Vợ chồng gốc Việt bán hết nhà cửa, đưa con sống đời du mục

Vợ chồng gốc Việt bán hết nhà cửa, đưa con sống đời du mục

bởi

trong

MỹChiều tháng 4, vợ chồng Vũ và ba con dắt nhau qua Devil’s Bridge, vòm sa thạch tự nhiên giống như chiếc võng căng giữa vách đá ở Arizona.

Để đến được đây, họ đã đi bộ hơn 3 km. Vũ địu con út một tuổi, còn hai con Zoey (9 tuổi) và Evee (6 tuổi) tung tăng dẫn đầu. Sau hai tiếng Devil’s Bridge (Cầu Quỷ) hiện trước mặt, dưới là vực thẳm, xa là núi đỏ trùng điệp trong hoàng hôn. Dù tim thắt lại vì sợ, cặp vợ chồng nắm tay các con cùng đi qua cây cầu và chụp ảnh kỷ niệm.

“Đây là lý do vì sao chúng tôi chọn cuộc sống này”, Vũ, 34 tuổi, nói. “Vợ chồng, con cái được ở bên nhau khám phá thế giới, không áp lực hóa đơn, deadline hay tiếng chuông báo thức”.





Vợ chồng gốc Việt bán hết nhà cửa, đưa con sống đời du mục

Vợ chồng Vũ – Ngọc và con gái một tuổi trước Devil’s Bridge, ở Arizona tháng 4/2025. Ảnh: Cuộc sống di động

Trước đây, Vũ định nghĩa cuộc đời là không ngừng lên những nấc thang mới. Anh làm trong ngành ôtô, thu nhập mỗi tháng từ 20.000 đến 30.000 USD. Năm 2019, vợ chồng anh đã tự mua được ngôi nhà 300 m2 và ba chiếc xe.

Nhưng đổi lại mỗi ngày anh mất hai tiếng chen chúc trên đường, đêm về ăn bữa cơm muộn trong khi vợ con đã say giấc. Ngay cả ngày cưới hay hai lần vợ sinh, anh cũng chỉ được nghỉ một ngày.

“Tôi nhận ra mình đã cố gắng để công ty thành công mà không giúp gia đình thành công”, Vũ nói.

Đại dịch Covid ập đến, Vũ bắt đầu nghĩ nhiều hơn về cuộc sống mà vợ mình mơ ước bấy lâu nay. Ngọc hay nói ước sống ở một ngôi nhà nhỏ với vườn rau, vợ chồng, con cái quây quần.

Tháng 5/2022, Vũ quyết định nghỉ việc, Ngọc đóng cửa tiệm nail. Họ bán nhà và đồ đạc, gói cuộc sống vào ba chiếc vali. Cặp vợ chồng chỉ nghĩ “bây giờ đang có cơ hội thì đi, lúc hết tiền thì dừng”.

Bỏ qua những can ngăn và hoài nghi, họ bắt đầu cuộc sống du mục, chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên. Vũ sinh ở Kiên Giang, sang Mỹ khi 5 tuổi; Ngọc rời Đồng Nai khi 9 tuổi. Họ muốn nhân cơ hội này để cả nhà hiểu thêm về nguồn cội.

Từ miền Tây nắng gió thăm họ hàng, cả nhà xuôi ngược Bắc – Nam, rồi dừng chân lâu nhất ở Đà Lạt. Bước chân họ gần như đã đi mọi nẻo Việt Nam. Hai cô bé Zoey và Evee dễ dàng kết bạn và học tiếng Việt.

Sau 6 tháng họ trở về Mỹ, nhưng không lâu sau trở về thêm một lần nữa. Nỗi nhớ Tết, nhớ đồ ăn Việt của Ngọc khi mang bầu lần ba đã kéo họ quay lại.

“Sau những chuyến này chúng tôi nhận ra sống mơ ước không đắt đỏ như từng nghĩ”, Ngọc chia sẻ.





Gia đình trong lần đầu sống ở Việt Nam năm 2022. Ảnh: Gia đình cung cấp

Gia đình trong lần đầu sống ở Việt Nam năm 2022. Ảnh: Gia đình cung cấp

Trở lại Mỹ, họ mua một nhà xe di động (RV) dài 6 mét, sau một thời gian chuyển sang RV 10 mét. Cuối năm ngoái, họ nâng cấp lên chiếc RV dài 13 mét, trị giá 100.000 USD cho gia đình 5 người và một chú chó sống tiện nghi hơn.

