Hà Nội: Bí thư xã phường mới ít nhất phải là phó bí thư quận huyện trở lên

Hà Nội: Bí thư xã phường mới ít nhất phải là phó bí thư quận huyện trở lên

bởi

trong

Sau khi sắp xếp, TP Hà Nội dự kiến còn 126 phường, xã, giảm 400 đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay.

Thành ủy Hà Nội vừa có hướng dẫn về sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã của thành phố.

Xây dựng đội ngũ cán bộ gắn với sản phẩm, kết quả công việc

Hà Nội sẽ hoàn thành việc sắp xếp, bố trí cán bộ trước ngày 1/7, đảm bảo tính liên tục trong lãnh đạo, điều hành và kế thừa đội ngũ cán bộ có năng lực từ cấp huyện, cấp xã trước sắp xếp. Cán bộ chủ chốt cấp xã, phường được bố trí đúng vị trí, đúng quy định, có phẩm chất, năng lực và triển vọng phát triển.

Thành phố thực hiện sàng lọc, tinh giản và điều động hợp lý theo đúng nguyên tắc “có vào có ra, có lên có xuống”, xây dựng đội ngũ cán bộ gắn với sản phẩm, kết quả công việc.

Hà Nội: Bí thư xã phường mới ít nhất phải là phó bí thư quận huyện trở lên

Một góc Hà Nội từ trên cao (Ảnh: CTV).

Hà Nội sẽ lấy cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp huyện hiện nay làm nòng cốt tại các xã, phường mới và thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cơ bản không là người địa phương (đẩy mạnh ở các chức danh khác).

Đồng thời, thành phố sẽ điều động cán bộ giữa các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn để đảm bảo tính liên thông, đồng bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ toàn thành phố.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ tăng cường luân chuyển, điều động cán bộ từ thành phố về cơ sở và ngược lại, nhất là các Thành ủy viên, quy hoạch Thành ủy viên tại các địa bàn trọng điểm.

Tăng cường cán bộ tại các sở, ban, ngành về cơ sở

Về định hướng xem xét, lựa chọn bố trí cán bộ, theo hướng dẫn của Thành ủy Hà Nội, đối với nguồn cán bộ ở quận, huyện, thị xã hiện nay, cán bộ được giới thiệu vào các chức danh phải cơ bản bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, đang giữ chức vụ hoặc được quy hoạch chức danh tương đương.

Về bố trí làm bí thư cấp ủy, Hà Nội hướng dẫn lựa chọn theo thứ tự ưu tiên: Các Thành ủy viên, các bí thư cấp huyện; các phó bí thư cấp huyện và tương đương; các ủy viên ban thường vụ cấp huyện; các phó chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện.

Hà Nội sẽ ưu tiên 4 nhóm cán bộ trên làm bí thư cấp ủy, sau đó mới xem xét đến các cán bộ ủy viên cấp huyện; trưởng các phòng, ban, cơ quan, đơn vị cấp huyện; bí thư cấp xã. Những cán bộ này phải có thành tích tiêu biểu, có năng lực nổi trội, có sản phẩm chất lượng, hiệu quả, trong đó ưu tiên cán bộ trẻ, cán bộ nữ.

Về bố trí làm phó bí thư cấp ủy, Hà Nội sẽ lựa chọn theo thứ tự ưu tiên: Các phó bí thư cấp huyện và tương đương; các ủy viên ban thường vụ cấp huyện; các phó chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện; các ủy viên cấp huyện, trưởng các phòng, ban, cơ quan, đơn vị cấp huyện, bí thư cấp xã.

Đối với các chức danh diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý (bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ, phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND), trường hợp dư cán bộ đủ điều kiện, tiêu chuẩn thì lập danh sách đề xuất để Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội điều phối chung toàn thành phố.

Bên cạnh đó, trường hợp thiếu nguồn cán bộ thì có thể đề xuất nhân sự khác cơ bản đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn, có năng lực nổi trội, thành tích xuất sắc hoặc đề nghị bổ sung cán bộ từ nơi khác để Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội xem xét, quyết định.

Hà Nội cho biết ngoài nguồn cán bộ ở quận, huyện thị xã hiện nay, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ xem xét, luân chuyển, điều động tăng cường cán bộ cơ bản đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện đang công tác tại các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thành phố về cơ sở.

Theo đó, thành phố sẽ bố trí làm bí thư cấp ủy, lựa chọn theo thứ tự ưu tiên: Cấp trưởng sở, ban, ngành thành phố và tương đương; cán bộ trong quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2025-2030.

Tiếp đó, thành phố sẽ ưu tiên cấp phó sở, ban, ngành thành phố và tương đương có năng lực nổi trội, có triển vọng phát triển, trong quy hoạch cấp trưởng, sở, ban, ngành thành phố và tương đương.

Hà Nội: Bí thư xã phường mới ít nhất phải là phó bí thư quận huyện trở lên - 2

Trụ sở HĐND – UBND TP Hà Nội (Ảnh: Hữu Nghị).

Bên cạnh đó, thành phố sẽ lựa chọn một số cán bộ có năng lực, phẩm chất, đạo đức, uy tín, tiêu biểu, có tư duy đổi mới, đột phá, sáng tạo, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để bố trí về các đơn vị hành chính (xã mới) trọng điểm.

