Những lo ngại sau thỏa thuận Mỹ – Trung

Những lo ngại sau thỏa thuận Mỹ – Trung

bởi

trong

Thỏa thuận hoãn thuế 90 ngày của Mỹ – Trung giúp hạ nhiệt căng thẳng, tạo niềm tin cho giới đầu tư nhưng triển vọng dài hạn chưa rõ ràng.

Sau cuộc đàm phán cuối tuần qua tại Thụy Sĩ, Mỹ và Trung Quốc thống nhất thuế đối ứng trong 90 ngày và giảm đáng kể tổng thuế nhập khẩu, từ 145% về 30%. Trong khi, Trung Quốc cũng giảm thuế trả đũa với hàng Mỹ về 10% từ mức 125%.

Ông Trump tuyên bố đây là một chiến thắng và cho biết sẽ sớm thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để duy trì quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Xinhua đánh giá đây là bước tiến quan trọng hướng tới giải quyết các khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn bình đẳng, đặt nền tảng và tạo điều kiện để hai quốc gia thu hẹp khoảng cách, tăng hợp tác.

Quan hệ thương mại Mỹ – Trung đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế thế giới, chiếm khoảng 20% thương mại toàn cầu. Giáo sư luật Taisu Zhang, Đại học Yale (Mỹ) nhận định điểm tích cực nhất của thỏa thuận là hai siêu cường đã tiếp cận thực tế hơn. Trung Quốc hướng đến tiêu dùng nhiều hơn, còn Mỹ đẩy mạnh sản xuất và hai mục tiêu này có thể bổ trợ cho nhau.





Những lo ngại sau thỏa thuận Mỹ – Trung

Tàu container tại cảng Nam Kinh (Giang Tô, Trung Quốc) ngày 9/4. Ảnh: Reuters

Lợi ích trong việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chấp nhận “xuống thang” và thiết lập cơ chế đối thoại cũng bước đầu xuất hiện. Hôm 12/5, Phố Wall phản ứng tích cực về kết quả đàm phán, với chỉ số S&P 500 tăng 3,3%. Việc này củng cố sự ủng hộ của giới đầu tư với quyết định hạ thuế, tạo dư địa cho đối thoại của Nhà Trắng.

Điều này ngược với diễn biến từ sau hôm 2/4, khi ông Trump công bố thuế đối ứng làm thị trường chứng khoán lao dốc, lợi suất trái phiếu kho bạc tăng, dẫn đến việc ông hoãn áp thuế 90 ngày, trừ Trung Quốc. Theo AP, ông Trump giờ đã phát tín hiệu không muốn đối đầu thị trường tài chính.

Trung Quốc cũng nhận được tin tốt. Hôm 12/5, ngân hàng JP Morgan dự báo năm nay tăng 4,8%, cao hơn so với dự báo trước đó là 4,1%, sau thỏa thuận “tích cực một cách đáng ngạc nhiên”, với “quy mô giảm thuế tạm thời lớn hơn dự kiến”, giúp căng thẳng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hạ nhiệt.

Tuy nhiên, thỏa thuận bước đầu của Mỹ và Trung Quốc chưa thể giải quyết hết những lo ngại và bất ổn. AP lưu ý Tổng thống Trump vẫn kiên định với chính sách thuế quan, nên kinh tế toàn cầu khó có thể quay về trạng thái trước ngày 19/1 – thời điểm trước khi ông trở lại Nhà Trắng.

Theo chuyên gia kinh tế Justin Wolfers tại Đại học Michigan (Mỹ), nhiều người có thể xem việc hoãn thuế 90 ngày và đàm phán là tín hiệu tích cực tạm thời, vì “chuyển từ mức thuế phi lý sang ngưỡng cao vẫn là tin tốt”.

Tuy nhiên, ông lưu ý Tổng thống Trump từng đưa ra thuế 100% với phim nước ngoài, đòi sáp nhập Canada và Greenland. “Nếu nhìn lại 120 ngày qua, bạn sẽ thấy không nên quá lạc quan”, ông nói.

Dù thường xuyên điều chỉnh mức thuế, thông điệp nhất quán từ ông Trump là hầu hết hàng nhập khẩu phải chịu mức tối thiểu 10%. Ngưỡng này được xem là “nền tảng cơ bản”, từng áp dụng với nhiều nước trong giai đoạn đàm phán 90 ngày.

Tuần trước, Mỹ và Anh cũng dùng mốc này để thỏa thuận. Riêng mức thuế 30% tạm áp lên hàng Trung Quốc gồm 20% vì vấn đề fentanyl và 10% thuế cơ bản như các nước khác. “Chúng ta có rất nhiều thỏa thuận sắp tới, nhưng mức thuế nền luôn là 10%”, ông Trump nói hôm 9/5.

Ngoài ra, ông cũng hé lộ khả năng áp mức cao hơn với một số ngành. Thuế 25% với ôtô, thép và nhôm vẫn giữ nguyên và dược phẩm nhiều khả năng là đối tượng tiếp theo. Tổng thống đã yêu cầu lưỡng viện tính đến nguồn thu từ thuế quan để bù cho kế hoạch cắt giảm thuế thu nhập.





Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị bước lên chuyên cơ Không lực Một ở bang Maryland ngày 12/5. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị bước lên chuyên cơ Không lực Một ở bang Maryland ngày 12/5. Ảnh: AFP

Theo AP, kinh tế Mỹ có thể vẫn tổn thương. Nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch dựa trên mức thuế 145% mà ông Trump từng tuyên bố và họ có thể ngần ngại điều chỉnh lại chiến lược lần nữa chỉ với một thỏa thuận tạm thời.

Dù thị trường lao động Mỹ cho thấy sức chống chịu thì mức thuế 30% vẫn là chi phí đáng kể cho doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng. Điều này có thể khiến các công ty hạn chế tuyển dụng và mở rộng đầu tư. Kevin Rinz, chuyên gia tại Trung tâm Tăng trưởng bình đẳng ở Washington cho rằng một số doanh nghiệp có thể chịu được mức thuế 30%, ít nhất trong ngắn hạn.

“Nhưng sau 90 ngày thì sao? Thuế với Trung Quốc sẽ là bao nhiêu, lên hay xuống và tăng đến mức nào? Tôi không có câu trả lời. Nếu tôi là doanh nghiệp phụ thuộc vào hàng Trung Quốc, điều này chắc chắn sẽ gây tê liệt chiến lược”, ông nói.

Ngoài ra, còn một số rủi ro khác cho thương mại toàn cầu. Mức thuế 145% áp lên hàng Trung Quốc khiến Mỹ hơn những tuần qua. Giờ việc giảm thuế có thể tạo ra làn sóng container ồ ạt đổ đến, khiến nhu cầu tăng cao đẩy cước vận tải nhảy vọt và ùn ứ tại các cảng.

Michael Starr, Phó chủ tịch phát triển tại công ty hậu cần Zencargo dự báo doanh nghiệp bắt đầu tranh thủ tích trữ hàng cho mùa lễ cuối năm. “Họ sẽ dốc toàn lực đẩy hàng đi trong 90 ngày này. Nhưng tàu thì không thể quay vòng nhanh bằng tốc độ hàng hóa sẵn sàng cung ứng”, ông nói.

Phiên An (theo AP)