Mong Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn xử lý trụ sở dôi dư
Trao đổi bên hành lang Quốc hội kỳ họp thứ 9, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng dẫn thực tế ngay tại địa phương mình trong giai đoạn sáp nhập huyện, xã trước đây và cho biết “vấn đề nổi lên và cử tri nói rất nhiều là xử lý trụ sở UBND xã sau sáp nhập thế nào”.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho biết, thực tế trước đây tại địa phương, trụ sở UBND có thể dùng làm trường tiểu học, mầm non nhưng không phổ biến
ẢNH: PHẠM THẮNG
“Có những đơn vị có thể dùng trụ sở đó cho trường tiểu học, mầm non, nhưng việc này không phổ biến. Cho nên, tôi rất mong Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn để thay đổi công năng của các trụ sở này hoặc có những biện pháp xử lý kịp thời để không gây lãng phí tài sản của Nhà nước nói riêng và tài sản của xã hội nói chung”, ông Dũng nêu.
Theo đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, trụ sở UBND xã nếu không sử dụng thì xuống cấp rất nhanh. Không chỉ trụ sở UBND xã mà còn trụ sở của các sở của tỉnh, cơ quan công an cấp huyện, các trạm y tế… cũng sẽ dôi dư nhiều sau sắp xếp.
“Đây là vấn đề địa phương đang rất bối rối. Muốn chuyển đổi công năng thì phải xem xét cụ thể hiện trạng trụ sở đó, tòa nhà đó dùng làm việc gì thì mới chuyển được. Cho nên, rất cần Bộ Tài chính sớm có hướng dẫn để các địa phương giải quyết được. Tôi nghĩ đây là bài toán khó mà có lẽ Trung ương cần quan tâm để giải quyết điều bối rối này cho địa phương”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng nhấn mạnh, và cho rằng càng sớm đưa trụ sở dôi dư vào sử dụng thì càng tốt, tránh lãng phí.
Nguồn lực rất lớn để phát triển địa phương, đất nước

Nhiều trụ sở công từ các đợt sắp xếp, sáp nhập trước vẫn đang bỏ hoang, gây lãng phí
ẢNH: KHẮC HIẾU
Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Xã hội Quốc hội Tạ Văn Hạ nhìn nhận, trụ sở dôi dư sau sáp nhập tỉnh, xã “là nguồn lực rất lớn của đất nước”. Do đó, phải sử dụng các trụ sở dôi dư này sao hiệu quả.
Dẫn lời Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý phải ưu tiên sử dụng trụ sở dôi dư cho các lĩnh vực giáo dục, y tế, ông Hạ cho rằng, việc sử dụng các trụ sở dôi dư sau sáp nhập phục vụ an sinh xã hội, cộng đồng là cần thiết, nhất là khi chúng ta sắp triển khai phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ từ 3 đến dưới 5 tuổi và đầu tư phát triển mạnh y tế cơ sở.
Sau khi ưu tiên cho những lĩnh vực trên, các trụ sở dôi dư còn lại có thể đấu giá để làm sao khai thác hiệu quả nhất nguồn lực đó. Tuy nhiên, ông Hạ lưu ý, trụ sở công thường đặt ở trung tâm của địa phương, có vị trí đắc địa, cho nên phải cân nhắc yêu cầu phát triển để khai thác hiệu quả.
“Chúng ta phát triển nhưng phải lưu ý nếu những trung tâm đô thị lớn, các vị trí đắc địa mà cứ ưu tiên tập trung vào đầu tư như chung cư cao tầng, khu đô thị thì không chỉ áp lực về dân số, môi trường, mà cả áp lực về hạ tầng. Cuối cùng, Nhà nước lại phải tính toán bỏ tiền mở rộng đường, xây dựng thêm bệnh viện, trường học để đáp ứng được yêu cầu phát triển của đô thị. Tôi cho rằng, điều này phải được cân nhắc”, ông Hạ lưu ý.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện – Giám sát Hoàng Anh Công cho rằng, nếu xã hội hóa, bán đấu giá trụ sở công mà đem lại lợi ích chung cho cả địa phương thì vẫn nên làm
ẢNH: TRỌNG QUỲNH
Cùng quan điểm không để bỏ hoang, lãng phí trụ sở dôi dư, Phó chủ nhiệm Ủy ban Giám sát – Dân nguyện Hoàng Anh Công cho rằng, đất đai, trụ sở, nhà cửa là nguồn lực rất lớn. Do đó, nếu xã hội hóa, bán đấu giá theo đúng quy định của pháp luật, sẽ thu được ngân sách và sử dụng cho các công trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đem lại lợi ích chung.
“Để phát triển đất nước, cái gì có lợi hơn thì chúng ta vẫn có thể áp dụng được. Chẳng hạn xử lý một trụ sở dôi dư mà đem lại lợi ích kinh tế cho cả một địa phương thì tại sao lại không làm?”, ông Công nêu.
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện – Giám sát, các trụ sở dôi dư ngoài việc sử dụng làm bệnh viện, trường học thì có thể tận dụng cho chính các cơ quan, đơn vị của chính quyền sau sáp nhập vì hiện tại nhiều cơ quan ở cơ sở cũng chưa đảm bảo, “một phòng làm việc nhưng hơn mười cán bộ, không đủ chỗ ngồi”.
Số liệu của Bộ Nội vụ cho thấy, hiện có 38.182 trụ sở công cấp tỉnh của 52 tỉnh, thành phố thực hiện sắp xếp. Trong đó, số lượng trụ sở công dự kiến tiếp tục sử dụng là 33.956. Số lượng trụ sở sẽ dôi dư là 4.226.
Bộ Nội vụ cho biết, việc bố trí, sử dụng trụ sở, xử lý tài chính, tài sản công sau sắp xếp cấp tỉnh cần thực hiện theo quy định của Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý tài chính, tài sản công và hướng dẫn của Bộ Tài chính.