‘Đuổi học là biện pháp thất bại của ngành giáo dục đối với học sinh’

‘Đuổi học là biện pháp thất bại của ngành giáo dục đối với học sinh’

bởi

trong

Như Thanh Niên đã thông tin, Bộ GD-ĐT vừa đăng tải, lấy ý kiến về dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh (HS), trong đó bãi bỏ hình thức kỷ luật nặng nề nhất là đuổi học với HS vi phạm.

‘Đuổi học là biện pháp thất bại của ngành giáo dục đối với học sinh’

Giáo dục tích cực là bằng sự cảm thông, tình yêu thương, lòng bao dung

Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Thông tư 08/TT của Bộ GD-ĐT hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật HS các trường phổ thông từ cách đây gần 40 năm (1988), hiện đang còn hiệu lực, có 5 hình thức kỷ luật với HS tùy theo mức độ vi phạm, gồm khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học 1 tuần và đuổi học 1 năm.

Dự thảo thông tư mới sửa đổi hoàn toàn, chỉ còn 3 hình thức kỷ luật, gồm: nhắc nhở, phê bình và yêu cầu viết bản tự kiểm điểm; không còn hình thức kỷ luật phê bình trước lớp, trước toàn trường khi HS mắc lỗi (tùy theo mức độ) và hình thức kỷ luật đuổi học.

Đối với HS tiểu học, dự thảo quy định 2 biện pháp kỷ luật là nhắc nhở và yêu cầu xin lỗi. Các biện pháp kỷ luật đối với HS tiểu học không lưu hồ sơ và học bạ của HS.

Dự thảo quy định các hình thức khen thưởng gồm tuyên dương trước lớp, tuyên dương trước toàn trường, giấy khen của hiệu trưởng và thư khen. Song song đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể thực hiện hình thức tuyên dương, khen thưởng khác phù hợp nhằm động viên, nêu gương kịp thời đối với HS trong học tập, rèn luyện.

Thông tư mới khi được ban hành sẽ thay thế Thông tư 08 nói trên.

Đuổi học thì các em đi về đâu ?

“Tôi tán đồng việc bỏ hình thức kỷ luật đuổi học đối với HS vi phạm. Vì sao? Vì đuổi học là biện pháp thất bại nhất của ngành GD-ĐT đối với HS của mình. Có ai làm thống kê xem các HS đã bị đuổi học hiện nay sống ra sao không? Nhiều em đi học nghề, nếu còn được gia đình quan tâm. Em nào cha mẹ có nghề thì còn đỡ, cứ theo nghề cha mẹ. Có em thì làm bừa một việc gì đó để sống qua ngày… Khi cánh cửa trường học đóng sập, thì cánh cửa nào mở ra với các em, ai dắt các em đi trong khi các em còn quá nhỏ để vào đời?”, bạn đọc (BĐ) Thai Hoc bày tỏ.

Cùng ý kiến, nói về những HS đánh bạn, BĐ Tho Nguyen đề nghị: “Đuổi học 1 năm thì có tác dụng gì? Nên cho các em được học. Hình phạt bổ sung là ngoài giờ học phải đến chăm sóc người bị các em đánh…”.

BĐ Lê Duy thì cho rằng: “Không nên đuổi học mà nên có những trường học đặc biệt dành cho HS cá biệt. Giáo viên những trường này nên là những chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý giáo dục, đặc biệt là các chuyên gia tâm huyết…”.

Trong khi đó, BĐ Daohuunhat lại có góc nhìn hơi khác: “Có thể không đuổi học mới là hình thức kỷ luật nặng nhất đối với các HS cá biệt. Theo tôi, nên kỷ luật bằng hình thức bắt buộc đi học nhiều hơn, nhất là học đạo đức, học kỹ năng mềm, học kiềm chế cảm xúc…”.

Cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội

Cũng có không ít ý kiến cho rằng hiện nay tình trạng bạo lực học đường rất đáng lo ngại, nếu không áp dụng hình thức kỷ luật nặng như đuổi học, thay vào đó là “nhắc nhở, phê bình và yêu cầu viết bản tự kiểm điểm” thì có làm giảm bớt bạo lực học đường không ?

BĐ 69A Cà Mau bức xúc: “Nhìn chung, các biện pháp kỷ luật, các quy định như hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe nên bạo lực học đường thường xuyên xảy ra và ngày càng nghiêm trọng. Có em biết chắc là bị kỷ luật nhưng vẫn cố tình hành hung bạn. Nếu không xử lý nghiêm, bạo lực học đường sẽ ngày càng nghiêm trọng”. 

BĐ Hoàng cũng cho rằng: “Tôi nghĩ nên đưa cả pháp luật vào cuộc khi các em vi phạm ở mức độ nghiêm trọng như: đánh nhau, xâm hại thân thể tinh thần người khác… chứ không nên bỏ qua chỉ đến mức kiểm điểm”.

BĐ Luu Binh chia sẻ: “Cần cân nhắc kỹ. Thông cảm với một HS cá biệt mà vô tình làm hại nhiều HS hiền lành thì sự nhân đạo đó có đáng không? Khi còn là HS, tôi từng chứng kiến nhiều HS hiền lành phải bỏ học vì những HS cá biệt”.

“Cái đích của chúng ta là giáo dục các em trở thành người tốt. Công việc này đầy khó khăn, đòi hỏi gia đình, nhà trường và xã hội cùng chung tay với tình yêu thương và trách nhiệm lớn lao. Và yếu tố rất quan trọng là sự nỗ lực của bản thân các em. Tôi nghĩ các trường rất cần có những thầy cô là chuyên gia tâm lý để “làm bạn”, để lắng nghe, tư vấn, khơi dậy các em sống tốt. Những thầy cô này sẽ phối hợp với phụ huynh, một cách kín đáo, tế nhị mà hiệu quả trong việc giáo dục các em”, BĐ Ý Nhi ý kiến.

Không tự dưng có những học sinh cá biệt. Cần xem lại nền tảng giáo dục của cả gia đình, nhà trường và xã hội.

Hải Trung

Theo tôi những HS bạo lực học đường cần đưa vào trung tâm giáo dưỡng để giáo dục nghiêm khắc thì mới có khả năng giảm được tình trạng bạo lực học đường.

Danh Lê