Phòng thí nghiệm sản xuất muỗi biến đổi gene

Phòng thí nghiệm sản xuất muỗi biến đổi gene

bởi

trong

Công ty Anh Oxitec đang sản xuất muỗi mang gene “tự giới hạn” giết chết muỗi cái, nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh như sốt rét và sốt xuất huyết.





Phòng thí nghiệm sản xuất muỗi biến đổi gene

Trưởng nhóm Anna Schoenauer nghiên cứu ấu trùng muỗi. Ảnh: Guardian

Công ty công nghệ sinh học Oxitec, đang tạo ra muỗi biến đổi gene (GM). Những con muỗi sản xuất trong phòng thí nghiệm mang một gene “tự giới hạn” ngăn chặn quá trình tế bào bình thường, có nghĩa nếu chúng giao phối, mọi con muỗi cái non đều sẽ chết. Muỗi cái là một trong những nguyên nhân gây tử vong lớn nhất cho trẻ em dưới 5 tuổi.

Con đực không đốt người sẽ sống sót và tiếp tục giao phối với muỗi cái hoang dã khác. Thông qua thả liên tục muỗi đực “thân thiện”, muỗi cái sẽ chết, làm giảm đáng kể quần thể muỗi, hạn chế lây lan bệnh sốt rét.

Trong phòng thí nghiệm, sau khi trứng được tiêm DNA, chúng được đưa vào phòng ấm và ẩm, cung cấp điều kiện thuận lợi để trưởng thành. Cần 4-5 ngày để 5-30% số trứng sống sót sau khi tiêm nở thành ấu trùng. Một quả trứng thường mất khoảng 14 ngày để phát triển thành muỗi trưởng thành.

Những con muỗi được tiêm DNA, sẽ phát sáng màu xanh lục huỳnh quang khi soi bằng kính hiển vi. Đây là kết quả chất đánh dấu báo hiệu chúng có mang gene biến đổi hay không.





Công nhân ở Djibouti thả một lứa muỗi biến đổi gene của Oxitec. Ảnh: Guardian

Công nhân ở Djibouti thả một lứa muỗi biến đổi gene của Oxitec. Ảnh: Guardian

Năm ngoái, Oxitec thả hàng chục nghìn muỗi biến đổi gene ở Djibouti, nơi bệnh sốt rét bùng phát trở lại do một loài xâm hại. Đây là lần đầu tiên những con muỗi như vậy được thả ở Đông Phi và là lần thứ hai trên lục địa. Hoạt động này diễn ra sau nhiều lần thả muỗi biến đổi gene ở Florida và Brazil để chống dịch sốt xuất huyết.

Lottie Renwick, giám đốc chiến lược của tổ chức phi lợi nhuận Malaria No More ở Anh, cho rằng muỗi biến đổi gene có tác động lớn đối với sự truyền bệnh sốt rét. Cô nhấn mạnh biện pháp can thiệp này cần đi kèm công cụ khác như màn chống muỗi và tiêm phòng.

Muỗi Anopheles stephensi cũng được phát hiện ở Ethiopia, Sudan, Somalia và Kenya, cũng như Nigeria và Ghana ở Tây Phi. Theo một nghiên cứu công bố trên tạp chí PNAS, nếu loài muỗi này không được kiểm soát, thêm 126 triệu người trên lục địa sẽ có nguy cơ mắc sốt rét.

Anopheles stephensi cũng kháng nhiều loại thuốc diệt côn trùng dùng để kiểm soát quần thể muỗi. Chính phủ Djibouti rất quan tâm tới phát triển và triển khai muỗi biến đổi gene để chống loài xâm hại lây lan sốt xuất huyết ở Brazil và hợp tác với Oxitec để đối phó với mối đe dọa này.

Các nhà khoa học tại Oxitec cũng như chuyên gia về sốt rét và muỗi khẳng định muỗi biến đổi gene an toàn. Sau khi đánh giá rủi ro, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ năm 2016 và Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ năm 2022 xác nhận chúng không gây nguy hiểm cho con người hoặc môi trường.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2023 ước tính có khoảng 263 triệu ca mắc sốt rét và 597.000 ca tử vong ở 83 quốc gia. Châu Phi chịu gánh nặng lớn nhất (94% số ca) và trẻ em dưới 5 tuổi chiếm hơn 3/4 (76%) tổng số ca tử vong do sốt rét. Djibouti, quốc gia Đông Phi với một triệu dân, gần như loại bỏ được bệnh này, nhưng số ca mắc bệnh tăng từ 27 ca năm 2012 lên hơn 73.000 ca năm 2020. Nguyên nhân là một loài muỗi du nhập từ Nam Á và bán đảo Arab vào châu Phi.

An Khang (Tổng hợp)