LTS: 50 năm trước, dân tộc Việt Nam đã viết nên một trang sử hào hùng và chói lọi với đại thắng mùa Xuân 1975. Đó là khúc khải hoàn của lòng yêu nước, ý chí kiên cường, khát vọng độc lập và thống nhất đất nước, non sông liền một dải. Nửa thế kỷ trôi qua, đất nước không ngừng vươn mình mạnh mẽ, từ tro tàn chiến tranh đến những bước tiến lớn trên bản đồ thế giới.
Để khắc họa rõ hơn những kỳ tích ấy, báo Dân trí gửi đến bạn đọc loạt bài viết về những thành tựu của đất nước 50 năm qua, để cùng nhìn lại chặng đường đã qua, tri ân những cống hiến lớn lao và khơi dậy khát vọng vươn mình mạnh mẽ cho hành trình phía trước của dân tộc.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Đại sứ Nguyễn Phương Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, chia sẻ với Dân trí về chặng đường phát triển của ngoại giao Việt Nam cũng như những thành tựu nổi bật mà ngoại giao Việt Nam đã đạt được trong chặng đường vừa qua.

Bà Nguyễn Phương Nga, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, nhận Huân chương Lao động hạng Ba (Ảnh: TTXVN).
Sau năm 1975, Việt Nam phải đối mặt với rất nhiều khó khăn cả về đối nội và đối ngoại. Ngành ngoại giao đã đóng góp vai trò quan trọng giúp đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn. Theo bà, thành tựu lớn nhất của nền ngoại giao Việt Nam từ sau 1975 đến nay là gì? Điều gì đã làm nên bản sắc riêng của nền ngoại giao Việt Nam?
– Trong 50 năm qua, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, ngoại giao Việt Nam đã giành được những thành tựu hết sức to lớn, rất đỗi tự hào, góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nổi bật là:
Thứ nhất, với tư duy đổi mới gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, hợp tác cùng phát triển, chuyển từ đối đầu sang đối thoại và hợp tác, ngoại giao đã đi trước, mở đường, vận động, đấu tranh, từng bước phá thế bị bao vây, cấm vận, bình thường hóa quan hệ với các nước vốn là cựu thù, mở rộng, củng cố và đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước, các đối tác quốc tế đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững trên cả bình diện song phương và đa phương và trên tất cả trụ cột Đối ngoại Đảng, Ngoại giao Nhà nước và Đối ngoại Nhân dân, tạo dựng và củng cố vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, duy trì môi trường quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đảng ta đã có quan hệ với trên 150 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới. Quốc hội có quan hệ với quốc hội, nghị viện của hơn 140 quốc gia. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia trên thế giới.
Quan hệ đặc biệt với Lào và Campuchia, Cuba được tăng cường mạnh mẽ, ngày càng bền chặt. Đã hình thành mạng lưới đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 34 nước, trong đó có tất cả thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, các nước lớn.
Quan hệ với các nước bạn bè truyền thống được thắt chặt, hợp tác ngày càng hiệu quả. Việt Nam là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Các tổ chức nhân dân Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác với hàng nghìn tổ chức nhân dân trên thế giới.
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ giữa các trụ cột đối ngoại, giữa ngoại giao chính trị với đối ngoại quốc phòng, an ninh và các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, ngoại giao đã phát huy vai trò tiên phong trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Nước ta đã hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc và xây dựng đường biên giới trên bộ với Trung Quốc và Lào, đang nỗ lực hoàn tất đàm phán giải quyết một số vấn đề còn tồn đọng với Campuchia, thực hiện chủ trương xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng.
Nước ta đã tích cực thúc đẩy đàm phán, hợp tác giải quyết các vấn đề tồn tại liên quan đến phân định ranh giới biển, ký các hiệp định quan trọng với các nước như Trung Quốc, Indonesia, nỗ lực cùng các nước thúc đẩy đàm phán xây dựng khuôn khổ pháp lý nhằm bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Thứ ba, ngoại giao đã đi tiên phong trong hội nhập quốc tế, phát huy vai trò quan trọng của ngoại giao kinh tế, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Việt Nam đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), có quan hệ kinh tế thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương, trong đó có 17 hiệp định thương mại tự do (FTA). Kim ngạch thương mại của Việt Nam đạt gần 800 tỷ USD, vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 450 tỷ USD. Việt Nam đã vào nhóm 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thứ tư, ngoại giao đã đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước. Việt Nam là thành viên tích cực của Liên hợp quốc, ASEAN, ASEM, APEC, AIPA, IPU và nhiều diễn đàn đa phương quan trọng khác.
Việt Nam đã chia sẻ khó khăn với các nước để cùng vượt qua đại dịch Covid-19, cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ quân đội và công an tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ở châu Phi, tham gia cứu hộ, cứu trợ nạn nhân động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ, Myanmar, thể hiện tinh thần nhân nghĩa, sẵn sàng chung tay giải quyết các thách thức chung mà nhân loại đang phải đối mặt.
Thứ năm, ngoại giao góp phần quan tâm, chăm lo và huy động bà con người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực xây dựng quê hương, đất nước. Thông qua các hoạt động ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, ngoại giao đã truyền tải thông tin và hình ảnh tích cực về Việt Nam, lan tỏa sức mạnh mềm Việt Nam ra thế giới.
Thành tựu trong 50 năm qua đã khẳng định và làm giàu thêm bản sắc của nền ngoại giao Việt Nam, đó là kế thừa truyền thống ngoại giao hòa hiếu, nhân nghĩa của dân tộc và vận dụng linh hoạt, sáng tạo tư tưởng, phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, kiên trì về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc.

Tổng Bí thư Tô Lâm đón Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Phủ Chủ tịch ngày 14/4 (Ảnh: Mạnh Quân).
Một yếu tố rất quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước sau chiến tranh là hòa hợp dân tộc. Trong tiến trình hòa hợp dân tộc, theo bà, ngoại giao đóng vai trò như thế nào trong việc kết nối cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và kêu gọi kiều bào đóng góp cho sự nghiệp phát triển đất nước?
– Quán triệt và triển khai chủ trương của Đảng và Nhà nước ta coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là máu thịt, là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước, trong những năm qua ngành ngoại giao đã tham mưu hoàn thiện và tích cực triển khai luật pháp, chính sách, cơ chế nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để gắn kết bà con với quê hương, đất nước, tham gia tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã tích cực làm tốt công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ bà con người Việt sinh sống ở nước sở tại củng cố địa vị pháp lý, hội nhập hòa hợp với xã hội nước sở tại và giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam.
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã không ngừng phát triển, ngày càng lớn mạnh, đóng góp quan trọng cho đất nước. Việt Nam nằm trong top 10 nước có lượng kiều hối lớn nhất. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã khẳng định được vị thế của mình và đóng góp tích cực vào sự phát triển của nước sở tại, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.
Bà từng có nhiều năm công tác trên cương vị Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, bà có thể chia sẻ những câu chuyện đáng nhớ trong công tác đối ngoại nhân dân?
– Điều làm tôi đặc biệt cảm động và không bao giờ quên là tình cảm sâu đậm của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam, đối với Bác Hồ. Nhiều người bạn nước ngoài đã dành trọn cuộc đời của mình cho hòa bình, độc lập tự do và sự phát triển của Việt Nam.
Tôi còn lưu giữ nhiều kỷ niệm về những cuộc tiếp xúc hết sức cảm động với các bạn Lào, Campuchia, Cuba, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Đức, Pháp, Mỹ và nhiều nước khác, trong đó có các cuộc gặp những người bạn của Việt Nam ở Mỹ do chị Merle Ratner và các bạn Mỹ tổ chức.
Những người bạn Mỹ đã đấu tranh phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa mà Mỹ tiến hành ở Việt Nam, đã sát cánh cùng Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, nay tuổi đã cao, có nhiều người ở rất xa, bất chấp mưa tuyết lớn vẫn đến đông đủ để nghe chúng tôi chia sẻ thông tin về Việt Nam, để chia sẻ kỷ niệm, tình cảm đối với Việt Nam và quyên góp ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam.
