Khi ‘sếp’ trường tôi nêu gương sử dụng điện an toàn

Khi ‘sếp’ trường tôi nêu gương sử dụng điện an toàn

bởi

trong

Trong muôn vàn điều nhỏ nhặt chị Phạm Thị Mộng Trang thận trọng làm mỗi ngày, điều khiến tôi khâm phục hơn cả chính là tâm huyết chị dành cho việc sử dụng điện một cách an toàn và tiết kiệm – không phải theo phong trào, mà như một phần ý nghĩa của cuộc sống.

Khi ‘sếp’ trường tôi nêu gương sử dụng điện an toàn

Chị Mộng Trang hướng dẫn giáo viên luôn đậy công tắc điện khi không sử dụng

Ảnh: TGCC

Ngay từ khi thành lập trường, chị Trang đã chọn khu dân cư thoáng mát, nhiều cây xanh để mỗi sáng con trẻ được hòa mình vào thiên nhiên và tận dụng tối đa ánh sáng, gió trời. Hệ thống phòng học cũng được thiết kế với ban công, cửa sổ lớn, tường sơn sáng màu và sắp xếp đồ dùng tối ưu để hạn chế việc bật nhiều thiết bị điện.

Sự an toàn về điện cho trẻ nhỏ luôn được đặt lên hàng đầu

Từ máy lạnh, đèn chiếu sáng, ổ cắm đến máy bơm nước đều do chính chị chọn mua theo tiêu chí tiết kiệm điện năng và đảm bảo an toàn. Chị thường bảo chúng tôi khi mua sắm cho gia đình, hãy luôn chọn nhãn hiệu có uy tín, tuyệt đối không mua các thiết bị không rõ nguồn gốc bởi đó chính là nguy cơ dễ gây cháy nổ cũng như tăng lượng sử dụng điện. Song song đó, dù ở bất kỳ đâu, nếu phát hiện thiết bị điện có dấu hiệu hư hỏng đều phải thông báo kịp thời để sửa chữa, thay mới.

Trong các cuộc họp định kỳ, ngoài các vấn đề về công việc, chị Trang luôn phổ biến đến chúng tôi việc chú trọng tiết kiệm điện, nước không chỉ là chuyện chi phí mà là trách nhiệm với môi trường. Đều đặn mỗi ngày, sau khi học trò đã ra về, chị lại cần mẫn đi từng khu vực, phòng học để kiểm tra các thiết bị điện, vòi nước để đảm bảo tất cả đều được tắt khi không sử dụng. Chị luôn bố trí nhiều cây xanh ở khắp khuôn viên trường vì theo chị cây xanh ngoài giúp cho mĩ quan trường thêm xanh đẹp thì còn hấp thụ năng lượng mặt trời và làm mát không khí.

Với chị, sự an toàn của trẻ nhỏ luôn được đặt lên hàng đầu. Bởi vậy chị luôn trang bị nắp đậy ổ điện bởi chị hiểu các bé lứa tuổi mầm non khá hiếu động, tò mò. Để tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra khi các bé vô tình đút tay hoặc cắm các vật dụng bằng kim loại vào ổ điện, chị luôn dặn dò chúng tôi đặt thiết bị điện ngoài tầm với của con trẻ và áp dụng quy tắc: “Không dùng – phải rút”.

Khi dạy trẻ về thế giới xung quanh, chị Trang khuyến khích giáo viên lồng ghép bài học về điện: từ hình ảnh vui nhộn đến video hoạt hình, giúp các bé nhớ rằng điện rất hữu ích nhưng cũng có thể nguy hiểm nếu dùng không đúng cách. Đặc biệt, để tạo thêm trải nghiệm phong phú, cứ một hai tháng, chị lại tổ chức chương trình dã ngoại ngoài trời. Từ Thảo Cầm viên, nông trại đến bảo tàng để cô trò có thể vừa học vừa chơi nơi lớp học không tường, đồng thời các thiết bị điện cũng được “nghỉ ngơi” sau một thời gian sử dụng.

Giúp trẻ có thói quen tiết kiệm điện

Học cách của chị Trang, bản thân tôi và các giáo viên hay nói với nhau là “Đi đâu cũng bật chế độ tiết kiệm điện” bởi thói quen ấy đã ăn sâu vào ý thức hằng ngày. Hơn thế nữa, thông qua cuộc trò chuyện với con cái, chúng tôi luôn lồng ghép câu chuyện để con trẻ hiểu rằng: sử dụng điện an toàn và tiết kiệm là bảo vệ chính mình và bảo vệ trái đất thêm xanh.

Khi 'sếp' trường tôi nêu gương sử dụng điện an toàn - Ảnh 2.

Chị Mộng Trang tổ chức nhiều trò chơi cùng học trò tại những buổi dã ngoại

Khi 'sếp' trường tôi nêu gương sử dụng điện an toàn - Ảnh 3.

Khuôn viên trường luôn được chị Trang bố trí trồng nhiều cây xanh

Ảnh: TGCC

Thiết nghĩ, sử dụng điện an toàn, tiết kiệm không chỉ là mối quan tâm của người lớn mà còn của mọi thế hệ. Tôi tin rằng, giáo dục trẻ thơ không chỉ là dạy chữ nghĩa mà còn gửi trao những hạt giống ý thức sống xanh, để khi lớn lên, dù ở đâu, các con cũng mang theo mình thói quen tốt đẹp ấy. Với tôi, chị Trang không chỉ là người đứng đầu một ngôi trường, mà còn là người gieo mầm xanh âm thầm, bền bỉ từ điều nhỏ bé như chiếc công tắc điện trong lớp học cho đến nếp nghĩ và hành động thực tế, giúp lan tỏa tinh thần sử dụng điện tiết kiệm, an toàn đến với mọi người xung quanh.

130 triệu đồng và quà tặng đang chờ chủ nhân

Tiếp nối thành công của 2 mùa thi trước, năm nay cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 3 có chủ đề An toàn – Tiết kiệm kinh nghiệm sẻ chia hướng tới việc sử dụng điện an toàn, chia sẻ để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra và đặc biệt là ngăn ngừa và phòng chống cháy nổ.

Quý độc giả có thể gửi bài dự thi qua email của chương trình: [email protected], hoặc gửi bằng đường bưu điện về Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 – 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen). Thời hạn gửi bài dự thi từ ngày 22.4 – 22.7.2025. Xem chi tiết Thể lệ cuộc thi tại đây.

Khi 'sếp' trường tôi nêu gương sử dụng điện an toàn - Ảnh 4.