Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến về dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và kỷ luật học sinh, trong đó bãi bỏ hình thức kỷ luật nặng nề nhất là đuổi học với học sinh vi phạm. Theo dự thảo thông tư mới, chỉ còn 3 hình thức kỷ luật, gồm: nhắc nhở, phê bình và yêu cầu viết bản tự kiểm điểm; không còn hình thức đuổi học với học sinh. Thông tư mới khi được ban hành sẽ thay thế Thông tư 08/TT của Bộ GD-ĐT hướng dẫn về việc khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông từ cách đây gần 40 năm (1988).
Trong bối cảnh này, xây dựng cho học sinh kỷ luật tự giác là nền móng vững chắc để phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực đồng thời đúng tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Kỷ luật tự giác không phải là điều gì xa vời mà là năng lực có thể rèn luyện từng ngày
ảnh: Thúy Hằng
Kỷ luật tự giác là gì?
Kỷ luật tự giác (self-discipline) được hiểu là khả năng tự nhận thức đúng sai, tự điều chỉnh hành vi, và kiên trì thực hiện những nguyên tắc, mục tiêu mà không cần đến sự giám sát hay ép buộc từ bên ngoài. Đây là sự kỷ luật đến từ bên trong mỗi cá nhân, không phải sự cưỡng chế hay áp lực hình thức. Một học sinh có kỷ luật tự giác là người có thể học tập, hành xử đúng đắn ngay cả khi không có ai nhắc nhở – điều kiện tối quan trọng để tồn tại và thành công trong một xã hội học tập suốt đời, đa chiều và đầy biến động.
Kỷ luật tự giác không phải là điều gì xa vời, cũng không phải là khẩu hiệu dán tường. Đó là năng lực có thể rèn luyện từng ngày – từ việc đúng giờ đến việc trung thực trong thi cử, từ giữ gìn lời nói đến ý thức học tập nghiêm túc.
Giáo dục hiện đại không tìm kiếm học sinh hoàn hảo mà tìm kiếm người học có trách nhiệm, có năng lực làm chủ bản thân và sẵn sàng tự học, học suốt đời. Kỷ luật tự giác chính là cánh cửa đầu tiên để bước vào hành trình đó. Chúng ta luôn nhắc nhở học sinh: Hãy bắt đầu bằng việc nhỏ nhất như tự giác tắt điện khi ra khỏi phòng học, hoàn thành bài tập đúng thời hạn, giữ lời hứa với bản thân. Chính những điều ấy sẽ tạo nên một thế hệ học sinh văn minh, tự chủ và mạnh mẽ.
Kỷ luật tự giác từ những việc nhỏ ở từng cấp học
Trong bối cảnh hiện nay, khi học sinh không chỉ học trong lớp mà qua internet, mạng xã hội và các nền tảng công nghệ thì kỷ luật tự giác lại càng trở nên thiết yếu. Không ai có thể giám sát suốt ngày việc học của các em. Chỉ khi các em thực sự có ý thức nội tại, biết quản lý thời gian, đặt mục tiêu cá nhân, và kiên trì theo đuổi thì mới có thể học tập hiệu quả và phát triển bền vững. Từ tiểu học đến THPT, việc rèn luyện kỷ luật tự giác cần được thiết kế phù hợp với độ tuổi.
Ở cấp tiểu học, học sinh cần được hình thành những thói quen ban đầu như đúng giờ, giữ trật tự, hoàn thành bài tập, tuân thủ quy định lớp học. Đây là giai đoạn “gieo hạt” để hình thành ý thức nội tại.
Sang cấp THCS, các em có thể bắt đầu tự lập kế hoạch học tập, tự đánh giá kết quả, tham gia các hoạt động nhóm mang tính trách nhiệm. Cần khuyến khích các em xây dựng kế hoạch học tập, rèn luyện cá nhân, học cách tự điều chỉnh cảm xúc, hành vi
Đến cấp THPT, học sinh cần được trao nhiều quyền chủ động hơn: xây dựng mục tiêu dài hạn, tham gia dự án cá nhân, tự chịu trách nhiệm về hành vi và kết quả học tập của mình, chịu trách nhiệm trước mọi quyết định của mình. Đây chính là cách để biến kỷ luật thành năng lực – từ đó hình thành công dân tự chủ và học tập suốt đời.

Học sinh tập làm bảo mẫu, lấy phần ăn cho các bạn trong lớp tại Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP.HCM
ảnh: Thúy Hằng
Giải pháp để phát triển kỷ luật tự giác trong giáo dục hiện đại
Kỷ luật tự giác không chỉ là vấn đề của đạo đức cá nhân mà là trụ cột để xây dựng một nền giáo dục khai phóng, nhân bản và bền vững. Vì vậy, giáo dục Việt Nam hiện nay cần có giải pháp đồng bộ để hình thành phẩm chất này cho học sinh, hướng đến “Học thật, thi thật và nhân tài thật”.
Trước hết, thay đổi phương pháp dạy học từ áp đặt sang hướng dẫn. Giáo viên không chỉ truyền đạt, mà phải trở thành người hướng dẫn và truyền cảm hứng, giúp học sinh tự tìm kiếm kiến thức. Tạo điều kiện để học sinh tự lên kế hoạch học tập, tự đánh giá kết quả, nhận trách nhiệm với hành vi của mình.
