
Những con số này được nêu ra trong báo cáo “AI và Việc làm” do Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) công bố mới đây.
Báo cáo cho thấy, các công việc như sản xuất, vận hành máy móc, dịch vụ hậu cần là nhóm chịu tác động mạnh nhất từ sự phát triển của công nghệ. Dự báo tới năm 2045, 74% nhóm lao động này sẽ đối mặt với thách thức lớn trong việc duy trì việc làm.
Lao động trí óc, vốn gắn với các công việc như kế toán, kiểm toán, phân tích dữ liệu cơ bản, cũng không nằm ngoài xu hướng này. Dự báo, khoảng 56% vị trí trong nhóm này có thể bị AI thay thế. Các công việc mang tính lặp đi lặp lại, dễ chuẩn hóa quy trình được đánh giá là dễ bị ảnh hưởng nhất.
Báo cáo cũng cảnh báo nguy cơ gia tăng bất bình đẳng xã hội nếu việc chuyển đổi việc làm không được thực hiện kịp thời. Những người lao động không thể nâng cấp kỹ năng sẽ đối mặt với nguy cơ thất nghiệp kéo dài hoặc phải chấp nhận làm những công việc bấp bênh, thu nhập thấp.
Bên cạnh nguy cơ thay thế lao động, AI cũng mở ra nhiều cơ hội việc làm mới. Các lĩnh vực như phát triển phần mềm, lập trình AI, quản trị dữ liệu lớn, chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số và các ngành nghề sáng tạo được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong tương lai.
Nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng từ khoảng 350.000 người vào năm 2018 lên gần 1 triệu người vào năm 2026. Điều này đặt ra yêu cầu bức thiết về đào tạo, trang bị kỹ năng mới cho người lao động để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Theo IPS, đào tạo lại và đào tạo nâng cao kỹ năng là giải pháp then chốt để lao động Việt Nam thích ứng với kỷ nguyên AI. Các kỹ năng được đánh giá là thiết yếu gồm tư duy số, hiểu biết về công nghệ, khả năng học hỏi liên tục và các kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề.