Thảo luận ở hội trường Quốc hội về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chiều 13/5, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đề cập đến quy định chấp nhận rủi ro trong khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ủng hộ việc luật hóa tinh thần “chấp nhận rủi ro” trong nghiên cứu khoa học vì bản chất của nghiên cứu và đổi mới sáng tạo là chấp nhận thất bại có kiểm soát. Tuy nhiên, bà Nga cho rằng nếu không có cơ chế minh bạch, quy định này dễ bị lạm dụng.
Vì vậy, đại biểu đề nghị làm rõ ranh giới giữa rủi ro chấp nhận được (sai số mô hình, thất bại thử nghiệm…) và sai phạm không thể miễn trừ (gian lận, đạo đức nghiên cứu yếu kém…).

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Ảnh: Minh Châu).
Cũng theo bà Nga, cần thành lập hội đồng đánh giá rủi ro có chuyên môn sâu và độc lập, đồng thời thiết lập quỹ riêng cho nghiên cứu mạo hiểm, vận hành theo cơ chế “đầu tư rủi ro công”, đánh giá dựa trên tiềm năng sáng tạo chứ không chỉ là đầu ra hữu hình.
Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) đánh giá các nội dung quy định về việc chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo: Các nội dung về cơ chế chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học công nghệ và hoạt động đổi mới sáng tạo còn chung chung.
Dự thảo luật cũng quy định tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo không bị truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho Nhà nước nếu đã tuân thủ đầy đủ quy trình và không có hành vi gian lận, vi phạm pháp luật hoặc sử dụng sai mục tiêu kinh phí.
Dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết điều này, tuy nhiên chỉ nhấn mạnh Chính phủ sẽ quy định về tiêu chí xác định rủi ro, đánh giá quá trình tuân thủ mà không nói quy trình, quy định là gì để cá nhân, tổ chức khi thực hiện nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo phải chấp hành.

Đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (Ảnh: Minh Châu).
Nữ đại biểu cũng băn khoăn cơ quan, tổ chức nào là người xác định đúng quy trình, quy định này…
Hơn nữa, theo bà Thu, các dự án nghiên cứu tính mới, các ý tưởng đổi mới sáng tạo có thể diễn ra ngay trong quá trình sản xuất nên chưa chắc việc thực hiện khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo này có hiệu quả hay không?
Vì thế, nếu không quy định rõ quy trình, quy định sẽ dẫn đến việc dễ bị hiểu sai và có thể bị lợi dụng gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước.
Bà Thu đề nghị bổ sung nguyên tắc tối thiểu về các tiêu chí đánh giá rủi ro khoa học và cần có quy trình thẩm định và phê duyệt rủi ro. Đơn vị có thẩm quyền cũng cần xác định rủi ro rõ ràng trong văn bản hướng dẫn thi hành luật, theo góp ý của nữ đại biểu.
Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gồm 8 chương và 83 điều (tăng 2 điều so với Luật KH&CN năm 2013 do bổ sung nội dung đổi mới sáng tạo), dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 9.