Tân Thủ tướng được kỳ vọng giúp Đức khôi phục vị thế ở châu Âu

Tân Thủ tướng được kỳ vọng giúp Đức khôi phục vị thế ở châu Âu

bởi

trong

Thủ tướng Merz được kỳ vọng giúp Đức khôi phục vai trò dẫn dắt châu Âu, sau khi vị thế của Berlin lung lay vì chính trường bất ổn.

Ông Friedrich Merz, 69 tuổi, ngày 6/5 tuyên thệ nhậm chức, trở thành Thủ tướng thứ 10 của Đức từ sau Thế chiến II. Đây là bước nhảy vọt trong sự nghiệp chính trị của ông Merz, người chưa từng giữ vị trí cấp cao nào trong chính phủ liên bang.

Truyền thông Đức mô tả tân Thủ tướng là người ủng hộ quan hệ xuyên Đại Tây Dương, đồng thời là “người bạn của châu Âu và nhà cải cách”. Những yếu tố trên khiến ông Merz được kỳ vọng là lãnh đạo mà Đức và châu Âu cần vào thời điểm nhiều thách thức này.





Tân Thủ tướng được kỳ vọng giúp Đức khôi phục vị thế ở châu Âu

Thủ tướng Đức Friedrich Merz tại cuộc họp nội các ở Berlin cuối ngày 6/5. Ảnh: AP

Friedrich Merz sinh năm 1955 ở vùng nông thôn Sauerland, miền núi Tây Đức. Ông chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi nền văn hóa bảo thủ và gia nhập đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) từ thời trung học. Sau thời gian ngắn phục vụ trong quân đội, ông theo học chuyên ngành luật tại một đại học ở Bonn, khi đó là thủ phủ của Tây Đức.

Merz trở thành thành viên bảo thủ của Nghị viện châu Âu năm 1989, rồi được bầu vào quốc hội liên bang Đức (Bundestag) năm 1994. Tại đây, ông xây dựng quan hệ thân thiết với Wolfgang Schauble, chính trị gia đảng CDU kiêm cựu bộ trưởng tài chính Đức, người ủng hộ mạnh mẽ hội nhập Liên minh châu Âu (EU). Ông Merz dần trỗi dậy, trở thành ứng viên thủ tướng tiềm năng.

Năm 2002, ông thua trong cuộc cạnh tranh với bà Angela Merkel. Thấy mình không có vai trò gì trong CDU dưới thời bà Merkel, ông Merz rút khỏi Bundestag năm 2009 và chuyển sang làm luật sư, đồng thời lãnh đạo tổ chức vận động hàng lang Atlantik – Brucke ủng hộ quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Trong thời gian làm việc tại Atlantik – Brucke, ông thúc đẩy Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP), thỏa thuận thương mại quan trọng giữa EU và Mỹ. Ông cũng tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ.

Khi bà Merkel rời vị trí lãnh đạo CDU năm 2018, ông Merz nắm bắt cơ hội để trở lại chính trường. Ông tin rằng chủ nghĩa trung dung và các chính sách mở cửa cho người tị nạn vào châu Âu cũng như nước Đức của bà Merkel đã cho phép đảng cực hữu AfD trỗi dậy.

Ông đặt mục tiêu gạt bỏ phần lớn di sản của bà Merkel và hướng tới kéo CDU sang cánh hữu. CDU khi đó tham gia liên minh với đảng Xã hội Cơ đốc giáo (CSU), nhưng đối mặt khủng hoảng sau thất bại trước đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Olaf Scholz và đã quyết định bầu Merz làm lãnh đạo năm 2022.

Các cuộc thăm dò cho thấy ông Merz là ứng viên mạnh để đánh bại ông Scholz trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 2. Kết quả kiểm phiếu cho thấy liên minh CDU/CSU về nhất với 28,6% số phiếu. Hai vị trí tiếp theo là AfD (20,8%) và SPD (16,4%).

Để ngăn sự trỗi dậy của AfD, CDU/CSU đã thiết lập liên minh với SPD và nhất trí đề cử ông Merz làm Thủ tướng.





Ông Friedrich Merz tại quốc hội Đức ngày 6/5. Ảnh: AFP

Ông Friedrich Merz tại quốc hội Đức ngày 6/5. Ảnh: AFP

Liên minh cầm quyền của ông Merz đã vạch ra lộ trình để phục hồi tăng trưởng kinh tế, như giảm thuế doanh nghiệp và hạ giá năng lượng. Chính phủ mới thúc đẩy các sửa đổi hiến pháp để nới lỏng trần nợ, cho phép chi tiêu lên đến 1.000 tỷ USD cho quốc phòng và hạ tầng trong thập kỷ tới.

