
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân đến thủ đô Matxcơva, bắt đầu chuyến thăm chính thức Liên bang Nga và dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại – Ảnh: TTXVN
Ngày 8-5, Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Nga, bắt đầu chuyến thăm chính thức và dự lễ duyệt binh kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh vệ quốc.
Nga là điểm đến thứ ba trong chuyến công tác bốn nước gồm: Nga, Kazakhstan, Azerbaijan và Belarus – đều là những quốc gia thuộc Liên Xô trước đây, có quan hệ truyền thống tốt đẹp với Việt Nam. Theo giới chuyên gia, chuyến đi nhằm củng cố quan hệ song phương và không gửi thông điệp đến bất kỳ nước thứ ba nào.
Đối ngoại độc lập, chân thành
“Hoàn toàn không có lý do gì để Nga và Việt Nam không củng cố tình hữu nghị, để hai nền kinh tế bổ sung và tăng cường lẫn nhau”, Tổng biên tập tạp chí Global Affairs của Nga, ông Fyodor Lukyanov, nhận định với Tuổi Trẻ và khẳng định Việt Nam là một đối tác “không thể thiếu” của Nga tại Đông Nam Á.
Đặt chuyến thăm Nga trong bối cảnh rộng hơn của các hoạt động đối ngoại gần đây của Việt Nam, ông Fyodor Lukyanov khẳng định đây là những động thái thông minh và lý trí. “Bí quyết để thành công trong thế giới ngày nay là phải vun đắp được nhiều mối quan hệ có lợi nhất có thể, tránh bị kéo vào các cơ chế kín và biệt lập. Nga hoan nghênh cách tiếp cận như vậy của Việt Nam”, ông nói.
Với TS Alexander Butko – nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Đông phương (Viện hàn lâm Khoa học Nga), chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm còn phản ánh nền tảng lịch sử vững chắc của mối quan hệ, thể hiện qua một trong những hoạt động quan trọng là dự lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng.
Điểm lại lịch sử, ông Butko cho biết trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam đã tham gia trận chiến bảo vệ Matxcơva năm 1941. Trong khi đó, nhiều chuyên gia, cố vấn Liên Xô đã hỗ trợ nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh giành độc lập. “Có thể thấy quan hệ Nga – Việt có một nền tảng lịch sử vững chắc, mang lại sự ổn định trong những thời gian phức tạp”, ông nhận định.
Tiếp cận từ góc độ lịch sử, khi được Tuổi Trẻ hỏi về chính sách đối ngoại hiện nay của Việt Nam, GS Vladimir Kolotov, viện trưởng Viện Hồ Chí Minh tại Đại học Tổng hợp quốc gia St.Petersburg (Nga), đánh giá cao cách tiếp cận của Hà Nội.
“Việt Nam luôn tìm phương cách để giảm mâu thuẫn, xung đột và mong muốn giải quyết các vấn đề một cách có tính xây dựng. Đây là một đặc điểm rất hiếm có trong tình hình chính trị bất ổn trên thế giới hiện nay. Đúc kết từ lịch sử của mình, hơn ai hết Việt Nam quý trọng độc lập, tự do và đầy bản lĩnh không bao giờ chịu khuất phục trước bất cứ bên nào”, ông khẳng định.
Hợp tác thực chất
“Matxcơva coi trọng Hà Nội trong khuôn khổ chính sách “hướng về phía Đông” và coi quan hệ Nga – Việt là một thành phần quan trọng trong quan hệ giữa Nga và ASEAN”, TS Butko khẳng định. Theo ông, chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm đến Matxcơva phản ánh mức độ coi trọng cao của hai nước đối với quan hệ song phương, phản ánh sự tích cực trong quan hệ chính trị giữa hai bên là động lực của mối quan hệ.
Hai nước không thiếu những dẫn chứng cho thấy sự hợp tác thực chất và hiệu quả. Ông Butko điểm lại những hợp tác kinh tế thành công, cùng có lợi và lâu dài giữa Nga và Việt Nam, đó là liên doanh Vietsovpetro, Trung tâm Nghiên cứu và công nghệ nhiệt đới Nga – Việt – nơi tiến hành nghiên cứu trong các lĩnh vực y học, sinh thái và khoa học vật liệu, hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật – quân sự.
“Viện nghiên cứu Đông Phương cùng với các đối tác khác cũng tích cực tham gia vào việc tìm kiếm các hình thức mới trong hợp tác Nga – Việt”, ông chia sẻ thêm.
Khẳng định Nga và Việt Nam không bao giờ có mâu thuẫn chính trị và ý thức hệ, GS Kolotov nhận định trong bối cảnh hiện nay và vì nhiều lý do bên ngoài, hợp tác kinh tế còn khá khiêm tốn so với một số nước khác. “Chúng ta cần phải nói thẳng về các trở ngại và phương cách giải quyết các vấn đề để quan hệ giữa hai nước có thể phát triển một cách năng động và hiệu quả hơn”, ông gợi mở.
Với TS Butko, ông tin rằng năng lượng hạt nhân có thể trở thành lĩnh vực hợp tác chiến lược giữa hai nước. Nhà nghiên cứu Nga lập luận bằng việc chỉ ra Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh rằng Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam là nước phát triển, có thu nhập cao. Việt Nam cũng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 lên trên 8% và làm tiền đề cho kinh tế tăng trưởng hai con số từ 2026.
Để đạt được các mục tiêu kinh tế – xã hội như vậy, theo ông Butko, đòi hỏi sự phát triển của cơ sở hạ tầng năng lượng, đảm bảo nguồn cung ổn định cho hoạt động của doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp.
“Năng lượng hạt nhân là một nguồn như vậy. Nga có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng và vận hành các nhà máy điện hạt nhân, cũng như các công nghệ độc đáo và đáng tin cậy. Tôi nghĩ rằng hợp tác trong lĩnh vực phát triển năng lượng hạt nhân nên trở thành một trụ cột mới của hợp tác Nga – Việt”, ông nhận định.
Xung lực mới cho hợp tác
Trả lời báo chí Nga nhân chuyến thăm, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết các cuộc tiếp xúc quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm với lãnh đạo cấp cao Nga sẽ tạo ra những xung lực mới trong hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.
Trong đó có những lĩnh vực hợp tác truyền thống và cả những lĩnh vực mới, nhiều tiềm năng như kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học cơ bản, năng lượng, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo.