Khi bước vào một không gian sống thực sự đẳng cấp, người ta hiếm khi bị choáng ngợp bởi sự hào nhoáng, lộng lẫy. Thay vào đó, một cảm giác an yên, tinh tế và hài hòa đến lạ thường sẽ bao trùm lấy họ.
Đó chính là bản chất của “quiet luxury” – một xu hướng và cũng là một triết lý sống đang lên ngôi trên toàn cầu. Phong cách ấy không phô diễn đẳng cấp một cách lộ liễu qua những biểu tượng đắt tiền, mà thể hiện sự sang trọng qua chất lượng vượt trội, từng chi tiết được chăm chút tỉ mỉ và một gu thẩm mỹ sâu sắc.
Các chuyên gia thiết kế nội thất làm việc với giới thượng lưu đều nhận thấy một quy luật chung: sự sang trọng đích thực đến từ những lựa chọn có chủ đích, nhằm tạo ra không gian phản ánh đúng bản sắc và phong cách sống của gia chủ, thay vì chạy theo trào lưu chóng tàn.

“Quiet luxury” là một xu hướng và cũng là một triết lý sống đang lên ngôi trên toàn cầu (Ảnh: Ryan McDonald).
Dưới đây là 7 nguyên tắc thiết kế được đúc kết, giúp giải mã bí mật đằng sau những không gian sống “vượt thời gian”.
Ưu tiên vẻ đẹp bền vững, không chạy theo mốt
Những xu hướng như tường ốp gỗ ngang (shiplap) hay nội thất phong cách công nghiệp từng gây sốt một thời, nhưng rồi cũng nhanh chóng lỗi thời chỉ sau vài năm.
Giới tinh hoa hiểu rằng một không gian sống đẳng cấp phải trường tồn với thời gian. Vì vậy, họ ưu tiên những yếu tố nền tảng không bao giờ lỗi mốt: bảng màu trung tính thanh lịch như trắng, xám, be và các tông màu đất; nội thất có đường nét cổ điển, tinh giản nhưng vẫn đảm bảo công năng.
Chất liệu là linh hồn của không gian. Thay vì dùng vật liệu nhân tạo, họ chọn những chất liệu chân thực và bền vững như gỗ tự nhiên nguyên khối, đá cẩm thạch, đá travertine, vải lanh, da thật. Nếu muốn cập nhật xu hướng, họ làm điều đó một cách khéo léo qua các món đồ dễ thay thế như gối tựa, bình hoa hoặc một tác phẩm nghệ thuật nhỏ.

Những thiết kế theo xu hướng như tường ốp gỗ ngang (shiplap) nên được sử dụng một cách tiết chế (Ảnh: Advantagelumber).
Tối giản có chủ đích, không gian sạch sẽ và tinh tế
Sự bừa bộn là kẻ thù của sang trọng. Một mặt bàn cà phê, một kệ bếp hay giá sách đầy những vật dụng dư thừa sẽ lập tức phá vỡ cảm giác thoáng đãng, tinh tế. Nguyên tắc ở đây là “ít mà chất”.
Thay vì trưng bày tràn lan, mỗi món đồ trong nhà đều được chọn lọc kỹ lưỡng và có lý do để hiện diện. Đó có thể là bình gốm thủ công độc bản, vài cuốn sách bìa đẹp mà gia chủ tâm đắc, hay một tác phẩm điêu khắc mang ý nghĩa đặc biệt. Sự sắp đặt có chủ đích này giúp không gian luôn gọn gàng và còn biến mỗi góc nhỏ trong nhà thành một triển lãm nghệ thuật cá nhân – nơi mỗi vật dụng đều kể một câu chuyện.

Giữ cho mọi thứ gọn gàng, tránh để đồ đạc bày bừa trước mắt (Ảnh: Jemma Watts).
Gắn kết với thiên nhiên từ chất liệu đến cây xanh
Trong triết lý “quiet luxury”, kết nối với thiên nhiên là điều không thể thiếu. Những chậu cây giả bằng nhựa, dù tinh xảo đến đâu, cũng không thể mang lại sức sống và năng lượng chân thực cho không gian – thậm chí còn khiến tổng thể trở nên thiếu tinh tế.
Vì vậy, cây thật luôn được ưu ái hàng đầu. Những loài cây có hình dáng đẹp, dễ chăm sóc như cây ô-liu, bàng Singapore hay trầu bà lá xẻ thường được lựa chọn.
Nếu buộc phải dùng cây giả, giới tinh hoa sẽ chọn loại cao cấp nhất – làm từ lụa hoặc chất liệu trông như thật – và đặt trong những chậu thiết kế đẹp mắt. Bên cạnh đó, việc đưa vào các vật liệu tự nhiên như mây, tre, gỗ thô mộc cũng là cách hiệu quả để tăng sự gần gũi với thiên nhiên.

