Mùa mưa, lo chuyện ngập

Mùa mưa, lo chuyện ngập

bởi

trong
Mùa mưa, lo chuyện ngập

Mưa lớn làm ngập đường Đặng Thùy Trâm (quận Bình Thạnh, TP.HCM) vào sáng 10-5 – Ảnh: CHÂU TUẤN

Dự báo mùa mưa năm nay sẽ kéo dài hơn và lượng mưa cũng cao hơn trung bình nhiều năm. Công tác dự báo cùng với tiến độ các dự án chống ngập ra sao?

Mùa mưa năm nay mưa nhiều hơn

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ cho biết mùa mưa miền Nam năm nay sẽ mưa nhiều hơn. Dự báo tháng 5 tổng lượng mưa tháng cao hơn trung bình nhiều năm 10 – 20%, số ngày mưa khoảng 15 – 20 ngày.

Tháng 6 tổng lượng mưa xấp xỉ trung bình nhiều năm, số ngày mưa 15 – 20 ngày.

Tháng 7 tổng lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm 10 – 15%, số ngày mưa khá nhiều có thể lên đến 18 – 23 ngày. Từ tháng 8 đến tháng 10, tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm 10 – 12%. Cao điểm mùa mưa rơi vào tháng 7, 9, 10.

Hiện tại vẫn đang trong giai đoạn chuyển mùa, các tỉnh thành lần lượt vào mùa mưa nên những trận mưa giai đoạn này sẽ còn phức tạp.

Mưa đầu mùa thông thường sẽ diễn ra nhanh, cường độ mạnh, lượng mưa lớn. Hiện tượng này cũng sẽ bắt gặp vào thời điểm giao mùa giữa mùa mưa và mùa khô.

Từ nay đến 10-6, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định tổng lượng mưa tại Nam Bộ có khả năng cao hơn 5 – 25% so với trung bình nhiều năm. Như vậy sẽ còn xảy ra những đợt mưa lớn.

ngập - Ảnh 2.

Đường Đặng Thùy Trâm (quận Bình Thạnh, TP.HCM) ngập trong cơn mưa ngày 10-5 – Ảnh: CHÂU TUẤN

Hàng loạt dự án chống ngập, nhưng đều dang dở

Theo kế hoạch thực hiện chương trình chống ngập và xử lý nước thải của TP.HCM giai đoạn 2024 – 2025, TP.HCM còn 13 điểm ngập do mưa.

Hiện nay TP.HCM đang chuẩn bị khởi công 3 dự án tại quận Gò Vấp gồm: cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ; cải tạo hệ thống thoát nước đường Quang Trung (từ đường Phạm Văn Chiêu đến cầu Chợ Cầu); cải tạo hệ thống thoát nước đường Lê Đức Thọ (từ đường Phạm Văn Chiêu đến Cầu Cụt).

Đồng thời chuẩn bị đầu tư cho 7 dự án gồm: cải tạo hệ thống thoát nước đường Thảo Điền – Quốc Hương – Xuân Thủy – Nguyễn Văn Hưởng và cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức; nạo vét trục thoát nước rạch bà Lớn; nạo vét cải tạo rạch Bàu Trâu; cải tạo hệ thống thoát nước đường Bạch Đằng; cải tạo hệ thống thoát nước quốc lộ 1 và xây dựng hệ thống thoát nước đường Phan Anh.

Còn giải quyết ngập do triều cường sẽ giải quyết ngập cho khu vực quận 7, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh bằng việc hoàn thành dự án giải quyết ngập do triều có xét đến biến đổi khí hậu (giai đoạn 1 – dự án ngăn triều 10.000 tỉ đồng).

Giải quyết ngập cho tuyến đường Nguyễn Văn Hưởng (TP Thủ Đức) qua việc hoàn thành dự án bờ tả sông Sài Gòn (từ rạch Cầu Ngang đến khu đô thị mới Thủ Thiêm). Bên cạnh các dự án nhỏ thì TP.HCM cũng có nhiều dự án chống ngập kết hợp chỉnh trang đô thị đang làm và sắp triển khai.

