Không để KOL ‘lùa gà’

Không để KOL ‘lùa gà’

bởi

trong
Không để KOL ‘lùa gà’

Lý do thu hồi: mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật và chứa 2-Phenoxyethanol không có trong thành phần công thức sản phẩm đã được cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm. Vụ việc gây chú ý trong dư luận bởi loại mỹ phẩm trên trên từng được một nhân vật khá nổi tiếng trên mạng xã hội giới thiệu, như một sản phẩm cao cấp hiếm hoi đáp ứng yêu cầu chất lượng cao.

Trước đây, khi internet và mạng xã hội chưa bùng nổ, để một sản phẩm mới có thể tiếp cận thị trường, bán đến khách hàng thì đòi hỏi phải có đội ngũ kinh doanh, rồi thông qua các hệ thống phân phối như chợ, tiệm tạp hóa, siêu thị. Rồi khi quảng bá các sản phẩm trên các kênh truyền thông chính thống thì phải cung cấp các chứng nhận cần thiết liên quan sản phẩm.

Nhưng ngày nay, sự bùng nổ của mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến kết hợp cùng các dịch vụ giao nhận hàng hóa cũng ngày càng hiện đại nên việc bán hàng, tiếp cận thị trường trở nên thuận tiện hơn, mở ra nhiều cơ hội cho các sản phẩm mới đến tay người tiêu dùng. Đây là xu hướng tích cực khi thúc đẩy sự cạnh tranh, đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường, tiết kiệm chi phí bán hàng so với phương thức truyền thống để mang lại lợi ích cho người tiêu dùng.

Tận dụng xu thế trên, nhiều người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên thế giới “ảo” (gọi chung là KOL) thời gian qua đã trực tiếp kinh doanh hoặc hợp tác để tung ra nhiều dòng sản phẩm mới đa dạng từ mỹ phẩm, thực phẩm đến nhiều loại hàng hóa tiêu dùng khác.

Nhiều mặt hàng đã nhanh chóng lan tỏa, thương hiệu dễ dàng chinh phục người tiêu dùng nhờ sự nổi tiếng của các KOL thông qua các kênh truyền thông cá nhân có lượng người dùng đông đảo.

Song hành cùng sự phát triển “trăm hoa đua nở” của xu thế này, vấn đề chất lượng sản phẩm là rất đáng quan tâm. Khi quảng bá, nhiều KOL ca tụng chất lượng sản phẩm “trên mây”, nhưng đến khi cơ quan chức năng “sờ gáy” thì chất lượng lại dưới chuẩn, thậm chí còn nguy hại. Đây là tình trạng của các vụ việc vừa qua như kẹo rau củ Kera, một số loại sữa giả, rồi Hanayuki shampoo…

Trong bối cảnh đua nhau tung ra sản phẩm riêng, nhiều KOL luôn thể hiện hình ảnh giàu có, chuyên sử dụng những sản phẩm cao cấp rồi từ đó giới thiệu những mặt hàng mà họ cho là “hiếm hoi” có thể đáp ứng được đòi hỏi rất cao của bản thân. Nhiều KOL còn thể hiện như chuyên gia về khoa học, y tế khi quảng bá sản phẩm. Nhiều người ví von các chiêu trò vừa nêu là những công thức “lùa gà” của các KOL.

Như Hanayuki shampoo được giới thiệu là do doanh nghiệp gia đình của KOL này sản xuất, rồi tự quảng bá sản phẩm trên chính các kênh cá nhân của bản thân.

Chính vì thế, trước nhất mỗi người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình bằng cách đừng vội tin vào hình ảnh các KOL và bỏ tiền mua sản phẩm chỉ vì những lời quảng bá chưa được chứng nhận bởi những cơ quan hữu trách.

Mặt khác, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra các sản phẩm đang “trăm hoa đua nở” trên các mạng xã hội, được tung hô bởi các KOL. Kèm theo đó, cần siết chặt điều kiện quảng cáo sản phẩm đối với các KOL như cách thức đang áp dụng với các kênh truyền thông chính thống. Có như thế mới ngăn chặn tình trạng các KOL quảng cáo lố, kinh doanh hàng hóa kém chất lượng.