhiều dự án, nhưng việc nâng cấp, sửa chữa cầu Sài Gòn để xe trọng tải lớn qua cầu vẫn là vấn đề trọng yếu. Bởi đường đi các tỉnh miền Đông, Vũng Tàu và các tỉnh phía Bắc qua cầu Sài Gòn vẫn là con đường ngắn nhất, trong khi đầu tư xây dựng đường mới, cầu mới không thể làm được trong ngày một ngày hai.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là tìm đâu nguồn vốn để sửa chữa cầu trong tình hình đất nước ngày ấy vẫn còn rất khó khăn. Sau đó, lãnh đạo TP.HCM đã trình Chính phủ xem xét cho sử dụng nguồn tài trợ của Pháp để sửa chữa, nâng cấp cầu Sài Gòn.

Lúc đó, có ý kiến cho rằng nên đập bỏ cầu cũ xây cầu mới, thay vì sửa chữa, dùng tiền vay của Pháp và ngân sách bổ sung cho đủ tiền xây cầu mới. Nhưng ngành giao thông cho biết tiền xây cầu mới sẽ tăng rất cao, tốn nhiều thời gian đập bỏ cầu cũ và xây cầu mới, ách tắc giao thông sẽ nghiêm trọng vì hướng qua sông Sài Gòn chỉ còn duy nhất cầu Bình Triệu.

Còn dự án sửa chữa cầu Sài Gòn ưu điểm chi phí thấp và trong thời gian thi công vẫn cho xe lưu thông bình thường.

Tháng 11-1997, nhân dịp Tổng thống Pháp Jacques Chirac sang thăm Việt Nam dự hội nghị các quốc gia nói tiếng Pháp, Việt Nam và Pháp đã ký nghị định thư vay 54 triệu Franc (tương đương 108 tỉ đồng), vốn đối ứng Việt Nam là 7 tỉ đồng để sửa chữa, nâng cấp cầu Sài Gòn, giao hãng Freyssinet (Pháp) là nhà thầu thi công.

Ngày 1-6-1998, TP làm lễ khởi công sửa chữa cầu Sài Gòn.

Ngày 30-6-2000, lễ khánh thành dự án sửa chữa, nâng cấp mở rộng mặt cầu Sài Gòn từ 19,6m lên 24m cho 6 làn xe lưu thông, phần cầu được mở rộng dành cho xe gắn máy lưu thông. Sở Giao thông công chánh khẳng định cầu đạt chất lượng theo tiêu chuẩn thiết kế.

Hãng Freyssinet đã đưa công nghệ kỹ thuật mới vào nâng cấp, mở rộng cầu, và với sự hợp tác trong quá trình thi công phía VN cũng đã nắm được một phần kỹ thuật mới để áp dụng nâng cấp, mở rộng các cầu khác ở TP.

cầu sài gòn - Ảnh 2.

Cặp đôi cầu Sài Gòn cũ và mới đã mở rộng thêm cửa ngõ phía Đông để TP.HCM vươn xa – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Xây cầu Sài Gòn 2

Tuy nhiên, nỗi lo về cầu Sài Gòn – cửa ngõ phía Đông lớn nhất vẫn chưa thể kết thúc. Vụ sà lan tông sập cầu Bình Điền (huyện Bình Chánh) hồi giữa năm 2001 là nỗi ám ảnh lớn của giao thông giữa TP.HCM với các tỉnh. Nhiều tháng ùn tắc vận tải hành khách, hàng hóa đã gây thiệt hại nặng nề cho kinh tế TP.

Vì vậy, dù cầu Sài Gòn đã được sửa chữa, nâng cấp tải trọng cho xe 30 tấn lưu thông, nhưng trong suốt thập niên đầu thế kỷ 21 người dân TP vẫn chưa thể yên tâm. Lượng xe lưu thông ngày càng đông đúc và cầu Sài Gòn vẫn trở thành điểm đen kẹt xe.

Lúc đó, ngành giao thông TP cho biết chỉ cần một vụ va chạm nhỏ, xe chết máy hoặc tai nạn giao thông trên cầu là ùn tắc giao thông nặng nề. Nỗi lo sập cầu càng tăng cao mỗi khi cầu bị kẹt xe, hàng loạt xe tải, xe con bị “nằm dài” trên mặt cầu.

Để giải quyết vấn đề cửa ngõ phía Đông này, TP.HCM chủ trương xây thêm cầu Sài Gòn 2. Và từ năm 2009 đến 2011 có ba nhà đầu tư đề xuất xây dựng cầu Sài Gòn 2 theo phương thức BT (xây dựng và chuyển giao) hoặc BOT (xây dựng, kinh doanh và chuyển giao).