Có 2 dự án sẽ hoàn thành năm 2025 gồm dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn) và dự án nạo vét trục thoát nước rạch Xóm Củi. Hai dự án này đều do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư.

Dự án kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên đang thi công đồng loạt 10/10 gói thầu, phấn đấu thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào năm 2025.

Với dự án nạo vét trục thoát nước rạch Xóm Củi, chủ đầu tư đang phối hợp với UBND huyện Bình Chánh đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng để hoàn thành xây lắp trong năm 2025.

Ngoài ra, sáng 10-5, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM cũng đã khởi công dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm kéo dài từ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, qua quận Bình Thạnh và Gò Vấp.

Đây là một trong những công trình trọng điểm của TP.HCM, được kỳ vọng giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập nước và cải thiện diện mạo đô thị dọc tuyến rạch Xuyên Tâm, được người dân mong chờ 20 năm qua.

Còn dự án nạo vét, xây dựng hạ tầng, cải tạo môi trường bờ bắc kênh Đôi ở quận 8 có tổng mức đầu tư 7.300 tỉ đồng dự kiến sẽ khởi công vào đầu tháng 9 năm nay.

Nhưng tất cả các dự án đó đều đang ở trong tình trạng “chuẩn bị” và “sẽ”, trong khi mùa mưa đã về với các điểm ngập nặng như trận mưa sáng 10-5.

ngập - Ảnh 3.

Tỉnh lộ 43 (khu vực Gò Dưa, TP Thủ Đức) bị ngập hơn nửa mét trong cơn mưa ngày 10-5 – Ảnh: CHÂU TUẤN

Sáp nhập địa phương có ảnh hưởng các dự án?

Hiện tại có những dự án chống ngập thuộc các địa phương thực hiện, như vậy trong bối cảnh sáp nhập sắp tới, liệu các dự án này có bị ảnh hưởng chậm tiến độ hay không?

Đơn cử như dự án “điểm nóng” ngập nước như chợ Thủ Đức, một trận mưa lớn sáng 10-5 với lượng mưa đo được hơn 200mm đã khiến nhiều tuyến đường tại đây ngập sâu, giao thông tê liệt, người dân khốn đốn dắt bộ xe chết máy giữa dòng nước đen ngòm.

TP Thủ Đức có khoảng 700 tuyến cống, mương thoát nước dài gần 492km. Tuy nhiên phần lớn hệ thống này được đầu tư từ nhiều năm trước, nhiều đoạn đã xuống cấp, hư hỏng hoặc không còn phù hợp với nhu cầu thoát nước của một nơi đang phát triển về đô thị khá nhanh.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, TP Thủ Đức hiện đã và đang làm các dự án trọng điểm để khắc phục tình trạng ngập úng kéo dài, đặc biệt tại các khu vực trũng như chợ Thủ Đức, đường Kha Vạn Cân, Dương Văn Cam…

Trong đó có thể kể đến các dự án cải tạo hệ thống thoát nước tại các tuyến đường Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Hồ Văn Tư với tổng mức đầu tư khoảng 70 tỉ đồng.

Dự án xây mới cống rạch Cầu Ngang trên đường Kha Vạn Cân cũng đang được khẩn trương hoàn thiện với số vốn đầu tư hơn 27 tỉ đồng. Một đề án quy mô lớn và được xem là căn cơ bậc nhất là cải tạo rạch Thủ Đức với tổng kinh phí lên đến hơn 4.400 tỉ đồng. Bên cạnh đó, TP Thủ Đức đang kiến nghị UBND TP.HCM xem xét cơ chế đầu tư các hồ điều tiết nhỏ tại những khu vực ngập cục bộ để giảm áp lực lên hệ thống thoát nước chính.

Theo đại diện UBND TP Thủ Đức, việc sáp nhập đơn vị hành chính khi thực hiện sẽ không làm gián đoạn các dự án đã được phê duyệt.

Tất cả các công trình đều nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, được phân bổ vốn và quản lý theo tiến độ cụ thể. Khi có thay đổi hành chính, trách nhiệm chỉ được chuyển giao về mặt quản lý chứ không làm chậm tiến độ.

