Giải Marathon quốc tế Bình Nhưỡng trở lại sau 5 năm nhưng lượng du khách tham gia giảm đáng kể, do những thay đổi về chính sách của quốc gia này.
Simon Cockerell, Giám đốc điều hành Koryo Tours, đơn vị tổ chức tour chính thức của giải Marathon quốc tế Bình Nhưỡng cho biết chỉ đưa được khoảng 200 du khách quốc tế đến Bình Nhưỡng trong sự kiện năm nay. Con số này sụt giảm so với 700 người vào năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu đến từ quy định nhập cảnh khắt khe, lựa chọn di chuyển hạn chế và thời gian đăng ký ngắn hơn trước.
Không giống các năm trước khi sự kiện được công bố từ sớm, cuộc đua năm nay được xác nhận một tháng trước ngày thi đấu chính thức (6/4). Du khách chỉ có thể bay đến từ Bắc Kinh và khách sạn phục vụ bị giới hạn còn một cơ sở do hiệp hội thể thao địa phương quản lý. Dù vẫn được tham quan các điểm đến nổi bật và thưởng thức ẩm thực nội địa, những người tham gia được gọi là “phái đoàn thể thao”, không phải khách du lịch.

Nhóm du khách Nga đầu tiên đến sân bay quốc tế Bình Nhưỡng ở Bình Nhưỡng tháng 2/2024. Ảnh: AFP
Các chuyên gia nhận định Triều Tiên gần như vẫn khép kín với khách quốc tế kể từ khi đóng cửa biên giới vào năm 2020 do đại dịch Covid-19. Nước này chỉ cho phép công dân Nga nhập cảnh từ đầu năm 2024, thêm đợt mở cửa ngắn ngủi dành cho du khách không phải người Nga tại đặc khu kinh tế Rason vào tháng 2, kéo dài khoảng 3 tuần.
Việc Triều Tiên bất ngờ đóng cửa khu kinh tế đặc biệt Rason vào tháng 3, chỉ sau chưa đầy ba tuần sau khi mở lại, được cho là xuất phát từ lo ngại về việc hình ảnh đất nước bị phản ánh tiêu cực trên mạng xã hội.
Dù không đưa ra lý do chính thức cho quyết định này, các chuyên gia trong ngành cho rằng những nội dung do các nhà sáng tạo quốc tế đăng tải sau chuyến đi đến Bình Nhưỡng là nguyên nhân trực tiếp khiến khu vực bị đóng cửa. Các công ty du lịch cũng cho biết lượng người quay phim, chụp ảnh và sản xuất nội dung trong các chuyến đi gần đây đã gia tăng đáng kể.
Rowan Beard, đồng sáng lập hãng Young Pioneer Tours, cho biết trong chuyến thăm Rason trước khi đóng cửa, khoảng một nửa du khách là blogger du lịch, cao hơn hẳn so với thời điểm trước năm 2020.
“Các nhà sáng tạo nội dung du lịch có hàng triệu người theo dõi, cách họ ghi hình, kể chuyện và chia sẻ trải nghiệm chẳng khác gì báo chí,” Beard nhận định.
Triều Tiên từ lâu đã siết chặt kiểm soát thông tin và cảnh giác với mọi hình thức tường thuật độc lập nào. Trước khi đóng cửa Rason, nước này vốn đã cấm phóng viên nhập cảnh theo diện du lịch.
Tiến sĩ Rudiger Frank, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Âu về Triều Tiên, cho rằng chính sách của Bình Nhưỡng đang ưu tiên lợi ích kinh tế và an ninh hơn là phát triển du lịch – hoạt động tiềm ẩn rủi ro trong việc kiểm soát thông tin.
“Chi phí để duy trì hoạt động du lịch đã vượt quá lợi ích và dường như các nhà hoạch định chính sách tại Triều Tiên đã nhận ra điều đó”, ông nói.
Du lịch từng được nhà lãnh đạo Kim Jong Un xem là nguồn thu ngoại tệ quan trọng. Ông từng đầu tư mạnh tay vào khu nghỉ dưỡng và đào tạo nhân lực ngành khách sạn. Theo ước tính của tổ chức 38 North, chuyên trang thuộc Trung tâm nghiên cứu Stimson (Mỹ), doanh thu du lịch Triều Tiên đã tăng gấp bốn lần trong giai đoạn 2014 – 2019. Riêng năm 2019, khoảng 350.000 du khách nước ngoài đã đặt chân đến quốc gia này. Đây cũng là năm Bình Nhưỡng cho phép ghi hình một tập của chương trình The Amazing Race Vietnam, đánh dấu một trong những lần hiếm hoi Triều Tiên mở cửa truyền thông với thế giới. Tuy nhiên, đại dịch đã chấm dứt điều này.
Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng du lịch nội địa có thể trở thành hướng đi mới của Triều Tiên. Theo Tiến sĩ Rudiger Frank, sau hơn hai thập kỷ cải cách kinh tế thận trọng, Triều Tiên đã hình thành một tầng lớp trung lưu, có thu nhập và nhu cầu tiêu dùng giải trí. Các khu nghỉ dưỡng cao cấp đang xây dựng được dự đoán sẽ phục vụ người dân trong nước thay vì khách quốc tế.
Bà Rachel Minyoung Lee từ tổ chức 38 North lại tỏ ra hoài nghi nhu cầu nội địa đủ lớn để vực dậy toàn bộ ngành.
Trước tình hình trên, các công ty du lịch phải xoay xở bằng những hình thức tiếp cận khác. Trong tháng 5, Young Pioneer Tours dự kiến tổ chức một đoàn khách dưới danh nghĩa “phái đoàn thương mại” tham dự Hội chợ Thương mại Bình Nhưỡng, nhằm tránh các hạn chế của việc cấp visa du lịch. Dù vậy, quy mô đoàn nhỏ hơn và chi phí cao hơn do Bình Nhưỡng không còn áp dụng mức giá ưu đãi cho khách du lịch. Phía Koryo Tours cho rằng tương lai của du lịch quốc tế ở Triều Tiên vẫn rất mờ mịt.
Bích Phương (Theo SCMP)