‘Rác Thạch Sanh’

‘Rác Thạch Sanh’

bởi

trong
‘Rác Thạch Sanh’

Hàng chục tình nguyện viên của Câu lạc bộ Sài Gòn Xanh trông chỉ như những chấm nhỏ ngụp lặn, đôi khi lẫn vào rác trên dòng kênh Hy Vọng.

đầu mùa ở TP HCM vừa dứt, dòng kênh thoát nước quan trọng cho sân bay Tân Sơn Nhất lại ngập ngụa rác. Rác dồn về như thác. Đoạn kênh cuối nguồn lập tức tắc nghẽn. Không chỉ túi ni-lông trôi dạt mà là hàng chục tấn đủ loại từ vỏ chai, bóng đèn vỡ, thùng xốp lẫn cá chết vì thiếu oxy phân hủy bốc mùi…

Chỉ trong vài tháng, hai đợt thu gom của các nhóm tình nguyện viên, công ty công ích và lực lượng chức năng ở quận Tân Bình đã vớt được khoảng 30 tấn rác từ đoạn kênh “rác nhiều hơn nước” này. Nhưng hôm nay dọn xong, ngày mai rác lại đầy lên.

Rác Thạch Sanh – vớt hoài không hết, người dân ở đây ví von và than thở như vậy.

Nhưng không chỉ kênh Hy Vọng. Ở TP HCM, từ Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến Kênh Tẻ – Kênh Đôi, Tàu Hủ – Bến Nghé… đâu đâu cũng đầy “rác Thạch Sanh”. Cứ mỗi đợt nước rút, đáy những dòng kênh lại lộ ra lớp lớp rác thải dạt trôi, từ vỏ chai, hộp xốp, ni-lông đến cả mùng mền, chiếu gối…

Một ví dụ khác là dự án cải tạo kênh Ba Bò – công trình xử lý ô nhiễm ở ranh giới TP HCM và Bình Dương. Sau nhiều năm triển khai với kinh phí hàng trăm tỷ đồng, dự án bị đánh giá không hiệu quả. Bên cạnh các nguyên nhân liên quan đến vấn đề quản lý và công nghệ, công trình thường xuyên phải ngừng hoạt động do… rác làm nghẽn máy bơm.

Rác không chỉ gây ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn kênh rạch mà còn tổn hại lớn tới ngân sách nhà nước. Trong 5 năm qua, TP HCM đã chi khoảng 130 tỷ đồng, cho riêng việc vớt rác trên các tuyến kênh rạch lớn. Trung bình mỗi năm hơn 25 tỷ đồng – số tiền đủ xây vài trăm phòng học cho trẻ em ở những vùng khó khăn.

Nhưng dù tiền đổ ra như núi, rác vẫn còn đó với một vòng lặp phi lý: một bên vứt – một bên nhặt, bên đổ – bên dọn, bên xả – bên oằn mình khắc phục…

Xả rác, một hành vi vi phạm pháp luật, dường như đang được “bình thường hóa”. Cụ thể, theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP, mức phạt hành chính đối với hành vi xả rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định là từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng, tùy mức độ và vị trí vi phạm. Vứt mẩu tàn thuốc cũng có thể bị phạt đến 150.000 đồng. Với các loại rác xây dựng, rác thải rắn và rác thải độc hại, mức phạt có thể lên đến 40.000.000-50.000.000 đồng, kèm theo yêu cầu về biện pháp khắc phục.

Nhưng người dân hiếm khi bị xử phạt vì xả rác. Trong khi đó, cảnh tượng vứt rác ngay giữa lòng đường, giữa ban ngày lại xuất hiện thường xuyên đến mức không ai thấy… lạ.

Sẽ là nghịch lý khi người vớt rác được tôn vinh “hy sinh vì môi trường”, còn người xả rác thì vẫn thản nhiên vô sự. Vòng luẩn quẩn rác thải sẽ không hồi kết khi gốc rễ của vấn đề – ý thức và trách nhiệm cá nhân – gần như bị bỏ bẵng.

Không có quốc gia văn minh nào lại để ngân sách nhà nước – tức tiền thuế của dân – bị lãng phí theo rác mà không đi kèm sự răn đe thích đáng. Ở Singapore, người xả rác có thể bị phạt tới 5.000 SGD, buộc lao động công ích giữa nơi công cộng. Ở Đức, mức phạt có thể lên đến 85.000 euro nếu đổ rác trái phép…

Đến bao giờ hành vi vứt rác nơi công cộng mới bị coi là đáng xấu hổ, thay vì được xem là bình thường? Đến bao giờ, xả rác được ngăn từ gốc, thay vì mặc định: “Có người dọn, ngân sách sẽ lo”?

Như với nhiều vấn đề khác ở Việt Nam, chế tài đã có nhưng vẫn chỉ nằm đâu đó trên giấy. Ở đây có hai vấn đề cần rà soát: mức phạt đã đủ mạnh, và người xả rác có thực sự bị phạt không, nói cách khác là khâu thực thi có quyết liệt?

Tôi đã làm một khảo sát nhỏ và nhận thấy, với những quy định mới trong Nghị định 45, các mức phạt của Việt Nam không cao về con số tuyệt đối so với các quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… nhưng vẫn đủ sức răn đe so với mức thu nhập bình quân đầu người. Điều khác biệt giữa ta và các nước là mức độ nghiêm khắc và quyết liệt trong thực thi.

Singapore là một ví dụ. Quốc gia này đã đề ra và thực thi hàng loạt chính sách với mục tiêu Keep Singapore Clean (Giữ Singapore xanh và sạch). Nhà lãnh đạo Lý Quang Diệu từng phát biểu: “Sau khi giành được độc lập, tôi tìm kiếm một cách nào đó để tạo sự khác biệt giữa chúng ta với các quốc gia thế giới thứ ba khác. Tôi chọn một Singapore sạch và xanh vì nếu chúng ta có các tiêu chuẩn của thế giới thứ nhất, thì các doanh nhân và khách du lịch sẽ chọn chúng ta làm cơ sở cho hoạt động kinh doanh và du lịch trong khu vực”.

Để đảm bảo mục tiêu này, họ đã áp dụng chính sách kiểm soát hành vi công cộng một cách nghiêm ngặt, với quan điểm: xử phạt nặng để răn đe và tạo thói quen kỷ luật trong dân chúng. Bên cạnh phạt tiền, Singapore còn áp dụng Lệnh Lao động Cải tạo (Corrective Work Order – CWO), yêu cầu người vi phạm thực hiện công việc dọn dẹp nơi công cộng trong khi mặc áo phản quang có màu sắc nổi bật.

Nhiều người có thể sẽ băn khoăn về nguồn lực giám sát. Tôi cho rằng, điều kiện hiện tại đã có nhiều thuận lợi hơn hẳn Singapore thập niên 1980-1990. Ngoài nhân lực, hoàn toàn có thể áp dụng giám sát phạt nguội bằng camera, phạt lũy tiến dựa trên hệ thống lưu trữ và phân tích dữ liệu…

Sự khắc nghiệt của Singapore đã mang lại hiệu quả như thế nào, cả thế giới đều đã được chứng kiến. Một quốc gia còn hạn chế về nguồn lực như Việt Nam càng không thể nhẹ tay với những hành vi tàn phá môi trường, tài nguyên và lãng phí ngân sách.

Người xả rác không chỉ vi phạm pháp luật mà đang “góp phần” làm nghèo đất nước. Một túi ni-lông, một hộp xốp vứt xuống kênh, tưởng như vô hại, nhưng khi hàng triệu người cùng làm vậy, chi phí khắc phục là hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.

Trung Thanh