
Tôi là đồng sáng lập một ứng dụng về sức khỏe, sử dụng AI phát hiện các bất thường trên da mặt. Dự án ra đời được gần hai năm, phát triển được một số giải pháp đột phá và được đánh giá có tiềm năng phát triển toàn cầu. Hiện nay, khoảng 10% người dùng tự nhiên của ứng dụng đến từ người dùng nước ngoài và chúng tôi muốn phát triển mảng thị trường này.
Tuy nhiên tôi gặp một số vấn đề:
– Chúng tôi muốn sử dụng hạ tầng lưu trữ ở Việt Nam, để dữ liệu của người Việt, và sau này có thể là người dùng nước ngoài, sẽ được lưu trữ trong nước. Nhưng lo ngại, nếu mô hình của sản phẩm đủ lớn, các nhà cung cấp hạ tầng trong nước, cũng là các tập đoàn công nghệ lớn, thấy tiềm năng và có thể “nuốt chửng” chúng tôi không?
– Để kiếm doanh thu từ nước ngoài, chúng tôi mong được tích hợp các cổng thanh toán như Visa, PayPal hay Stripe, lên ứng dụng, nhưng việc xin giấy phép này khá phức tạp và tốn kém (“cò” báo phải mất 30-50 triệu mới xong được). Việc này khiến chúng tôi dự định có thể phải đưa startup sang Singapore để triển khai nhanh hơn.
– Các ứng dụng hỗ trợ chăm sóc sức khoẻ có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng lĩnh vực này còn đứng trước nhiều lo ngại, do liên quan đến sức khoẻ. Bộ sẽ có chính sách, chương trình truyền thông gì để hỗ trợ các dự án trong lĩnh vực này trong thời gian tới.
Trả lời:
Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) trân trọng cảm ơn những chia sẻ về khó khăn, băn khoăn và đề xuất liên quan đến quá trình phát triển ứng dụng công nghệ AI trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Bộ KH&CN đánh giá cao nỗ lực của các startup công nghệ trong việc góp phần xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Liên quan đến các nội dung kiến nghị, Bộ xin được phản hồi như sau:
1. Vấn đề bảo vệ mô hình kinh doanh khi sử dụng hạ tầng lưu trữ trong nước: Bộ KH&CN ghi nhận lo ngại về việc các nhà cung cấp hạ tầng lớn trong nước có thể tận dụng vị thế để cạnh tranh không lành mạnh. Bộ khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp áp dụng các biện pháp bảo hộ tài sản trí tuệ phù hợp như đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, phần mềm và kiểu dáng công nghiệp tại Cục Sở hữu trí tuệ; Bảo mật thuật toán và dữ liệu mô hình AI thông qua các giải pháp kỹ thuật (như mã hóa, phân mảnh dữ liệu, xử lý phi tập trung);…
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đang hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá hiệu quả của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đối với phát triển kinh tế- xã hội, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển bền vững và an toàn.
2. Vấn đề tích hợp cổng thanh toán quốc tế và thủ tục cấp phép: Bộ KH&CN sẽ phối hợp cùng các bộ ngành liên quan để xem xét và đề xuất đơn giản hóa quy trình cấp phép tích hợp các cổng thanh toán quốc tế, đặc biệt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Bộ KH&CN khuyến khích việc không tiếp cận các “cò dịch vụ” để hạn chế rủi ro pháp lý và chi phí không chính thức; đồng thời có thể gửi phản ánh trực tiếp đến Bộ hoặc các cơ quan chức năng để được xử lý.
3. Chính sách và chương trình hỗ trợ lĩnh vực ứng dụng AI trong chăm sóc sức khỏe: Lĩnh vực AI ứng dụng trong y tế, sức khỏe là một trong các hướng ưu tiên của Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030, do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 127/QĐ-TTg. Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục triển khai các chương trình tài trợ nghiên cứu – phát triển sản phẩm AI ứng dụng trong y tế thông qua các chương trình như Đề án 844 (Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp).
Bộ KH&CN đang triển khai xây dựng dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (sửa đổi), trong đó công nhận rõ vai trò pháp lý của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tạo cơ sở cho các chính sách hỗ trợ riêng biệt.
Dự thảo Luật đề xuất nhiều cơ chế như ưu đãi đầu tư, sandbox thử nghiệm, tiếp cận hạ tầng công và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đồng thời, dự thảo Luật thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua hỗ trợ tài chính, bảo hộ sở hữu trí tuệ, đào tạo nhân lực và kết nối thị trường. Cùng với đó, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số với mục tiêu tạo lập một hành lang pháp lý rõ ràng, ổn định và hấp dẫn nhằm thu hút và thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ số.
Dự thảo Luật đề xuất các chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng, thuế, đất đai, hạ tầng… qua đó khuyến khích doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư, phát triển và sản xuất các sản phẩm công nghệ số “Make in Vietnam”. Điều này góp phần nâng cao năng lực tự chủ công nghệ, hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ số và tăng cường vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu. Dự án Luật dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Ngoài ra, Bộ KH&CN cũng đẩy mạnh truyền thông và tuyên truyền các mô hình đổi mới sáng tạo tiêu biểu trong lĩnh vực y tế, bao gồm trên các kênh truyền thông đại chúng và các sự kiện khởi nghiệp quốc gia như techfest hàng năm. Cùng với đó, nhằm tôn vinh các sản phẩm, giải pháp công nghệ số xuất sắc được thiết kế, sáng tạo và sản xuất tại Việt Nam, hằng năm, Bộ KH&CN tổ chức giải thưởng “Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam”. Các hoạt động truyền thông này không chỉ mang giá trị tôn vinh về mặt công nghệ và đổi mới sáng tạo, giải thưởng còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy truyền thông thương hiệu và hỗ trợ phát triển cho các sản phẩm và doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ số.
Bộ Khoa học và Công nghệ