Thành phố cũng bố trí làm phó bí thư cấp ủy, lựa theo thứ tự ưu tiên: Cấp phó sở, ban, ngành thành phố và tương đương; trưởng phòng trong quy hoạch cấp trưởng, cấp phó sở, ban, ngành thành phố và tương đương, có năng lực nổi trội, có triển vọng phát triển.

Bí thư, phó bí thư, chủ tịch xã, phường mới phải đáp ứng thêm những tiêu chuẩn riêng

Ngoài việc bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung, Hà Nội còn quy định thêm các tiêu chuẩn cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ và chức danh lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã, phường mới.

Với cấp ủy viên, Hà Nội nêu rõ, là các cán bộ tiêu biểu của Đảng bộ về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực công tác.

Có ý thức, trách nhiệm, kiến thức, để tham gia xây dựng các chủ trương, định hướng công tác và sự lãnh đạo, chỉ đạo tập thể của cấp ủy; có năng lực cụ thể hóa và chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối của Trung ương và các chủ trương, nghị quyết của thành phố trong lĩnh vực công tác được phân công phụ trách; đoàn kết, phát huy được sức mạnh tổng hợp của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Với ủy viên ban thường vụ cấp ủy, thành phố yêu cầu, đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn của ủy viên ban chấp hành Đảng bộ, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực tiêu biểu về đạo đức, trí tuệ, có uy tín cao, là hạt nhân đoàn kết trong ban chấp hành, ban thường vụ và Đảng bộ.

Có trình độ, kiến thức toàn diện, nắm chắc tình hình chung của Đảng bộ và của thành phố. Am hiểu về công tác xây dựng Đảng, có năng lực cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào lĩnh vực được phân công phụ trách và lãnh đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả ở đảng bộ.

Có năng lực phát hiện, đề xuất những vấn đề thực tiễn đặt ra liên quan đến hoạt động của đảng bộ, của đơn vị để ban thường vụ cấp ủy thảo luận, quyết định hoặc đề xuất với Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy và cơ quan, tổ chức liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm cho địa phương, cơ quan, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chính trị và phát triển.

Nói chung, Hà Nội quy định yêu cầu, đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ ủy viên ban chấp hành Đảng bộ hoặc tương đương trở lên.

Hà Nội: Bí thư xã phường mới ít nhất phải là phó bí thư quận huyện trở lên - 3

Một góc Hà Nội từ trên cao (Ảnh: CTV).

Tiêu chuẩn bí thư cấp ủy, thành phố nêu rõ, nhân sự phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn của ủy viên ban thường vụ cấp ủy, đồng thời cần có những phẩm chất, năng lực như tiêu biểu nhất trong ban chấp hành Đảng bộ về bản lĩnh chính trị, đạo đức, trí tuệ, có uy tín cao, là hạt nhân đoàn kết trong ban chấp hành, ban thường vụ và Đảng bộ, không cục bộ địa phương và lợi ích nhóm.

Có trình độ, kiến thức về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Am hiểu về công tác xây dựng Đảng, công tác vận động quần chúng và hoạt động của hệ thống chính trị.

Có quyết tâm chính trị cao, quyết đoán, quyết liệt để quyết định xử lý những vấn đề khó, phức tạp; có năng lực cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nghị quyết, quyết định, chính sách… của thành phố vào việc định hướng xây dựng, phát triển và lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện có hiệu quả ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Có năng lực chỉ đạo tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, phát hiện và đề xuất với thành phố những chủ trương, cơ chế, chính sách và giải quyết những vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn địa phương, cơ quan, đơn vị.

Nói chung, đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ phó bí thư cấp ủy hoặc tương đương trở lên.

Tiêu chuẩn phó bí thư cấp ủy, Hà Nội quy định, nhân sự phải am hiểu sâu về công tác xây dựng Đảng, công tác vận động quần chúng, hoạt động của hệ thống chính trị.

Có uy tín trong đảng bộ; có khả năng quy tụ và tập hợp sự đoàn kết; năng lực chỉ đạo cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo các nghị quyết của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ và của cấp ủy thành các chương trình, kế hoạch công tác và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Có năng lực chỉ đạo, điều hành hoạt động của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy; kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác của cấp ủy và đề xuất các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp với cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, bí thư cấp ủy để lãnh đạo, chỉ đạo.

Nói chung, đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ Ủy viên ban thường vụ cấp ủy hoặc tương đương trở lên.

Tiêu chuẩn chủ tịch UBND xã, phường, Hà Nội áp dụng tiêu chuẩn của phó bí thư cấp ủy, trong đó nhấn mạnh thêm một số tiêu chuẩn như có trình độ, kiến thức toàn diện về pháp luật và quản lý hành chính Nhà nước; am hiểu về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng của địa phương và của thành phố.

Có năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của cấp ủy, HĐND thành chương trình, kế hoạch của UBND và chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Có năng lực toàn diện về tổ chức, quản lý, chỉ đạo, điều hành; quyết đoán, quyết liệt, kịp thời để quyết định những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến quản lý Nhà nước ở địa phương; có năng lực lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết thực tiễn, đề xuất với cấp có thẩm quyền ban hành các thể chế, cơ chế, chính sách phát triển địa phương.