Thủ tướng Merz cam kết khôi phục vai trò lãnh đạo của Đức tại châu Âu, chấm dứt cuộc khủng hoảng nhập cư “đang dần khiến chính trường châu Âu trở nên độc hại”, hồi sinh nền kinh tế gần như chững lại sau đại dịch Covid-19.

Về đối ngoại, chiến sự Ukraine cùng chính sách thuế của Tổng thống Donald Trump với châu Âu dự kiến là các vấn đề chính trong quan hệ Mỹ – Đức dưới thời Merz. Là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, Đức được kỳ vọng có tiếng nói mạnh mẽ khi đàm phán với Mỹ về thuế quan.

Giới quan sát đánh giá ông Merz có thể rất thích hợp để đối phó ông Trump trong lĩnh vực này.

“Ông ấy có lợi thế quan trọng: Không phải là Merkel”, Thomas Kleine-Brockhoff, giám đốc Hội đồng Đức về Quan hệ Đối ngoại, nói với Washington Post, nhắc đến việc ông Trump nhiệm kỳ đầu thường xuyên chỉ trích bà Merkel. “Ông ấy cũng không có quan hệ mật thiết với ông Joe Biden, đối thủ của ông Trump. Tôi nghĩ đó là điểm khởi đầu tốt đẹp cho mối quan hệ”.

Thủ tướng Merz dự kiến điện đàm với ông Trump ngày 8/5 và có thể gặp lãnh đạo Mỹ trước cuộc họp của NATO cuối tháng 6.

“Thủ tướng Merz giờ là hy vọng của châu Âu”, ông Kleine-Brockhoff tiếp tục. “Ông ấy là gương mặt mới trên chính trường. Ông ấy có thể tạo ra khác biệt, mang đến những năng lượng mới, ý tưởng và khả năng mới để đoàn kết”.





Thủ tướng Đức Friedrich Merz tuyên thệ nhậm chức ngày 6/5 tại quốc hội. Ảnh: AP

Thủ tướng Đức Friedrich Merz tuyên thệ nhậm chức ngày 6/5 tại quốc hội. Ảnh: AP

Tuy nhiên, Thủ tướng Merz đang có khởi đầu không mấy suôn sẻ. Liên minh CDU/CSU và SPD nắm 328 ghế nhưng ông Merz chỉ nhận được 310 phiếu ủng hộ trong lần bỏ phiếu đầu tiên tại Bundestag sáng 6/5. Diễn biến cho thấy có bất đồng trong nội bộ liên minh cầm quyền, khiến ông Merz trở thành ứng viên thủ tướng đầu tiên trong lịch sử hiện đại Đức phải tổ chức lần bỏ phiếu thứ hai.

AfD, đang dẫn đầu trong kết quả một số thăm dò, nhanh chóng tận dụng diễn biến để kêu gọi tổ chức bầu cử. “Chúng tôi đã sẵn sàng để nhận trách nhiệm lãnh đạo. Ông Merz nên từ chức ngay lập tức”, bà Alice Wiedel, lãnh đạo AfD, nói.

Chính phủ mới đang chịu áp lực phải chứng minh rằng họ có thể lập lại kỷ luật trong nội bộ và đảm bảo thông qua được mọi dự luật cần thiết, Ursula Munch, giám đốc Học viện Giáo dục Chính trị ở Tutzing, miền nam Đức, đánh giá.

“Niềm tin vào các chính trị gia và chính phủ vốn đã thấp, và chuyện này không giúp ích gì”, bà Munch nói với WSJ. “Hy vọng rằng việc cận kề bờ vực sẽ giúp các chính trị gia thức tỉnh”.

Giới quan sát cũng chưa rõ ông Merz có sẵn sàng hành động mạnh mẽ vì lợi ích của khu vực hay không, trong khi lùm xùm của liên minh cầm quyền cho thấy giữa các đối tác có sự ngờ vực. Chính phủ Đức có thể cần thêm nhiều thời gian để ổn định, giữa lúc châu Âu đang cần sự lãnh đạo mạnh mẽ từ Berlin.

“Cả châu Âu nhìn vào Đức với hy vọng họ sẽ tái khẳng định mình là trụ cột của sự ổn định và động lực dẫn dắt châu Âu”, Janaa Puglierin, lãnh đạo viện chính sách Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại, văn phòng Berlin, nói với Reuters.

Như Tâm (Theo DW, Washington Post, CNN)