
Đường mang tên Nguyễn Hữu Khiếu, bí thư Tỉnh ủy Bình Trị Thiên đầu tiên, ở TP Đông Hà – Ảnh: P.X.D.
Trường hợp đặc biệt
Trước hết, Bình Trị Thiên là tỉnh có quyết định hợp nhất sớm ngay tháng 9-1975. Thứ hai là đơn vị hành chính không chỉ hợp nhất các tỉnh nhỏ mà còn bao gồm cả đơn vị hành chính đặc biệt, đó là khu vực hành chính Vĩnh Linh.
Thứ ba là hợp nhất giữa các địa phương có đặc thù địa – chính trị không giống nhau, nếu Vĩnh Linh, Quảng Bình thuộc miền Bắc cho đến ngày thống nhất đất nước thì Quảng Trị và Thừa Thiên Huế lại thuộc vùng tạm chiếm cho đến năm 1975 mới trọn niềm vui thống nhất.
Cuối cùng, tên gọi Bình Trị Thiên vốn đã vang danh từ kháng chiến chống Pháp khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sáng tác ca khúc nổi tiếng Bình Trị Thiên khói lửa. Cho nên, tên gọi tỉnh mới dường như đã mặc định, không phải bàn bạc nhiều và đa số đồng tình cao.
Theo tài liệu của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị thì sau khi có nghị quyết 245 ngày 20-9-1975 của Bộ Chính trị quyết định hợp nhất ba tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, khu vực Vĩnh Linh và Quảng Bình thành tỉnh Bình Trị Thiên, trung ương quyết định thành lập Ban Chỉ đạo hợp nhất tỉnh Bình Trị Thiên do ông Lê Tự Đồng, bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên làm trưởng ban và các ông Cổ Kim Thành, bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình; Hồ Sĩ Thản, bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị và Trần Đồng, bí thư Khu ủy Vĩnh Linh, làm thành viên.
Mặc dù đời sống lúc đó gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn nhưng từ lãnh đạo cho đến người dân đa số đều trên dưới một lòng, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, ra sức xây dựng cuộc sống mới.
Ông Hoàng Hữu Phong, nguyên phó Văn phòng UBND tỉnh Bình Trị Thiên, kể lại: “Ngày ấy khi bác Nguyễn Húng (tức Nguyễn Văn Quảng) đang là chủ tịch UBND tỉnh, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của tỉnh Bình Trị Thiên, đã không nề hà trưa tối cởi trần lặn xuống sông Bồ vớt rong ủ làm phân và luôn mẫn cán trong các hoạt động cải thiện đời sống.
Nhưng khi phân phối thành quả lao động có “phần cứng” chia đều theo khẩu phần cán bộ, công nhân viên chức, còn “phần mềm” là phân theo số công mỗi người tham gia lao động sản xuất. Bác Húng luôn nhắc nhở nên có phần trợ cứu giúp đỡ cho những gia đình đông con, có khó khăn hơn, riêng “phần mềm” của bác thì bác giành ưu tiên cho những gia đình khó khăn”.
Tỉnh rộng, thuận lợi và khó khăn
Khi nghe bàn luận chủ trương hợp nhất các tỉnh, ông Lê Hữu Thăng – nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, một cán bộ tâm huyết và năng nổ thời Bình Trị Thiên – cũng góp chuyện rằng bà con lúc ấy hay nói về địa giới hành chính của một tỉnh lớn, cả những thuận lợi lẫn khó khăn. Và đương nhiên điều này cũng ảnh hưởng đến việc đi lại công tác trong bối cảnh lúc bấy giờ còn quá nghèo nàn, thiếu thốn về mọi mặt.
Ông Thăng nhớ lại: “Tỉnh Bình Trị Thiên có chiều dài hơn 300 cây số chạy dài từ Đèo Ngang đến Hải Vân, tỉnh lỵ lại đóng ở TP Huế. Hạ tầng và phương tiện giao thông hồi ấy chưa được như bây giờ. Cán bộ huyện ở vùng Tuyên Hóa, Minh Hóa (Quảng Bình) về Huế họp có khi đi phải mất hai ngày tàu xe mới đến nơi…”.
Nhưng như đã nói dù gặp rất nhiều khó khăn thì những cán bộ tâm huyết vẫn luôn trăn trở, làm việc hết mình. Ông Lê Văn Hoan – hơn 90 tuổi, nguyên đại biểu Quốc hội nhiều khóa, nguyên chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bình Trị Thiên (rồi tỉnh Quảng Trị sau này) – là một minh chứng.
