Anh em đi biền biệt bỗng quay về cấm xây mới vì ‘nhà cha mẹ để lại’

Anh em đi biền biệt bỗng quay về cấm xây mới vì ‘nhà cha mẹ để lại’

bởi

trong
Anh em đi biền biệt bỗng quay về cấm xây mới vì ‘nhà cha mẹ để lại’

Cô chú của chồng tôi đi biền biệt thời gian dài, đến lúc ông bà mất lại quay về bảo ‘nhà đất là của chung’.

Tôi chứng kiến mẹ chồng mình chăm sóc cha mẹ chồng – tức ông bà nội của chồng tôi, suốt hơn ba chục năm ròng rã. Một tay bà nuôi nấng, lo thuốc thang khi già yếu, giỗ chạp đầy đủ, cả những tháng năm chạy gạo từng bữa mà vẫn không quên vun vén cho nhà chồng.

Ba chồng tôi cũng vậy, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn trong họ đều lo chu toàn, bởi nghĩ mình là con trưởng, là người ở lại quê hương, có trách nhiệm giữ gìn gốc rễ, thờ tự ông bà. Ngần ấy năm không hề tính toán.

Vậy mà giờ đây, khi ông bà đã khuất, anh em trong nhà đi biền biệt mấy chục năm, nhưng vừa trở về là nói nhà này phải để làm nhà thờ tộc, đất này không được xây mới, là tài sản chung, là “ông bà để lại”. Căn nhà mà ba mẹ chồng tôi xây từ ba mươi năm trước, giờ bỗng nhiên bị coi như của chung.

Phải chăng chỉ vì nó nằm trên mảnh đất tổ tiên, nên người gắn bó cả đời lại trở thành người giữ chỗ? Không ai phủ nhận đạo lý “lá rụng về cội”, rằng con cháu dẫu ở xa thì cũng có quyền tưởng nhớ ông bà, về quê giỗ chạp.

Nhưng tưởng nhớ không đồng nghĩa với việc phủ nhận công sức, gạt bỏ người đã hy sinh cả đời cho cội nguồn mà mình chỉ nhớ đến mỗi dịp tết về. Những người “bỏ đi” không sai, họ chọn cuộc sống riêng, nhưng nếu quay lại chỉ để tranh phần, thì điều đó có công bằng?

Đáng nói hơn, lý lẽ thường thấy trong các tranh chấp kiểu này là cụm từ “đất ông bà để lại”. Nhưng ai là người đã gìn giữ mảnh đất ấy? Ai đã bỏ công bỏ của để dựng nhà, để hương khói đêm ngày?

Có những điều không thể đo bằng sổ đỏ hay giấy chứng nhận, mà bằng thời gian, công sức và tình nghĩa những thứ dễ bị lãng quên nhất trong những cuộc tranh chấp hợp pháp nhưng vô tình.

Tôi cho rằng, đất tổ, nhà thờ, dòng họ là những khái niệm đẹp, nếu còn được xây dựng trên nền của công bằng và đạo lý. Nhưng một khi nó bị biến thành cái cớ để giành giật, để bác bỏ những hy sinh âm thầm, thì đó chỉ còn là hình thức rỗng. Gia tộc nào mà lục đục vì đất đai, phân biệt giữa người đi và người ở, thì sớm muộn gì cũng tan vỡ, bằng mặt mà không bằng lòng.

Thạch Thảo