Tương tự, đại diện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực TP Thủ Đức cho biết: “Tinh thần chung của mọi người là luôn làm đúng nhiệm vụ, phạm vi quản lý cho đến khi có chủ trương rõ về chức năng công việc sau khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính.

Hiện đơn vị đang tiếp tục làm một số dự án cải tạo thoát nước do UBND TP Thủ Đức giao trước đó, đơn cử mới đây là khởi công nâng cấp đường 38 phường Hiệp Bình Chánh”.

Mưa 200mm sao ngập cả mét?

Ông Lê Đình Quyết (Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ và Tây Nguyên) có những lý giải về lượng mưa để người dân hiểu rõ hơn. Mưa lớn là mưa với tổng lượng mưa đạt trên 50mm trong 24 giờ.

Trong đó mưa với tổng lượng mưa từ trên 50mm đến 100mm trong 24 giờ là mưa to, mưa với tổng lượng mưa trên 100mm trong 24 giờ là mưa rất to. Vậy trận mưa có lượng 50mm, 100mm hay 200mm nghĩa là gì?

Ông Quyết phân tích tổng lượng mưa là tổng lượng nước mưa đo được tại một địa điểm cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định.

Nó thường được biểu thị bằng chiều cao lớp nước tích lũy trên một bề mặt phẳng, không thấm nước nếu toàn bộ lượng mưa đó không bị chảy tràn, thấm xuống đất hoặc bốc hơi. Đơn vị đo phổ biến ở nước ta là mm.

“Chắc chắn rằng trên tổng diện tích có mưa không phải là đất trống. Giả sử 50% diện tích TP.HCM là mái che, như vậy khi mưa xuống thì chỉ một nửa diện tích TP có lượng nước tích lại.

Khi đó bề dày lớp nước là 10cm, phần đất trống nhận mưa từ phần mái che tràn qua. Nước mưa còn theo nguyên lý luôn tìm về nơi trũng hơn. Do đó giả sử vùng đất, đoạn đường thấp hơn xung quanh 20cm, khi đó bề dày lớp nước mưa sẽ là 30cm.

Vậy giả sử với lượng mưa 200mm đổ xuống diện tích 10km2, trong đó chỉ có 5km2 là đất trống, thì có nghĩa 5km2 này hứng lượng nước tích lũy 40cm. Chưa tính trong phần đất trống đó có vùng trũng hơn thì lại cộng dồn thêm nước của phần trũng”, ông Quyết nói.

Ngoài ra chưa kể thêm một số điều kiện khác như khả năng thoát nước của cống rãnh, triều cường, rác chặn dòng chảy thì ngập càng nặng hơn.

18 tuyến đường bị ngập ở TP.HCM

– Ngập do mưa (13 tuyến đường): Phan Anh, Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm), Hồ Học Lãm, quốc lộ 1, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Bạch Đằng, Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng.

– Ngập do triều cường (5 tuyến đường): Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn, Lê Văn Lương, Đào Sư Tích, quốc lộ 50.

Nhìn lại toàn bộ hệ thống thoát nước

Theo một số chuyên gia, việc sáp nhập đơn vị hành chính sẽ mở thêm cơ hội để TP nhìn lại toàn bộ hệ thống thoát nước và phân vùng ngập, từ đó điều chỉnh quy hoạch một cách hợp lý hơn.

Ông Đặng Tấn Hải, trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Bình Thạnh, cho biết địa phương đang đẩy nhanh tiến độ làm các dự án chống ngập, cải tạo đường thoát nước như đường Chu Văn An, dự án đường Đặng Thùy Trâm (quận Bình Thạnh).

“Hiện nay các công việc đang được làm ráo riết với tinh thần chung là sớm hoàn thành để người dân đi lại tốt hơn. Các nhiệm vụ và phạm vi làm của ban cũng tiếp tục làm cho đến khi có chủ trương sáp nhập, sắp xếp cụ thể”, ông Hải cho hay.

ngập - Ảnh 4.