Còn phải kể đến những hoạt động tưởng niệm Mục sư Martin Luther King, tại đó tôi được mời đọc trích đoạn trong bài diễn văn nổi tiếng của ông “Beyond Vietnam: A Time to Break Silence”.
Tôi mãi mãi ghi nhớ những câu chuyện cảm động về các cựu chiến binh Mỹ, những gia đình có người Mỹ chết, mất tích trong chiến tranh đã vượt qua mặc cảm tới Việt Nam, chung tay cùng người dân Việt Nam thực hiện các dự án tháo dỡ bom mìn, khắc phục hậu quả chất độc da cam, xây nhà cho người nghèo như các dự án của Peace Tree, Two sides Project…
Ngoài ra còn có những người bạn đã đồng hành với Việt Nam hàng chục năm qua để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn với nhiều dự án thành công của các tổ chức như: Operation Smile, Asia Foundation, World Vision, Facing the World, “Nhà may mắn” và hàng trăm tổ chức khác từ khắp nơi trên thế giới mà tôi không thể kể hết tên…
Sự tâm huyết, nhiệt tình của những người làm công tác đối ngoại nhân dân của Việt Nam và bạn bè quốc tế đã để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc, nhất là trong quá trình chuẩn bị cho những sự kiện quan trọng như các Liên hoan hữu nghị nhân dân Việt Nam – Lào, Việt Nam – Ấn Độ, Gặp gỡ nhân dân Việt Nam – Campuchia, Việt Nam – Trung Quốc, Diễn đàn nhân dân ASEAN, Đại hội đồng lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới…
Sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình, hiệu quả của bạn bè quốc tế cho Việt Nam đã khẳng định sự cần thiết của việc huy động sức mạnh đoàn kết quốc tế trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đón tiếp Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27 đến ngày 29/4 (Ảnh: Mạnh Quân).
Gia nhập các tổ chức quốc tế là bước phát triển quan trọng của ngoại giao Việt Nam. Bà có thể chia sẻ về vai trò của Việt Nam trong các tổ chức khu vực và quốc tế thời gian qua?
– Tại tất cả tổ chức quốc tế mà Việt Nam tham gia, Việt Nam đều thể hiện vai trò là một thành viên tích cực, có trách nhiệm, được tín nhiệm cao và đang từng bước tham gia vào định hình luật chơi, đảm nhiệm vai trò dẫn dắt trong những lĩnh vực và hoàn cảnh phù hợp.
Việt Nam đã 3 lần đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN, 2 lần làm ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã từng làm thành viên Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc và 2 lần làm thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, đảm nhiệm tốt vai trò là nước chủ nhà của những diễn đàn quan trọng như các Hội nghị thượng đỉnh của APEC, ASEM, Pháp ngữ…
Việt Nam đã đề xuất nhiều chủ đề, sáng kiến thiết thực, có ý nghĩa sâu rộng nhằm thúc đẩy cách tiếp cận đa phương, kiên trì đề cao luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, tìm kiếm giải pháp hòa bình, bền vững, toàn diện cho các tranh chấp, xung đột trên cơ sở các nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ, tính đến lợi ích chính đáng của các bên.
Việt Nam có nhiều nỗ lực trong các lĩnh vực cứu trợ nhân đạo, bảo vệ thường dân, chủ trì và thúc đẩy thông qua Nghị quyết 2573 – nghị quyết riêng đầu tiên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với người dân trong xung đột, là một trong số rất ít các nghị quyết được tất cả 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an đồng bảo trợ, phản ánh sự đồng thuận cao của Hội đồng Bảo an.
Trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 4/2021, Việt Nam đã thúc đẩy thông qua Tuyên bố Chủ tịch của Hội đồng Bảo an, nhấn mạnh nhu cầu tăng cường hợp tác quốc tế để chung tay giải quyết những hệ lụy nhức nhối của bom mìn sau chiến tranh đối với an toàn và sinh kế bền vững của người dân, cộng đồng.