Ông Nguyễn Thành Thái – tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT cầu Phú Mỹ – đề xuất đầu tư BOT với tổng vốn là 142 triệu USD (gần 2.000 tỉ đồng).

Theo ông Thái, vốn đầu tư cầu Sài Gòn 2 cao là do sử dụng nhà thầu nước ngoài BBBH (Đức và Úc) thi công. Trong khi đó, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP đề xuất đầu tư BT với tổng vốn 1.485,5 tỉ đồng và do đơn vị trong nước thi công.

Tháng 8-2011, Chính phủ đồng ý với TP.HCM về nguyên tắc chuyển đổi hình thức đầu tư dự án xây dựng cầu Sài Gòn 2 từ hình thức hợp đồng BOT sang hình thức hợp đồng BT. Tiếp đó, UBND TP.HCM đồng ý chọn Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM – CII là nhà đầu tư dự án xây cầu Sài Gòn 2 theo hình thức BT.

Ngày 14-4-2012 Công ty CII khởi công xây dựng cầu Sài Gòn 2 trong niềm vui của hàng triệu người dân.

Chúng tôi đã đến công trường xây dựng cầu Sài Gòn 2 lúc công nhân đang tất bật thi công các hạng mục ở dạ cầu vào tháng 5-2012. Trao đổi về kiến trúc cầu này, ông Dương Quang Châu, giám đốc đầu tư Công ty CII, cho biết các chuyên gia đã thống nhất đưa kiến trúc của cầu hiện hữu vào cầu Sài Gòn 2 để tạo nét đồng bộ và như một cặp cầu song sinh hài hòa.

Cầu Sài Gòn 2 làm bằng nhịp dầm bê tông cốt thép có trọng lượng nặng hơn so với nhịp dầm thép của cầu hiện hữu nên các trụ cầu ở nhịp chính phải đúc một thân trụ. Đây là điểm khác so với cầu Sài Gòn cũ được thiết kế mỗi trụ cầu có nhiều thân trụ nhỏ kiểu dáng hình chữ Y liên kết nhau.

Tại lễ khánh thành cầu Sài Gòn 2 ngày 15-3-2013, lãnh đạo Chính phủ biểu dương TP.HCM đã rất năng động trong việc xã hội hóa, kêu gọi các hình thức đầu tư vào các công trình giao thông trong điều kiện nguồn vốn ngân sách khó khăn. Đồng thời, biểu dương các đơn vị đã rút ngắn tiến độ hoàn thành dự án sớm 3 tháng.

Dòng người xe đã bon bon chạy trên 12 làn xe của cả hai cầu Sài Gòn cũ và mới. Cửa ngõ phía Đông TP trở nên thông thoáng kết nối với dự án mở rộng xa lộ Hà Nội (nay là đường Võ Nguyên Giáp) lên 12 đến 16 làn xe.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách và du lịch liên tỉnh TP.HCM ngày đó cho rằng cặp đôi cầu Sài Gòn đã được giới vận tải TP ví như “đôi song long” trấn giữ cửa phía Đông Sài Gòn nhằm đảm bảo sự giao thông thông suốt giữa TP.HCM và các tỉnh miền Trung, một phần Tây Nguyên và cho cả miền Bắc được thuận lợi, an toàn.

Trước năm 1975, Mỹ viện trợ kinh tế cho chính quyền miền Nam và đã giao Công ty Johnson Drake and Piper (Mỹ) thi công cầu Sài Gòn (trước 1975 gọi là cầu Tân Cảng) từ năm 1958 đến 1961 hoàn thành. Cầu dài 986,12m, rộng 19,63m, gồm 30 nhịp và đây là chiếc cầu lớn nhất các tỉnh phía Nam bấy giờ.

Từ năm 2013 đến nay, cặp cầu Sài Gòn đã được mở rộng lên 48m cho 12 làn xe lưu thông, gồm có 8 làn cho ô tô và 4 làn dành cho xe gắn máy. Trong đó, cầu Sài Gòn 2 dài 987m, 30 nhịp, 4 làn xe ô tô và 2 làn xe máy, cho phép xe siêu trường, siêu trọng lưu thông. Cầu chịu được động đất cấp 7 và tuổi thọ 100 năm.

—————————–

Giờ đến Thủ Thiêm – TP Thủ Đức là những con đường, đô thị khang trang, xanh mát. Và để có những hình ảnh đẹp đó là nhờ có cầu Thủ Thiêm, cầu Ba Son, cầu Phú Mỹ, hầm vượt sông Sài Gòn nối kết giữa khu đô thị cũ với đô thị mới.

Kỳ tới: Những cây cầu nối đôi bờ đô thị phát triển