6 điều cần nhớ để không bị lợi dụng trong cuộc sống

6 điều cần nhớ để không bị lợi dụng trong cuộc sống

bởi

trong

Người càng tử tế và trung thực càng có khả năng bị lợi dụng trong khi họ không nhận ra.

Nghiên cứu giao tiếp của con người do các nhà khoa học Mỹ thực hiện từng chỉ ra, người trung thực, tử tế có thể dễ bị lừa hơn những người khác trong một số bối cảnh nhất định.

Đừng trao lòng tốt như món quà miễn phí

Lòng tốt cần được sử dụng một cách có chọn lọc. Một nghiên cứu từ Tạp chí Nhân cách và Tâm lý xã hội (Mỹ) phát hiện ra rằng những người có tính trung thực và khiêm tốn cao thường dễ tin người hơn và do đó dễ mắc lừa hoặc bị lừa đảo hơn.

Nghiên cứu từ Đại học British Columbia (Canada) phát hiện ra, những hành động tử tế chỉ làm tăng hạnh phúc khi người nhận có thái độ phản hồi và biết ơn. Tiến sĩ Kristin Neff (Anh) nhấn mạnh lòng trắc ẩn, sự sáng suốt trong lòng tốt chính là cho đi mà không hy sinh bản thân. Đó mới chính là chìa khóa cho hạnh phúc lâu dài.

Đừng chia sẻ mọi suy nghĩ cá nhân

Những người trung thực thường cho rằng người khác cũng trung thực như họ.

Là người đơn giản, bạn có thể không lường đến hậu quả của việc những thông tin mình chia sẻ sẽ đi xa tới đâu. Do đó, bạn không cần phải tiết lộ mọi điều trong đầu mình cho bất kỳ ai, kể cả đó là người bạn tin cậy, bởi bạn không thể biết được liệu sau khi bạn nói ra, họ có nói cho người khác biết hay không.

Lòng tin là thứ cần được vun đắp một cách cẩn thận và cần nhiều thời gian kiểm chứng. Vấn đề cá nhân càng quan trọng, bạn càng nên bảo vệ bản thân bằng cách thận trọng khi chia sẻ. Nên xác định thật kỹ xem có an toàn khi nói chuyện của mình cho đối phương hay không.





6 điều cần nhớ để không bị lợi dụng trong cuộc sống

Ảnh minh họa: Avignon Etiquette

Đừng ngại nói “Không”

Đôi khi những người lương thiện và tử tế có thể ưu tiên sự hòa hợp và công bằng, khiến họ sẵn sàng cam kết quá mức để tránh xung đột. Điều này có thể dẫn đến kiệt sức hoặc bị lợi dụng, đặc biệt là ở nơi làm việc hoặc trong môi trường nhóm.

Thiết lập ranh giới là chìa khóa để ngăn ngừa kiệt sức, căng thẳng và oán giận. Nghiên cứu của nhà tâm lý học xã hội Vanessa Bohns, từ Đại học Cornell, cho thấy những người đấu tranh để nói “Không” thường quá sức, dẫn đến lo lắng và mệt mỏi.

Nghiên cứu về các chiến lược giao tiếp của ĐH Stanford cho thấy cách bạn nói “Không” rất quan trọng. Việc đưa ra lý do ngắn gọn, trung thực sẽ tăng khả năng lời từ chối của bạn được tôn trọng mà không làm tổn hại đến các mối quan hệ.

Đừng quá cứng nhắc về mặt đạo đức

Những cá nhân trung thực và lương thiện đôi khi có thể đặt ra cho mình và người khác những tiêu chuẩn đạo đức cao đến mức không thực tế.

Trong khi đó, các nghiên cứu về tâm lý đạo đức cho thấy, những người có nguyên tắc cao có thể gặp khó khăn trong việc chấp nhận sự mơ hồ hoặc thỏa hiệp về mặt đạo đức, dẫn đến các mối quan hệ căng thẳng hoặc suy nghĩ cứng nhắc.

Tính linh hoạt cho phép cá nhân thích nghi với những tình huống xã hội phức tạp mà không cảm thấy tội lỗi hay xấu hổ. Linh hoạt không có nghĩa là bạn kém lương thiện, tử tế, nó chỉ đơn giản là việc bạn thích ứng với cuộc sống thực, trong khi không vượt qua những ranh giới đạo đức mình thiết lập từ đầu.

Đừng đánh giá thấp giá trị của chiến lược

Nhiều cá nhân trung thực và lương thiện không coi trọng, thậm chí coi thường sự khéo léo, tính chiến lược, nhầm lẫn chúng với sự thao túng, khôn lỏi.

Điều này có thể cản trở sự thăng tiến của chính họ trong sự nghiệp hoặc ảnh hưởng xã hội, đặc biệt là trong môi trường cạnh tranh hiện nay.

Nghiên cứu của nhà khoa học Daniel Goleman chỉ ra, chiến lược rất quan trọng vì nó cung cấp định hướng, cấu trúc và mục đích cho các nỗ lực, dù là trong công việc, cuộc sống hay phát triển cá nhân. Một chiến lược vững chắc buộc bạn phải suy nghĩ trước, cân nhắc những trở ngại tiềm ẩn và cách vượt qua chúng. Nó cung cấp các kế hoạch dự phòng và chuẩn bị cho bạn để đối phó với những thay đổi trong môi trường. Nếu bạn sống đơn giản, không có những chiến lược cụ thể, bạn có thể thất bại trước những đối thủ khác.

Đừng ngại bảo vệ quyền lợi của mình

Vì không thích sự tự quảng cáo, đánh bóng tên tuổi, đôi khi những cá nhân lương thiện và trung thực có thể không dám lên tiếng, dẫn tới việc bị bỏ lỡ sự công nhận hoặc cơ hội. Điều này có thể dẫn đến việc họ bị bỏ qua khi thăng chức hoặc khi đảm nhiệm vai trò lãnh đạo.

Nếu không chủ động bảo vệ quyền của mình, bạn có nguy cơ bị lợi dụng, ngược đãi hoặc bị từ chối những cơ hội bản thân xứng đáng được hưởng. Nói một cách đơn giản, bảo vệ quyền lợi của chính mình giống như tự đứng lên bảo vệ bản thân để đảm bảo rằng bạn được đối xử tôn trọng và có thể sống cuộc sống theo cách bạn chọn.

Thùy Linh (Theo Yahoo Life)