Bánh mì Việt khiến người Australia mê mẩn

Bánh mì Việt khiến người Australia mê mẩn

bởi

trong

Chiếc bánh mì giòn rụm, ăn kèm rau củ muối, lớp pate, mayonnaise béo ngậy, ngò tươi, ớt cay chinh phục vị giác người Australia từ thành thị đến nông thôn.

Các cửa hàng Việt đã phục vụ những chiếc bánh mì thơm ngon, giá cả phải chăng cho người dân thành thị Australia từ những năm 1980. Nhu cầu tìm kiếm hương vị bánh mì đích thực ở Australia bắt đầu vào những năm 2000 và giờ đây, các cửa hàng bánh mì mọc lên khắp đất nước, kể cả thị trấn vùng sâu vùng xa.

Bánh mì ra đời tại Việt Nam sau khi người Pháp đến với loại bánh baguette đặc trưng của họ. Bánh mì đơn giản là tên gọi của chiếc baguette kiểu Việt – nhẹ và xốp hơn phiên bản Pháp, một phần do khí hậu.

Những năm 1980 chứng kiến sự gia tăng của các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam tại Australia khi những người di cư đến cùng bản năng kinh doanh sắc bén. Chủ doanh nghiệp Jasmine Dinh kể gia đình bà định cư tại Bankstown, phía tây nam Sydney vào những năm 1970. Họ mở một cửa hàng bánh mì vào năm 1988.

“Nếu bạn có thể kinh doanh và làm việc cho chính mình, điều đó tốt hơn làm việc cho người khác”, bà nói.





Bánh mì Việt khiến người Australia mê mẩn

Một tủ bánh mì trong cửa hàng Việt Nam ở Australia. Ảnh: ABC

Cửa hàng của bà nằm ở khu vực có cộng đồng người Việt đông đúc, trước đây phần lớn khách hàng là người Việt. Tuy nhiên, trong thập kỷ qua, bà đã chứng kiến sự thay đổi trong cơ cấu khách hàng. Giờ đây, bánh mì được cả những người bản địa chấp nhận và yêu thích.

Văn hóa sandwich đã giúp bánh mì nhanh chóng trở nên phổ biến. Tiến sĩ Nguyen Austen cho biết các loại sandwich luôn được ưa chuộng, đặc biệt với các thợ xây, nhờ giá cả phải chăng và tiện lợi. Mức giá của bánh mì khiến nó cực kỳ phù hợp với tầng lớp lao động nên đem đến sự hòa nhập nhanh chóng.

Chủ nhà hàng Việt Nam Kelly Le cho biết hầu hết khách hàng của cô hiện là thợ xây. Khi mở cửa hàng tại Carrum Downs, Victoria, vào năm 2017, không ai trong khu vực biết bánh mì là gì.

“Họ bước vào và hỏi có thể gọi phở được không”, cô kể.

Ban đầu, khách hàng yêu cầu burger nhưng sau khi một công nhân nhà máy nếm thử bánh mì, tiếng lành về những ổ bánh giòn rụm nhanh chóng lan truyền. Sau đó, hầu như mọi người trong nhà máy đã đến và ăn thử món mới mẻ này.

Trong những ngày đầu kinh doanh, cô thường bị khách hàng Australia nhầm là người Trung Quốc. Tuy nhiên, khi khách hàng biết về các món ăn nhà hàng phục vụ, họ thực sự muốn thử các món Việt Nam khác.





Bà Dinh ở tiệm bánh mì của mình. Ảnh: ABC

Bà Dinh ở tiệm bánh mì của mình. Ảnh: ABC

Tiến sĩ Nguyen Austen cho biết ẩm thực là cách tuyệt vời để tìm hiểu và trân trọng các nền văn hóa mới. Các nghiên cứu về sự gắn kết xã hội từ Viện Scanlon cho thấy 71% người Australia cảm thấy chào đón văn hóa nhập cư, trong khi chính trị và truyền thông nước này có thể cho thấy điều ngược lại.

Sau khi thưởng thức món ăn của Kelly Le và tìm hiểu về văn hóa Việt Nam, một số khách hàng đã đến Việt Nam du lịch. Họ còn đến hỏi bà chủ cửa hàng bánh mì nên đến đâu, ở chỗ nào? Khi mở cửa hàng, cô là người duy nhất bán bánh mì. Sau đó, cô đã thấy ít nhất 5 cửa hàng khác mọc lên.

Nhu cầu về bánh mì đã lan đến vùng nông thôn Australia, giúp người dân vùng sâu vùng xa có thêm lựa chọn ngoài cửa hàng cá và khoai tây chiên thông thường.

Van Thai Vien Nguyen mở nhà hàng tại Alice Springs đầu năm nay sau khi chuyển đến từ Việt Nam. Thấy sự thiếu hụt lựa chọn ăn uống trong thị trấn và bản thân thèm bánh mì, anh quyết định mở một cửa hàng của riêng mình. Dù cộng đồng người Việt tại đây nhỏ, anh tự tin bánh mì sẽ được yêu thích.

“Chúng tôi vui vẻ giải thích cho họ tại sao bánh mì lại như vậy, tại sao lại có pate và những thứ khác”, anh nói.





Bánh mì trong cửa hàng của Kelly Le. Ảnh: ABC

Bánh mì trong cửa hàng của Kelly Le. Ảnh: ABC

Tiến sĩ Nguyen Austen cho biết giá thành thấp của bánh mì là điểm nhấn với ẩm thực Việt Nam. Theo bà, người Việt có thể tạo ra những hương vị chất lượng cao với chi phí thấp. Cuộc sống khó khăn trong quá khứ giúp người Việt có thể tận dụng tối đa những gì mình có.

Dù giá thấp cho sản phẩm chất lượng cao là một phần lý do khiến bánh mì phổ biến, điều này có thể gây nhiều bất cập cho các nhà hàng Việt Nam hiện đại. Một số chủ nhà hàng lo lắng tăng giá sẽ khiến khách hàng rời bỏ họ vì suy nghĩ này đã ăn sâu vào tâm trí. Họ so sánh một chiếc kebab ở khu ẩm thực có giá khoảng 9 USD nhưng bánh mì chỉ có giá cỡ 5-6 USD dù mọi nguyên liệu đều làm thủ công.

Quán bánh mì Ca Com ở Melbourne từng nhận chỉ trích trực tuyến từ khách hàng vì bán bánh mì với giá từ 10-11 USD. Chủ quán không đồng tình ý kiến rằng bánh mì phải rẻ mới là đích thực. Theo họ, quan niệm này hạ thấp sự sáng tạo của ẩm thực châu Á và công sức của các đầu bếp châu Á.

Đồng sáng lập quán, Jia-Yen Lee, cho biết các tiệm bánh mì ban đầu mở ra để phục vụ cộng đồng những người cùng văn hóa. Mức giá thời đó rẻ là hợp lý nhưng hiện tại, họ xứng đáng được tăng giá vì những giá trị tạo ra.

Hoài Anh (Theo ABC)