TP HCM ‘nên có lễ hội thống nhất hàng năm’ vào dịp 30/4

TP HCM ‘nên có lễ hội thống nhất hàng năm’ vào dịp 30/4

bởi

trong

Từ kết quả sự kiện kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, TP HCM nên hình thành lễ hội thống nhất hàng năm, theo lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao.

“Sự hưởng ứng của tất cả tầng lớp nhân dân và kết quả nổi bật của các chuỗi sự kiện trong lễ kỷ niệm vừa qua đủ cơ sở để từng bước hình thành lễ hội thống nhất hàng năm vào dịp 30/4”, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM nêu tại kỳ họp kinh tế, xã hội thành phố tháng 4, sáng 8/5.





TP HCM ‘nên có lễ hội thống nhất hàng năm’ vào dịp 30/4

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, phát biểu sáng 8/5. Ảnh: Trung tâm báo chí

Theo ông Nhựt lễ hội thống nhất sẽ là chuỗi sự kiện với các hoạt động “chấn dân khí” cùng các dịch vụ du lịch có tầm vóc công nghiệp văn hóa.

“Các hoạt động của lễ kỷ niệm dịp 30/4 vừa qua được nhân dân hưởng ứng và thực sự rung động đến mọi tầng lớp”, ông Nhựt nói. Theo ông, dư âm của xã hội đối với một trào lưu trên mạng xã hội thường từ 3-5 ngày nhưng sự kiện 30/4 từ lúc sơ duyệt đến nay đã gần một tháng vẫn còn tiếp tục. Nhiều tác phẩm văn hóa, công trình ra đời nhân sự kiện vẫn còn giá trị cho mai sau.

Lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được tổ chức ở TP HCM với hơn 20 hoạt động, trong đó có 4 chương trình lớn như Bản trường ca hòa bình; Đất nước trọn niềm vui; bắn pháo hoa 30 điểm; lễ diễu binh, diễu hành.

Phó chủ tịch UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết lễ kỷ niệm được lên kế hoạch và chuẩn bị trong ba năm, thực hiện toàn diện mọi mặt từ an sinh, văn hóa, lễ hội, ngoại giao và đến nay được đánh giá “thành công”. Người dân rất phấn khởi và nhiều nước cũng đánh giá cao.





Khối quân đội diễu binh qua đường Nguyễn Huệ, quận 1 dịp 50 năm thống nhất đất nước, sáng 30/4. Ảnh: Phùng Tiên

Khối sĩ quan đại diện 5 cánh quân diễu binh qua đường Nguyễn Huệ, quận 1, sáng 30/4. Ảnh: Phùng Tiên

Theo báo cáo của Chi cục Thống kê TP HCM, trong tháng 4, nhờ chuỗi các sự kiện kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, ngành dịch vụ của thành phố sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt gần 129.000 tỷ đồng, tăng gần 38% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng doanh thu từ dịch vụ ăn uống và lưu trú lần lượt tăng trên 86% và gần 97% so với cùng kỳ. Nhiều khách sạn tại trung tâm TP HCM kín phòng cho thuê trong tuần cao điểm dịp lễ 30/4. Dịch vụ lữ hành nhờ đó thu về hơn 7.000 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ và 10 lần so với tháng 4 của các năm 2021, 2022 và 2023.

Trong 15 ngày, từ 20/4 (ngày bắt đầu diễn ra các sự kiện quan trọng như sơ duyệt, tổng duyệt, bắn pháo hoa tầm cao) đến 4/5, thành phố phục vụ 2,7 triệu lượt khách đến tham quan, doanh thu đạt 15.700 tỷ đồng. Doanh thu này cao gấp đôi mức ngành du lịch thành phố thu về trong 9 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ, với 7.690 tỷ đồng, và bằng doanh thu tháng 3/2024 – một trong những tháng có doanh thu cao nhất năm ngoái.

Tính riêng 5 ngày nghỉ lễ, thành phố phục vụ khoảng 1,95 triệu lượt khách, tăng 101% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách quốc tế đến thành phố đạt 120.000 lượt, tăng gấp đôi so với 54.000 lượt của năm ngoái. Tổng thu du lịch 5 ngày này ước đạt hơn 7.100 tỷ đồng.

Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển TP HCM, nói du lịch tháng 4 của thành phố “tăng đột biến” do gắn với đại lễ và thành phố có sự chủ động liên kết sự kiện với loạt hoạt động du lịch, văn hóa.

Theo ông Vũ, kinh nghiệm từ các nước là hoàn toàn tận dụng tốt sức bật từ các sự kiện lớn để tạo sức lan tỏa cho nền kinh tế và có thể kéo dài đến 6 tháng. Tuy nhiên, muốn vậy, thành phố phải chủ động và đặc biệt hạ tầng văn hóa du lịch, dịch vụ của thành phố phải nâng cấp nhanh để chuẩn bị cho tình huống lượng người đông như vừa qua.

Lê Tuyết