Thời đầu Bình Trị Thiên, ông Hoan là bí thư Huyện ủy Triệu Hải vào năm 1977. Vừa tiếp nhận công tác ông đã cùng ban thường vụ huyện ủy đề ra những kế sách cụ thể và phù hợp như rà phá bom mìn để khai hoang phục hóa, đồng thời tìm cách hạn chế tối đa thương vong, xây dựng cơ sở vật chất và chú trọng thủy lợi, xây dựng đê chắn cát từ Cửa Việt đến giáp Phong Điền đồng thời phát triển kinh tế tổng hợp vùng biển, khai thác vùng gò đồi, tiếp tục đẩy mạnh chính sách kinh tế mới trong và ngoài tỉnh, toàn huyện đã đưa 310.000 người đi kinh tế mới nhằm phục hồi kinh tế…
Trong một lần chúng tôi trò chuyện với ông Nguyễn Đức Hoan (trước khi mất), nguyên bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, trước đó là chỉ huy công trường đại thủy nông nam Thạch Hãn thời Bình Trị Thiên, ông đã khẳng định tác dụng to lớn của công trình thủy lợi này đối với sản xuất nông nghiệp của địa phương lúc bấy giờ.
Làm được công trình này thời điểm ấy chủ yếu dựa vào thủ công. Nhờ có sức người của một tỉnh lớn như Bình Trị Thiên được huy động với quy mô lớn mà làm nên đại sự thủy lợi tầm cỡ. Đó cũng là một kỳ công.
Những địa phương khó khăn như Triệu Hải, đời sống người dân đã dần được cải thiện. Ông Lê Văn Hoan nhớ lại: “Phần đông có ý kiến cho rằng huyện Triệu Hải có cách làm hay. Nhiều phong trào sản xuất sôi nổi mà có hiệu quả như trồng cây chống cát vùng biển, phủ nhanh màu xanh cho đồi trọc”.

Trên rừng có cá, dưới biển có củi
Trong một tham luận đọc tại Đại hội Đảng toàn quốc, bí thư Tỉnh ủy là đồng chí Bùi San đã nói rõ: “Ở tỉnh Bình Trị Thiên chúng tôi, muốn mua cá thì lên rừng, muốn mua củi thì về vùng biển”.
Một số người khó hiểu câu này nhưng những người từng về Bình Trị Thiên hiểu ý ông nói rằng nhờ công trình làm hồ thủy lợi mà trên rừng cũng có cá và do trồng rừng phòng hộ ven biển nên có củi. Tất cả điều này có được là nhờ chủ trương đúng đắn của chính quyền được lòng dân và được dân chung tay thực hiện.
Bài học sâu sắc như ông Lê Văn Hoan rút ra là phải gần dân, hiểu dân và thương dân, còn đối với cấp trên phải có thái độ trung thực, khách quan, tất cả vì việc chung. Ông kể những lần được gặp Tổng Bí thư Lê Duẩn:
“Anh Ba hỏi việc gì về huyện, tôi cứ thành thực trả lời, không tô hồng bôi đỏ, không kêu van khó khăn. Tôi nghĩ những đồng chí như anh Ba quá nhạy cảm với tình hình thực tế chung cả nước. Nói sai sự thật là điều tôi không hề làm từ lúc còn trong chiến tranh. Nay dù trong hoàn cảnh mới thì cũng sự thật báo cáo lại với cấp trên khi cần phải báo cáo”.
Đặc biệt, nhiều lãnh đạo có công với dân, với nước, từng tham gia lãnh đạo tỉnh Bình Trị Thiên sau khi qua đời như ông Nguyễn Hữu Khiếu, bí thư Tỉnh ủy đầu tiên, đã được đương thời và hậu thế ghi nhận công lao bằng cách trang trọng đặt tên đường ở TP Đông Hà, Quảng Trị.
Một số người nửa đùa nửa thật cho rằng chính vì cái tên “nghịch trời” Bình Trị Thiên mà tỉnh này thường xuyên bị bão tố tàn phá. Tuy nhiên những người hiểu chuyện hoàn toàn không chấp nhận “suy luận” dù nửa đùa nửa thật đó. Bình – Trị – Thiên chỉ là tên ba tỉnh Quảng Bình – Quảng Trị – Thừa Thiên Huế ghép lại, trước khi có tên đó thì cả dải đất này đã nhiều bão tố và sau khi trả lại tên cũ của ba tỉnh thì bão tố vẫn vậy vì đặc thù địa lý.
Ngày 1-5-1976, UBND tỉnh Bình Trị Thiên công bố ra mắt nhân dân, trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc trung ương có diện tích 18.430km2, dân số gần 1,7 triệu người với 657.760 lao động. Tỉnh có 20 huyện, một TP và hai thị xã với 1.036 xã, phường.
Chiều dài của tỉnh từ Đèo Ngang đến đèo Hải Vân hơn 320km, có bờ biển dài 340km và đường biên giới giáp các tỉnh Trung – Hạ Lào. Tỉnh Bình Trị Thiên chấm dứt hoạt động ngày 1-7-1989 để tách thành ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế như ngày nay.
(Theo tài liệu UBND tỉnh Quảng Trị)
—————————-
Chủ trương “phải có không gian lớn để phát triển”, tỉnh Hậu Giang được thành lập từ Cần Thơ và Sóc Trăng. Sau 15 năm xây dựng quê hương từ mới bước ra khỏi chiến tranh với nhiều khó khăn, tỉnh lại có lương thực cứu đói cho nhiều địa phương qua thời thắt ngặt…
Kỳ tới: Một thời Hậu Giang cứu đói lúa gạo cho nơi khác