Việt Nam nỗ lực thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc với ASEAN và các tổ chức khu vực, thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN. Việt Nam cũng đã tích cực thúc đẩy hành động chung về các vấn đề an ninh phi truyền thống bức thiết đối với cộng đồng quốc tế, như ứng phó với đại dịch Covid-19, an ninh biển và nhất là về biến đổi khí hậu, đề xuất sáng kiến về Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh, khởi xướng thành lập Nhóm Bạn bè của Công ước Luật biển UNCLOS 1982.
Với vai trò là Trưởng phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, bà nhận thấy hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế như thế nào?
– Bạn bè quốc tế cảm phục, ngưỡng mộ tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường và thắng lợi của Việt Nam trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như thành công của Việt Nam trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước, coi đây là hình mẫu về hòa bình và phát triển.
Các bạn trân trọng, đánh giá cao những đóng góp của Việt Nam trong việc thúc đẩy hòa bình, hợp tác, phát triển và những giá trị tốt đẹp chung của nhân loại, vai trò, vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới, đồng thời tin tưởng ở tiềm năng phát triển cũng như khả năng của Việt Nam đóng góp vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế ứng phó với các thách thức chung. Đặc biệt, các bạn đều khẳng định ủng hộ Việt Nam, mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam.

Đại sứ Nguyễn Phương Nga từng giữ vị trí Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (Ảnh: TTXVN).
Với kinh nghiệm hơn 30 năm hoạt động trong ngành ngoại giao, theo bà, ngoại giao làm thế nào để bảo vệ tối đa lợi ích quốc gia trong khi vẫn làm bạn với tất cả các nước?
– Đường lối xây dựng, phát triển đất nước, mục tiêu và chính sách đối ngoại của chúng ta là nhất quán, trước sau như một là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Trong mọi vấn đề, mọi tình huống phát sinh, chúng ta đều cố gắng cao nhất xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia – dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế.
Lợi ích quốc gia dân tộc của chúng ta hiện nay là bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển. Lợi ích này phù hợp với xu thế lớn của thời đại và khát vọng chung của nhân dân thế giới là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác vì sự phát triển.
Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa các nước lớn, tình hình khu vực và quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp khó lường, theo bà, trong thời gian tới, ngoại giao Việt Nam sẽ cần ưu tiên những nhiệm vụ nào và thích ứng như thế nào với tình hình mới?
– Trong bối cảnh mới hết sức phức tạp hiện nay, ngoại giao Việt Nam cần quán triệt sâu sắc những chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về nhiệm vụ của nền ngoại giao thời đại mới và hội nhập quốc tế.
Ngoại giao phải tiếp tục tiên phong trong bảo vệ và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi, tranh thủ nguồn lực bên ngoài cho thực hiện mục tiêu phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc, bảo đảm tốt nhất lợi ích của nhân dân và nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới.
Tiếp tục thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, hiệu quả trên cả 3 trụ cột đối ngoại và trên mọi lĩnh vực chính trị ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế – xã hội, văn hóa, giáo dục.
Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế, văn hóa, môi trường, khí hậu, chuyển đổi số, quyền con người phục vụ sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững của đất nước, tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, hợp tác, phát triển và tiến bộ xã hội.
Đặc biệt chú trọng khai thác và phát huy lợi thế của đối ngoại nhân dân để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, xây dựng nền tảng xã hội thuận lợi, vững chắc cho quan hệ quốc tế, “gắn ngoại giao với lòng dân” như lời của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm.
Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động ngoại giao nhất là trong công tác thông tin đối ngoại, để lan tỏa hình ảnh Việt Nam độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, hữu nghị, phát triển, phồn vinh, hạnh phúc.
Các cán bộ ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần tích cực triển khai đường lối của Đảng và Nhà nước về hòa hợp dân tộc, để củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy tiềm năng và trí tuệ của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.
Xin trân trọng cảm ơn bà!