Nhà dân hẻm 789 tỉnh lộ 43 (TP Thủ Đức) mênh mông nước vào ngày 10-5 – Ảnh: CHÂU TUẤN

Đừng để dân lo “đến mùa mưa lại ngập”

Mỗi khi mùa mưa đến, người dân TP.HCM lại đối mặt với nỗi ám ảnh “ngập lụt”. Dù là đô thị lớn nhất Việt Nam, đầu tàu kinh tế của cả nước, TP vẫn chưa thể giải quyết triệt để tình trạng ngập nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, giao thông và kinh tế.

Những hình ảnh xe chết máy, người lội nước trên nhiều tuyến đường đã trở thành quen thuộc, nhất là sau những cơn mưa lớn như ngày 10-5 vừa qua, dù mới bắt đầu mùa mưa, khiến người dân không khỏi lo lắng.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, bài toán chống ngập tại TP.HCM đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, bền vững và sát thực tiễn.

Để giải quyết triệt để vấn đề ngập lụt, TP.HCM cần triển khai các giải pháp đồng bộ, kết hợp giữa cải tạo hạ tầng, ứng dụng công nghệ, nâng cao ý thức cộng đồng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Dựa trên thực tiễn của TP hiện nay, xin đề xuất một số giải pháp cụ thể.

Trước hết, TP.HCM cần triển khai có hiệu quả các dự án cải tạo hệ thống thoát nước, bao gồm việc xây dựng các cống hộp lớn, lắp đặt hệ thống van ngăn triều và bơm thoát nước tự động.

TP cần tăng cường bảo trì hệ thống cống rãnh, sử dụng công nghệ như robot hút bùn hoặc camera giám sát để phát hiện và xử lý tắc nghẽn kịp thời. Đồng thời, cần đầu tư vào các hồ điều tiết nước mưa để giảm áp lực cho hệ thống cống khi mưa lớn.

Bên cạnh đó, về lâu dài, TP.HCM cần quy hoạch đô thị theo hướng bền vững, ưu tiên bảo tồn các khu vực thấm nước tự nhiên như công viên, hồ điều hòa và kênh rạch.

TP cần quy định rõ khi xây dựng các khu đô thị mới phải có hệ thống thoát nước riêng và hồ chứa nước mưa.

Ngoài ra, cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép xây dựng tại các khu vực trũng thấp, đồng thời khôi phục các kênh rạch bị lấn chiếm để tăng khả năng thoát nước tự nhiên.

TP.HCM cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý đô thị, bao gồm cả công tác chống ngập lụt.

Trong đó, các cơ quan thực hiện nhiệm vụ này cần tích hợp dữ liệu từ các cảm biến mực nước và camera giám sát để dự báo và cảnh báo ngập lụt.

Nên mở rộng ứng dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý) để lập bản đồ ngập lụt, từ đó xác định các khu vực cần ưu tiên đầu tư.

Ngoài ra, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để dự báo thời tiết và mô phỏng dòng chảy sẽ hỗ trợ lập kế hoạch chống ngập hiệu quả hơn.

Giải pháp rất quan trọng là phải nâng cao ý thức của người dân trong phòng chống ngập và xem đây là giải pháp cần được ưu tiên.

Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch, xanh và thân thiện môi trường” được triển khai từ năm 2018 cần được tổ chức thực hiện và giám sát chặt chẽ với các đợt tuyên truyền rộng rãi, ban hành các hình thức chế tài phù hợp.

Đồng thời cần khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn, không xả rác xuống cống và kênh rạch, đẩy mạnh tái chế rác gắn với các hoạt động tình nguyện tham gia dọn rác trên địa bàn dân cư để hạn chế ngập lụt và tác động trực tiếp đến ý thức của người dân.

Về lâu dài, để đối phó với triều cường và mưa lớn do biến đổi khí hậu, TP.HCM cần đầu tư vào các công trình ngăn triều, như hệ thống đê bao và cống kiểm soát triều cường.

TP cũng nên học hỏi các mô hình về hệ thống kênh ngầm chống ngập tại các quốc gia tiên tiến và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này để xây dựng các bể chứa nước mưa ngầm tại các khu vực trung tâm.

Trịnh Minh Giang