Không dùng cây giả trong trang trí nhà ở để tránh cho không gian của bạn trông “rẻ tiền” (Ảnh: Kasia Fiszer).
Nghệ thuật mang dấu ấn cá nhân, không đại trà
Nghệ thuật là cách để gia chủ thể hiện cái tôi và chiều sâu văn hóa của mình. Những bức tranh in hàng loạt, dù đẹp, thường thiếu linh hồn và khó tạo kết nối cảm xúc. Chúng khiến không gian trở nên vô hồn, đại trà.
Trong không gian sống đẳng cấp, nghệ thuật phải mang dấu ấn riêng. Đó có thể là tranh gốc của một họa sĩ trẻ, phiên bản in giới hạn có chữ ký, tác phẩm điêu khắc độc đáo, hoặc đơn giản là ảnh gia đình được đóng khung tinh tế. Chợ đồ cổ, phòng trưng bày nghệ thuật địa phương hay nền tảng kết nối trực tiếp với nghệ sĩ là những nơi lý tưởng để tìm kiếm các tác phẩm có một không hai.

Những bức tranh in đại trà có thể khiến không gian trở nên vô hồn, thiếu cá tính (Ảnh: Ella Kite).
Đầu tư vào phụ kiện – những chi tiết nhỏ tạo nên đẳng cấp
Người ta thường nói “ma quỷ nằm trong chi tiết”, và trong nội thất, điều đó càng đúng. Những tay nắm tủ, núm kéo, công tắc đèn hay bản lề cửa – dù nhỏ – lại có tác động rất lớn đến cảm nhận tổng thể. Chúng được ví như “trang sức” của ngôi nhà.
Thay vì dùng phụ kiện nhựa hay kim loại rẻ tiền đi kèm sẵn, việc đầu tư vào những chi tiết chất lượng cao làm từ đồng thau, niken bóng hoặc thép sơn tĩnh điện sẽ lập tức nâng tầm món nội thất. Chỉ cần thay tay nắm, một chiếc tủ bình thường cũng có thể trông như sản phẩm được đặt thiết kế riêng.

Những phụ kiện nội thất phổ thông có thể khiến không gian trở nên tẻ nhạt và thiếu điểm nhấn (Ảnh: The Fishy Project)
Công nghệ ẩn mình, không làm rối mắt
Dù không gian được thiết kế hoàn hảo đến đâu, chỉ một mớ dây điện loằng ngoằng cũng có thể phá vỡ tất cả. Lỗi thẩm mỹ này tương đối nghiêm trọng mà những không gian cao cấp luôn tìm cách loại bỏ.
Giải pháp là làm công nghệ trở nên “vô hình”. Các hệ thống quản lý dây cáp như ống luồn dây, nẹp tường, hộp giấu dây hoặc đi dây âm tường ngay từ lúc thi công là điều bắt buộc.
Ngoài ra, lựa chọn nội thất thông minh có tích hợp sẵn lối đi dây như bàn làm việc hay kệ TV cũng là cách tối ưu. Một không gian tinh tế là nơi công nghệ phục vụ con người một cách liền mạch, không gây xao lãng thị giác.

Dây điện lộ thiên có thể khiến ngôi nhà trông kém tinh tế và thiếu sự chỉn chu (Ảnh: foyr.com).
Rèm cửa cao cấp – “trang phục” không thể xem nhẹ
Cửa sổ là “đôi mắt” của căn phòng, còn rèm cửa chính là “trang phục”. Một bộ rèm may sẵn, ngắn cũn, chất liệu polyester mỏng bóng sẽ khiến cả căn phòng trông rẻ tiền và thiếu chỉn chu.
Đầu tư vào rèm cửa may đo theo đúng kích thước luôn là quyết định sáng suốt. Chất liệu cũng rất quan trọng. Linen, nhung, lụa hoặc cotton pha len thường được ưa chuộng nhờ độ rủ tự nhiên và vẻ đẹp tinh tế. Một kỹ thuật phổ biến trong không gian cao cấp là dùng rèm hai lớp: lớp voan mỏng để lấy sáng và giữ sự riêng tư, kết hợp với lớp rèm dày cản sáng để điều chỉnh ánh sáng và tạo cảm giác ấm cúng, sang trọng.

Nên đầu tư vào rèm đặt may riêng theo đúng kích thước cửa sổ từ chất liệu đẹp như linen hoặc nhung (Ảnh: Future PLC/Polly Wreford).
“Sang trọng thầm lặng” không phải là cuộc chạy đua vật chất, mà là tuyên ngôn sống vượt thời gian. Đẳng cấp không nằm ở những gì bạn trưng bày, mà ở những gì bạn chọn để giữ lại. Bằng cách tập trung vào chất lượng, sự tối giản có chủ đích và dấu ấn cá nhân, bất kỳ ai cũng có thể kiến tạo nên một tổ ấm không chỉ đẹp, mà còn thực sự yên bình và truyền cảm hứng.