Người Mỹ có một hệ sinh thái dành riêng cho những người sống di động. Với 8.000 USD, gia đình Vũ mua quyền thành viên trọn đời của một mạng lưới có hơn 200 khu cắm trại khắp nước Mỹ và Canada. Thêm 700 USD mỗi năm, họ được dừng chân tối đa ba tuần ở mỗi điểm. Những nơi này có bảo vệ, hồ bơi, sân bóng, trạm sạc, trạm xả rác, còn là những ngôi làng nhỏ để dân du mục gặp gỡ.

Họ còn đăng ký thêm một gói khác cho phép đậu chiếc RV tại các trang trại, vườn nho, nhà dân với chỉ 100 USD mỗi năm. Nhiều lần, cả nhà dừng xe ở cánh đồng nho chín mọng, học cách lên men và nhâm nhi rượu vang cùng chủ vườn.

Theo báo cáo Cắm trại Bắc Mỹ, đến năm 2020 đã có 13 triệu hộ sở hữu RV, trong đó 22% là người trẻ từ 18 đến 34 tuổi. Các con số này tiếp tục tăng sau đại dịch.

Sống trên đường, Ngọc làm đại lý du lịch từ xa. Vũ đa năng hơn, vừa đầu tư tài chính, vừa làm các việc chân tay. Hai bé Zoey và Evee không đến trường mà học chương trình online, bài vở nộp qua mạng. Đang ở tuổi có “10 vạn câu hỏi vì sao”, hai em luôn có bố ở bên giải đáp tất cả.

Giữa năm 2024, bé thứ ba chào đời. Lần này, Vũ được toàn thời gian chăm sóc vợ con. Con tròn một tháng, gia đình lại tiếp tục hành trình di chuyển. Em bé lớn lên từng ngày trên hành trình qua cái nắng miền Nam tới lạnh giá phương Bắc.

Trên hành trình chưa có điểm dừng, họ làm quen, kết bạn với nhiều gia đình không hộ khẩu. Có nhà chở theo năm con trai, chồng làm IT, chỉ cần gõ bàn phím ba tiếng mỗi ngày là kiếm 100.000 USD một năm, dư dả sống đời mơ ước. Một nhà khác có người chồng là kỹ sư dầu mỏ, cứ hai tuần bay tới chỗ làm, hai tuần về nhà. Thu nhập nghề này cao, nhưng thứ họ chọn không phải biệt thự, xe sang, mà là một tuổi thơ rong chơi cho ba đứa con.

Bốn tháng trước, gia đình gốc Việt này cùng với hai nhà quen trên đường đã dựng trại trên biển hoang sơ không điện hay nước sạch. Hai ngày hai đêm, 10 đứa trẻ nô đùa với cát, người lớn trò chuyện quanh bếp lửa.

“Một trong những thú vị của cuộc sống du mục là liên tục được gặp gỡ, kết giao và lắng nghe các câu chuyện thú vị của người xung quanh”, bà mẹ ba con nói.





Gia đình Vũ cắm trại với các gia đình sống di động khác trên bờ biển, tháng 3/2025. Ảnh: Cuộc sống di động

Gia đình Vũ cắm trại với các gia đình sống di động khác trên bờ biển, tháng 3/2025. Ảnh: Cuộc sống di động

Hành trình không tránh được những rắc rối. Một trong những nỗi sợ nhất là hỏng xe, rất may Vũ đã tự học nghề để sửa chữa. Nhưng một lần khi đang từ Canada tới Alaska, xe của họ hết xăng giữa đoạn đường 200 km không có trạm, phải chôn chân giữa rừng suốt ba tiếng, trước khi có người qua đường giúp đỡ.

“Các con từng ngã giữa rừng, trầy xước khi leo núi nhưng vết thương nào rồi cũng lành. Điều còn lại là bản lĩnh và những bài học không sách vở nào dạy được”, Vũ nói.

Cuối tuần qua, gia đình đã đặt chân tới California, bang thứ 32 trên hành trình. Đây là lần đầu tiên được khám phá bang có đông người Việt nhất Mỹ nên cả nhà cho biết đang vô cùng háo hức.

“Dự định của chúng tôi là đi hết 50 bang, sau đó tiếp tục khám phá những nơi khác trên thế giới”, cặp vợ chồng gốc Việt nói.

Khi được hỏi ước mơ, cô bé Zoey nói: “Mai mốt con lớn lên, con sẽ mua một cái nhà di động, chạy theo sau ba má”. Còn bé Evee thì hay hỏi: “Tối nay mình ngủ gần núi hay gần biển hả ba?”. Trên chiếc xe đang lăn bánh, cặp vợ chồng phì cười, thấy mình thật sự có nhà ở mọi nơi.

Phan Dương