‘Nếu xử lý hình sự sai phạm kinh tế, doanh nhân hết cơ hội làm lại’

‘Nếu xử lý hình sự sai phạm kinh tế, doanh nhân hết cơ hội làm lại’

bởi

trong

Trao đổi bên hành lang Quốc hội sáng 8.5, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị mới ban hành đã tạo ra những đột phá căn bản về tư duy quản lý cho phát triển kinh tế tư nhân.

*Ông đánh giá thế nào về những chủ trương đột phá để phát triển kinh tế tư nhân được đề cập trong Nghị quyết 68?

– Ông Hoàng Văn Cường: Xét về lịch sử phát triển, những năm 80 của thế kỷ trước, kinh tế tư nhân không được thừa nhận. Chỉ sau khi mở cửa năm 1986, kinh tế tư nhân mới được phép tồn tại. Nhưng tới Đại hội VIII mới có khẳng định các thành phần kinh tế bình đẳng với nhau, còn trước kia được tồn tại nhưng đứng bên dưới các thành phần kinh tế khác.

Nghị quyết 68 thực sự đột phá khi khẳng định lấy kinh tế tư nhân là động lực tiên phong trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế; là lực lượng nòng cốt để tạo ra nền kinh tế độc lập, tự chủ. Bên cạnh các giải pháp, nghị quyết cũng chỉ ra quy mô mà các doanh nghiệp phải đạt được, trong đó đặt ra mục tiêu có các doanh nghiệp vươn tầm cỡ quốc tế, toàn cầu.

Khu vực kinh tế tư nhân chiếm 80% lực lượng lao động nước ta, số lượng doanh nghiệp cũng chiếm đa số. Đây là tiềm năng rất lớn phải khai thác. Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên mới, vươn mình, dựa vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Kinh tế tư nhân có ưu thế là sẵn sàng chấp nhận rủi ro, sẵn sàng tiếp cận cái mới. Đây là khu vực chúng ta trông đợi để tiên phong ứng dụng những điểm mới trong khoa học, công nghệ, tạo đột phá phát triển.

‘Nếu xử lý hình sự sai phạm kinh tế, doanh nhân hết cơ hội làm lại’

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường trao đổi sáng 8.5 bên lề hành lang Quốc hội

ẢNH: MAI HÀ

Bóc tách sai phạm cá nhân và doanh nghiệp

*Một trong những quy định đột phá của Nghị quyết 68 là không hình sự hóa các sai phạm về kinh tế. Điều này sẽ tháo gỡ về tâm lý và hành động như thế nào cho khu vực tư nhân, trong bối cảnh rất nhiều người sợ sai không dám làm?

Sứ mệnh của doanh nghiệp là kinh doanh ra tiền, họ sẽ tìm mọi phương thức để có lợi nhuận, nhưng tất nhiên đi kèm đó là rủi ro. Càng lợi nhuận cao thì rủi ro càng lớn, cả về kinh tế lẫn pháp lý. Nhưng vì động cơ làm ra tiền nên doanh nghiệp vẫn hành động.

Vì thế, khi vướng phải sai phạm, phải nhìn vào động cơ của các doanh nghiệp. Nếu động cơ của họ là lợi nhuận, không phải là chống lại luật pháp thì phải xử lý sai phạm của họ bằng công cụ kinh tế.

Nghị quyết 68 đặt ra vấn đề ưu tiên xử lý sai phạm bằng biện pháp kinh tế thay thế cho các biện pháp hình sự là có cơ sở, chứ không phải nương nhẹ cho khu vực tư nhân. Khi có quan điểm như thế, những gì trong giáp ranh phải chọn phương án tốt hơn. Nếu xử lý hình sự thì doanh nhân hết cơ hội làm lại, cũng không có cơ hội bù đắp lại cho các thiệt hại về kinh tế. Trong khi tiền của người ta làm ra cũng tạo ra sản phẩm, việc làm cho xã hội.

*Nghị quyết 68 yêu cầu phải bóc tách trách nhiệm cá nhân với doanh nghiệp khi xảy ra sai phạm. Thực tế nhiều doanh nghiệp sau khi người đứng đầu bị bắt đã lao đao, đình trệ. Theo ông, quy định mới này có thay đổi được thực trạng này không?

Lâu nay luật pháp chúng ta không đánh đồng doanh nghiệp với tư cách pháp nhân. Cá nhân sai phạm là cá nhân, doanh nghiệp là doanh nghiệp. Xử lý cá nhân không đóng cửa doanh nghiệp, không cấm doanh nghiệp hoạt động, song thực tế có những yếu tố ảnh hưởng như quyền lợi, quyết định của cá nhân sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Do đó, nghị quyết yêu cầu bóc tách những điều này để không ảnh hưởng tới doanh nghiệp.

Nhưng theo tôi cần đánh giá thêm yếu tố tâm lý xã hội, khi xử lý người có trách nhiệm tạo ra tình trạng khủng hoảng cho doanh nghiệp. Cần phân định rõ cái gì về xử lý, cái gì tâm lý để có phương án giải quyết.

Từ Nhà nước quản lý, doanh nghiệp đi xin, sang Nhà nước kiến tạo

*Một điểm quan trọng trong nghị quyết là đặt ra việc bỏ tư duy không quản được thì cấm. Theo ông, cần cụ thể hóa điều này ra sao, các bộ, ngành cần làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp?

Nghị quyết 68 đặt ra yêu cầu chuyển đổi cơ chế quản lý của Nhà nước, từ chỗ Nhà nước đứng ra quản lý, doanh nghiệp phải đến xin phép, đòi hỏi yêu cầu thì nay chuyển sang Nhà nước kiến tạo, tạo ra khuôn khổ pháp lý cho doanh nghiệp, doanh nhân tự do kinh doanh mà không phải xin ai. Trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước phải đáp ứng yêu cầu để các doanh nghiệp phát triển.

Các khuôn khổ luật pháp và công cụ pháp luật cũng phải thay đổi. Cơ quan quản lý nhà nước không thể ngồi trông chờ doanh nghiệp đến mà phải chủ động tìm hiểu, nắm bắt xem doanh nghiệp, doanh nhân cần gì để giải quyết.

Rất mừng là chúng ta đang có những thay đổi đồng bộ về luật pháp như luật Cán bộ công chức. Theo đó, cán bộ công chức không ngồi theo vị trí được bố trí mà phải thực hiện vị trí việc làm, hoàn thành vị trí, nếu không làm được sẽ bị loại bỏ, chứ không còn công chức suốt đời. Nói cách khác, cán bộ công chức phải hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

*Trong khu vực tư nhân, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể chiếm tỷ trọng lớn. Theo ông, cần có các hỗ trợ gì để khối này phát triển hơn trong giai đoạn tới?

Với khu vực doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ này, khó khăn nhất với họ là yếu tố nguồn lực hạn chế, nên Nghị quyết 68 đặt ra yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực như đất đai, hỗ trợ tiền thuê đất hoặc hỗ trợ tiếp cận vốn vay… 

Cạnh đó, cần thay đổi về cơ chế quản lý, tránh tình trạng vì cơ chế thủ tục hành chính cản trở các hộ cá thể không muốn thành doanh nghiệp. Ví dụ hộ kinh doanh gia đình áp theo thuế khoán, không cần chi phí thuê kế toán. Nhưng nếu thành doanh nghiệp phải kê khai thuế, dù không có doanh thu vẫn phải kê khai, vô hình trung tăng thêm thủ tục, không mang lại lợi ích nên người ta e ngại. Rõ ràng phải xóa bỏ thủ tục hành chính để hỗ trợ người ta lớn lên.