Quốc hội Ukraine phê chuẩn “thỏa thuận lịch sử” với Mỹ

Quốc hội Ukraine phê chuẩn “thỏa thuận lịch sử” với Mỹ

bởi

trong
Quốc hội Ukraine phê chuẩn “thỏa thuận lịch sử” với Mỹ

Ukraine và Mỹ đã ký thỏa thuận khoáng sản gần đây (Ảnh: AFP).

Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) vừa thông qua thỏa thuận liên chính phủ về khoáng sản giữa Ukraine và Mỹ, vốn mới được ký kết gần đây.

Theo truyền hình trực tiếp từ quốc hội, tổng cộng có 338 nghị sĩ bỏ phiếu ủng hộ.

Với kết quả bỏ phiếu hôm 8/5, thỏa thuận này chính thức mở đường cho việc thành lập một quỹ đầu tư nhằm phát triển lĩnh vực khoáng sản chiến lược của Ukraine.

Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine, ông Andriy Yermak, đã chia sẻ video cuộc bỏ phiếu lên Telegram và viết: “338 phiếu thuận. Một quyết định mang tính lịch sử. Thỏa thuận này sẽ khiến Ukraine mạnh mẽ hơn. Cảm ơn tất cả mọi người vì nỗ lực. Lịch sử được tạo nên như thế này đây”.

Trước khi được phê chuẩn, thỏa thuận đã được Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Ukraine xem xét và thông qua, sau khi chính phủ đệ trình các tài liệu cần thiết, bao gồm bản giải trình, văn bản thỏa thuận và hồ sơ đăng ký.

Phó Chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Tài chính, Thuế và Chính sách Hải quan thuộc Quốc hội Ukraine, ông Yaroslav Zheleznyak, cho biết quyết định của ủy ban này bao gồm một điều khoản bảo vệ quan trọng, quy định rằng: “Mọi thỏa thuận bổ sung về việc thành lập Quỹ Đầu tư Tái thiết Mỹ – Ukraine đều không được mâu thuẫn với thỏa thuận chính”.

Thứ trưởng Kinh tế kiêm Đại diện Thương mại Ukraine, ông Taras Kachka, cho biết trước đó rằng sẽ có 2 thỏa thuận kỹ thuật bổ sung được ký kết sau, nhưng không cần quốc hội phê chuẩn.

“Chúng tôi đã tách biệt những gì cần quốc hội thông qua và những gì có thể để lại ở cấp doanh nghiệp. Đồng thời, quốc hội vẫn giữ quyền giám sát”, ông Kachka nói.

Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yuliia Svyrydenko và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã ký thỏa thuận này tại Washington hồi đầu tháng, thiết lập một quỹ chung để quản lý nguồn thu từ hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên trên lãnh thổ Ukraine.

Các công ty Mỹ sẽ tham gia phát triển những nguồn tài nguyên này, bao gồm cả nhiên liệu hóa thạch và một số kim loại đất hiếm.

Việc Quốc hội Ukraine thông qua thỏa thuận đánh dấu cái kết cho chuỗi quá trình đàm phán kéo dài nhiều tháng, bắt đầu từ tháng 2 khi văn phòng của ông Bessent lần đầu trình bày đề xuất này với Tổng thống Volodymyr Zelensky tại Kiev.

Theo thỏa thuận, hai quốc gia sẽ thành lập “Quỹ Đầu tư Tái thiết Mỹ – Ukraine” dưới hình thức đối tác hữu hạn.

Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Mỹ (DFC) sẽ quản lý quỹ từ phía Mỹ, trong khi Ukraine giám sát thông qua “Cơ quan Hỗ trợ Đối tác Công – Tư” (PPP Agency), với các chi tiết cụ thể sẽ được nêu trong một trong hai thỏa thuận bổ sung sắp tới.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, thỏa thuận khoáng sản quan trọng giữa Mỹ và Ukraine mới ký gần đây khó có thể mang lại lợi nhuận tài chính đáng kể trong ít nhất một thập niên tới, viện dẫn những thách thức lớn đối với đầu tư khai mỏ ở Ukraine, quốc gia đang bị chiến sự tàn phá.

Việc phát triển các mỏ khoáng sản thường mất 10 đến 20 năm ngay cả ở những quốc gia khai khoáng phát triển như Canada hay Australia, trong khi Ukraine phải đối mặt với những trở ngại lớn hơn nhiều.