Nhóm những người giàu nhất thế giới, chủ yếu ở Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và Ấn Độ, chịu trách nhiệm cho 65% mức tăng nhiệt toàn cầu kể từ năm 1990.
Thông tin trên được nêu trong báo cáo của một nhóm nhà khoa học tại Viện Phân tích hệ thống ứng dụng quốc tế (IIASA), Viện Công nghệ Liên bang Thuỵ Sĩ (ETH Zurich) và một số viện, trường khác, đăng tải trên tạp chí khoa học Nature ngày 7/5.
Năm 2020, nhiệt độ trung bình toàn cầu cao hơn 0,61 độ C so với năm 1990. Báo cáo nhan đề “Các nhóm thu nhập cao góp phần bất cân xứng vào tình trạng khí hậu cực đoan trên thế giới”, phát hiện ra rằng khoảng 65% mức tăng trên do lượng khí thải từ 10% người giàu nhất toàn cầu.

Người dân đi bộ qua một phần sông Amazon đang hạn hán ở Santa Sofia, ngoại ô Leticia, Colombia ngày 20/10/2024. Ảnh: AP
Trong hai thập kỷ qua, các hiện tượng cực đoan bởi đã gây thiệt hại trung bình 143 tỷ USD mỗi năm. Chính sách chi trả cho tổn thất này giữa các quốc gia và trong từng quốc gia là vấn đề gây tranh cãi.
“Chúng tôi phát hiện ra rằng phát thải từ nhóm người giàu đóng vai trò chính trong việc thúc đẩy các hiện tượng khí hậu cực đoan. Điều này ủng hộ mạnh mẽ các chính sách khí hậu nhằm mục tiêu giảm lượng khí thải của họ”, Sarah Schöngart, nhà phân tích mô hình khí hậu tại Viện Phân tích hệ thống ứng dụng quốc tế, tác giả chính báo cáo, nói.
Bằng cách trừ đi lượng khí thải của 10%, 1% và 0,1% người giàu nhất, nhóm nhà khoa học đã mô hình hóa những thay đổi về khí hậu và tần suất của các sự kiện thời tiết cực đoan diễn ra nếu không có nhóm người giàu. Bằng cách so sánh kịch bản mô hình với thực tiễn, họ tính ra trách nhiệm của người giàu đối với cuộc khủng hoảng mà thế giới đang phải đối mặt.
Cụ thể, nhóm người giàu phân bổ chủ yếu ở Mỹ, Trung Quốc, châu Âu và Ấn Độ, thải ra nhiều khí nhà kính hơn thông qua hoạt động tiêu dùng và đầu tư. Trong khi đó, nơi bị tác động bởi hiện tượng thời tiết cực đoan lại ở Amazon, Đông Nam Á và Nam Phi là những nền kinh tế đóng góp ít nhất vào lượng khí thải toàn cầu.

Thu nhập người dân toàn cầu phân bổ theo khu vực. Nguồn: IIASA
Báo cáo tính toán 10% người giàu nhất toàn cầu có thu nhập hơn 42.980 euro mỗi năm (gần 1,3 tỷ đồng). Mức thu nhập này ở nhóm 1% người giàu nhất là 147.200 euro (4,3 tỷ đồng), còn ở nhóm 0,1% là 537.770 euro (gần 16 tỷ đồng).
Cũng theo báo cáo, nhóm 1% tỷ phú sẽ chịu trách nhiệm cho 20% mức tăng nhiệt, còn nhóm siêu giàu 0,1% chịu trách nhiệm cho 8%.
Nếu phân bổ mức tăng nhiệt cho trung bình người dân, nhóm 10% đang góp gấp 6,5 lần vào hiện tượng nóng lên toàn cầu, trong khi nhóm 1% và 0,1% lần lượt góp phần hơn 20 và 76 lần.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện 50% người nghèo nhất thế giới đóng góp một phần mười tổng phát thải toàn cầu. “Nếu mọi người đều thải khí nhà kính ở mức như họ, thế giới sẽ chỉ nóng thêm ở mức tối thiểu kể từ năm 1990”, đồng tác giả Carl-Friedrich Schleussner, từ trường đại học Humboldt, Berlin, Đức, nói. Mức tối thiểu nhà khoa học này đề cập là chưa đến 0,1 độ C.
Mặt khác, nếu toàn bộ dân số thế giới phát thải như 10%, 1% hoặc 0,1% hàng đầu đã làm, nhiệt độ tăng lần lượt là 2,9 độ C, 6,7 độ C hoặc mức 12,2 độ C -mức con người hoàn toàn không thể sống sót.
Nghiên cứu này được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đã rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris, nhiều nước giàu có khác phản đối mạnh mẽ việc hỗ trợ tài chính cho các quốc gia nghèo để thích ứng và giảm thiểu tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
“Hành động vì khí hậu nếu không giải quyết được trách nhiệm quá lớn của những người giàu có trong xã hội, chúng ta có nguy cơ bỏ lỡ một trong những đòn bẩy mạnh mẽ nhất”, Schleussner nói thêm.
Bảo Bảo (theo Guardian, Nature)