
Người dân ở TP.HCM ủng hộ việc áp bộ quy chuẩn khí thải mới để bảo vệ mội trường, đồng thời mong siết kiểm định kỹ càng, đúng chuẩn – Ảnh: T.T.D.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương về dự thảo quyết định lộ trình áp dụng quy chuẩn khí thải ô tô ở Việt Nam.
Nhiều bạn đọc rất quan tâm đến vấn đề này và đề xuất thêm giải pháp để việc áp dụng được hiệu quả hơn.
TP.HCM và Hà Nội áp dụng quy chuẩn khí thải sớm hơn các tỉnh, thành khác
Một số bạn đọc cho rằng việc quy chuẩn khí thải mới đối với ô tô lưu hành tại Việt Nam sẽ áp dụng 5 mức chuẩn khí thải (tương đương tiêu chuẩn Euro, mức 5 là mức yêu cầu tiêu chuẩn cao nhất) như dự thảo đưa ra là phù hợp.
Bạn đọc Trần Đăng Hiến cho rằng các đơn vị cần càng sớm thực hiện càng tốt, hướng tới những xe không đạt chuẩn khí thải cần cấm lưu thông. Đồng thời cần làm rõ tiêu chuẩn Euro là gì để người dân nắm rõ và thực hiện đúng quy định.
Theo các chuyên gia, dự thảo của Bộ Nông nghiệp và Môi Trường sẽ áp dụng quy chuẩn khí thải mới đối với ô tô lưu hành tại Việt Nam sẽ áp dụng 5 mức chuẩn khí thải (tương đương tiêu chuẩn Euro, mức 5 là mức yêu cầu tiêu chuẩn cao nhất).
Cụ thể, ô tô sản xuất từ năm 2022 áp dụng mức 4 kể từ năm 2026. Riêng các xe đăng ký tại Hà Nội và TP.HCM phải đáp ứng mức 5 từ năm 2027. Còn các tỉnh, thành khác sẽ áp dụng mức 5 từ năm 2028.
Đối với ô tô sản xuất từ năm 2017, tại Hà Nội và TP.HCM áp dụng mức 4 từ năm 2026; các tỉnh, thành khác chỉ yêu cầu mức 3 từ cùng thời điểm.
Những ô tô sản xuất từ trước năm 1999 áp dụng mức 1 và ô tô sản xuất từ năm 1999 áp dụng mức 2 kể từ ngày quyết định nói trên có hiệu lực.
Hiện nay, bộ tiêu chuẩn khí thải phổ biến nhất chính là Euro do Liên minh châu Âu khởi xướng từ năm 1992.
Mỗi cấp độ Euro (từ Euro 1 – 6 hiện nay) là một lần siết chặt giới hạn phát thải của các khí độc hại như NOx (nitơ oxit), HC (hydrocarbon), CO (carbon monoxide) và PM (bụi mịn).
Ví dụ, tiêu chuẩn Euro 5 giới hạn NOx chỉ còn 0,18g/km với xe diesel, tiêu chuẩn Euro 6 lại tiếp tục giới hạn NOx chỉ còn 0,08g/km với xe diesel. Có thể thấy mức giới hạn ngày càng khắt khe hơn giảm ảnh hưởng đến không khí, sức khỏe người dân.
Đừng để tình trạng xe xả khói đen ngòm vẫn đạt yêu cầu
Một bạn đọc chia sẻ, đến nay tình trạng xe nhả khói đen vẫn còn khá phổ biến trên đường. “Tôi thường lưu thông trên quốc lộ 51 thấy rất nhiều xe xả khói đen đến nỗi không thấy đường đi, phải đạp thắng để dừng lại. Không hiểu sao mấy xe này vẫn được phép lưu thông?”, bạn đọc này đặt câu hỏi.
Bạn đọc này mong muốn các đơn vị kiểm tra khí thải phải đảm bảo theo quy định. “Đừng để xảy ra tình trạng xe xịt khói đen ngòm vẫn đạt yêu cầu, còn xe không xịt ra khói đen thì lại không đạt yêu cầu”, bạn đọc này bày tỏ.
Trong khi email nhan****@gmail.com cho biết: “Quê tôi kiểm định xe rất kỹ càng, dù xe tải nhà tôi bảo dưỡng rất thường xuyên vẫn rớt đây. Theo tôi nên siết chặt khâu kiểm định, xe không đạt yêu cầu thì cấm đi lại”.
Đồng quan điểm, bạn đọc tài khoản haih****@gmail.com thông tin thêm xe đạt yêu cầu có thể gắn thêm chỉ số khí thải của xe vào tem đăng kiểm mỗi lần xe đi đăng kiểm, tránh việc đo khí thải bất ngờ trên đường.
Về lâu dài, khi xe điện, năng lượng sạch phủ sóng nguồn phát thải giao thông cũng được kiểm soát.
Cùng quan tâm ở khâu đăng kiểm, bạn đọc Người Vận Tải góp ý thêm rằng: Không nên cấm theo đời xe mà chỉ siết chặt ở khâu đăng kiểm. Xe nào chỉ số khí thải không đạt theo yêu cầu thì yêu cầu khắc phục cho đến khi đạt mới cấp đăng kiểm, còn xe đạt thì cho hoạt động bình thường.
Ví dụ, theo luật định thì xe tải có 25 năm đời nhưng có những xe mới hoạt động được 10-15 năm nhưng là xe chất lượng, xe Nhật các chỉ số vẫn còn đạt thì không lý do gì không cho những xe này lưu thông.
Bạn đọc Tống Khải cho rằng sau hoàn thành dự thảo và chính thức áp dụng quy định nói trên không nên thu phí bảo vệ môi trường nữa.
Song song đó, các cơ quan chức năng cũng cần siết các nguồn phát thải khác nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cải thiện ý thức người dân liên quan việc bảo vệ môi trường.
Theo bạn đọc Y Kim, tình trạng xe chở đất đá gây bụi, nhà máy xả thải không qua xử lý, nạn xả rác xuống kênh rạch, rác chôn lấp như núi khắp nơi và vô vàn những thứ khác do con người gây ô nhiễm cho môi trường sống cứ tồn tại hiển nhiên, cần phải được xử lý rốt ráo.