Kế đến, tăng cường hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp. Qua các hoạt động thực tiễn như dự án học tập, công tác xã hội, khởi nghiệp nhỏ… học sinh sẽ học cách tự quản lý thời gian, công việc, từ đó hình thành tự giác. Qua hoạt động trải nghiệm này, học sinh có điều kiện thực hành kiến thức, kỹ năng của các môn học, nhất là môn đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục kinh tế và pháp luật đã học ở trên lớp.
Tiếp theo là đổi mới đánh giá học sinh. Không chỉ đánh giá qua điểm số mà cần đánh giá bằng nhận xét qua quá trình học tập, thái độ, sự tiến bộ cá nhân. Khuyến khích tự đánh giá, đánh giá đồng đẳng để học sinh rèn luyện ý thức phản tỉnh và tự kiểm soát hành vi.
Cần phối hợp giáo dục giữa nhà trường – gia đình – xã hội. Gia đình cần tạo môi trường khuyến khích con tự lập, tự chịu trách nhiệm (thay vì bao bọc hoặc kiểm soát thái quá). Xã hội cần nêu gương người tự giác, có trách nhiệm, tránh hiện tượng “lách luật”, gian lận vốn làm xói mòn tinh thần tự giác của người trẻ.

Khi học sinh có kỷ luật tự giác, các em sẽ không chỉ học giỏi hơn, mà còn sống có trách nhiệm, trung thực, bản lĩnh và bền bỉ hơn trong cuộc sống
ảnh: Thúy Hằng
Dùng các nền tảng như LMS (hệ thống học tập trực tuyến), công cụ quản lý thời gian, ứng dụng nhắc nhở… giúp học sinh rèn luyện tính tự giác theo cách hiện đại, gần gũi. Hay đơn giản nhất là ứng dụng nhóm Zalo để phối hợp giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh trong việc giáo dục học sinh, đặc biệt là nhắc nhở học sinh tự giác.
Một nền giáo dục hiện đại không tìm kiếm học sinh vâng lời tuyệt đối, mà hướng đến đào tạo những người có năng lực làm chủ chính mình. Khi học sinh có kỷ luật tự giác, các em sẽ không chỉ học giỏi hơn, mà còn sống có trách nhiệm, trung thực, bản lĩnh và bền bỉ hơn trong cuộc sống.
Kỷ luật tự giác không phải là chiếc lồng để giới hạn tự do, mà là chiếc la bàn để học sinh biết định hướng đúng đắn cho chính mình. Giáo dục chỉ thực sự thành công khi học sinh không học vì sợ, mà học tập và rèn luyện vì hiểu rằng, việc đó là cần thiết cho sự trưởng thành. Và kỷ luật tự giác ngay từ cấp tiểu học là khởi đầu của sự hiểu biết ấy.
Kinh nghiệm từ các nước và giáo dục Việt Nam trước đây
Nhiều quốc gia có nền giáo dục tiên tiến đã chứng minh hiệu quả của việc đặt trọng tâm vào kỷ luật tự giác.
Tại Nhật Bản, học sinh từ nhỏ đã được rèn luyện trong các hoạt động như tự lau lớp, tự phục vụ bữa trưa, xếp hàng trật tự và tôn trọng người khác… không vì sợ hình phạt, mà vì được giáo dục để thấy đó là điều đúng đắn.
Ở Phần Lan, một trong những hệ thống giáo dục được ngưỡng mộ nhất thế giới, học sinh không bị áp lực điểm số hay bài kiểm tra dồn dập, mà được trao quyền tự chủ để khám phá và tự đánh giá quá trình học tập của mình.
Tại Đức, trẻ em được khuyến khích tự lập từ rất sớm như tự đi học, tự chuẩn bị đồ dùng cá nhân, và học cách đưa ra quyết định có trách nhiệm.
Ở Hàn Quốc, tuy học sinh chịu nhiều áp lực học tập, nhưng tinh thần kỷ luật tự giác vẫn được duy trì thông qua những quy định học đường và vai trò quản lý lớp học được phân công cho chính học sinh.
Còn tại Mỹ, kỷ luật tự giác được khuyến khích trong bối cảnh phát triển bản thân và đạt thành tựu cá nhân. Người Mỹ coi trọng việc tự lên kế hoạch, tự quản lý thời gian, tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình. Tuy nhiên, sự tự giác có thể chênh lệch lớn giữa các nhóm xã hội và hệ thống giáo dục.
Giáo dục Việt Nam qua các thời kỳ đều đặt nặng yếu tố kỷ luật trong học đường. Ở miền Bắc trước năm 1975, hệ thống giáo dục xã hội chủ nghĩa đề cao tính tập thể, tinh thần “tự phê bình và phê bình”, rèn luyện trong lao động và sinh hoạt đoàn thể qua đó góp phần hình thành kỷ luật tự giác theo hướng gắn với trách nhiệm cộng đồng.
Trong khi ở miền Nam cùng thời kỳ, giáo dục chịu ảnh hưởng từ mô hình giáo dục khai phóng, nhân bản của phương Tây, học sinh được khuyến khích phát triển tinh thần tự học, tự chủ, với kỷ luật tự giác được xem là một biểu hiện của sự trưởng thành. Và học để làm người luôn được coi trọng ở nhà trường và gia đình. Ở nhà trường là “Tiên học lễ hậu học văn”, còn đối với xã hội, người dân từ thành thị đến nông thôn đều luôn quan niệm “Học chữ để làm người”, đặc biệt là đức tính lễ phép và tự giác. Thầy cô môn Anh văn luôn nhắc học sinh học câu sau: “Self-discipline is essential for achieving long-term goals” (Kỷ luật tự giác rất cần thiết để đạt được các mục tiêu dài hạn).