“Bỏ chất vấn Chánh án và Viện trưởng VKSND, dân bị oan sẽ nhờ cậy ai?”

“Bỏ chất vấn Chánh án và Viện trưởng VKSND, dân bị oan sẽ nhờ cậy ai?”

bởi

trong

Sáng 14/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất) và Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Là đại biểu đầu tiên đăng ký phát biểu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy đề cập đến đề xuất thu hẹp quyền chất vấn của HĐND trong Hiến pháp 2013.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy, khi sửa đổi Hiến pháp, Ban soạn thảo đưa ra 2 lý do bỏ quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án và Viện trưởng VKSND.

“Bỏ chất vấn Chánh án và Viện trưởng VKSND, dân bị oan sẽ nhờ cậy ai?”

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Ảnh: Hồng Phong).

Thứ nhất là theo chủ trương của Đảng về việc bỏ đơn vị hành chính cấp huyện nên sẽ không tổ chức tòa án và VKSND cấp huyện mà thay thế bằng các tòa án và VKSND khu vực, không gắn với đơn vị hành chính cụ thể nên không có HĐND ngang cấp.

Lý do thứ hai là tuy Hiến pháp không quy định thẩm quyền chất vấn, HĐND vẫn thực hiện được thẩm quyền giám sát và HĐND vẫn có quyền kiến nghị với các cơ quan, tổ chức hữu quan.

“Tôi không đồng tình với cả 2 lý do trên”, bà Thúy nói.

Lý giải cho quan điểm của mình, nữ đại biểu cho biết trong đổi mới cơ cấu sắp tới, bên cạnh TAND, VKSND khu vực, vẫn còn TAND, VKSND cấp tỉnh nên rất khó thuyết phục đại biểu HĐND cấp tỉnh và cử tri “vì sao họ không còn được quyền chất vấn người đứng đầu 2 cơ quan này như Hiến pháp 2013 quy định?”.

Cũng theo bà Thúy, TAND, VKSND khu vực tuy không gắn với đơn vị hành chính cụ thể, nhưng những cơ quan đó vẫn khởi tố, truy tố, xét xử công dân của những đơn vị hành chính cụ thể mà đại biểu HĐND là đại diện.

“Không lẽ TAND, VKSND khu vực sẽ là những cơ quan tư pháp duy nhất ở nước ta nằm ngoài sự giám sát bằng hình thức chất vấn của đại biểu HĐND? Nếu vậy, dân bị oan sai sẽ nhờ cậy ai chất vấn để bảo vệ quyền lợi của họ?”, bà Thúy đặt vấn đề và đề nghị Quốc hội xem xét kỹ về việc tổ chức thực hiện giám sát đối với các cơ quan này.

Bỏ chất vấn Chánh án và Viện trưởng VKSND, dân bị oan sẽ nhờ cậy ai? - 2

Toàn cảnh phiên họp Quốc hội sáng 14/5 (Ảnh: Hồng Phong).

Cũng theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội, giám sát việc tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và quyền kiến nghị hoàn toàn không thể thay thế cho quyền chất vấn – vốn là hình thức giám sát trực tiếp, công khai, buộc người bị chất vấn phải trả lời trực tiếp và chịu trách nhiệm về lời trả lời của mình.

“Không có quyền chất vấn, đại biểu HĐND sẽ khó có thể yêu cầu Chánh án hoặc Viện trưởng VKSND ra trước kỳ họp HĐND để trả lời cụ thể từng vấn đề, đối thoại công khai với đại biểu và cử tri”, bà Thúy nói.

Về thực tiễn, chưa nói đến trường hợp oan sai, bà Thúy cho rằng chỉ nói đến những trường hợp bản án, quyết định của TAND tuyên không rõ, gây khó khăn cho việc thi hành án. Trong những trường hợp đó, nếu đại biểu HĐND chỉ có quyền kiến nghị, đại biểu lo kiến nghị ấy không có hiệu lực pháp lý như ý kiến chất vấn công khai trước kỳ họp HĐND.

Với những lập luận đã nêu, đại biểu Kim Thúy đề nghị Quốc hội giữ lại quy định về thẩm quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND. Trên cơ sở đó luật chuyên ngành quy định cụ thể, phù hợp với mô hình tổ chức mới.

“Đây chính là cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước và nội dung này hiện chưa phát sinh vướng mắc”, bà Thúy nói.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) cũng đề nghị “hết sức cân nhắc” về việc bỏ quy định chất vấn của HĐND với chánh án TAND và Viện trưởng VKSND.

Ông Nghĩa dẫn Nghị quyết số 27 của Trung ương đặc biệt nhấn mạnh việc thực hiện quyền lực Nhà nước phải đặt “dưới sự giám sát của nhân dân”. Vì thế, khi sửa Hiến pháp tạo điều kiện tốt hơn để người dân tham gia tích cực hơn vào giám sát việc thực hiện quyền lực Nhà nước.

Bỏ chất vấn Chánh án và Viện trưởng VKSND, dân bị oan sẽ nhờ cậy ai? - 3

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Ảnh: Hồng Phong).

Vị đại biểu nhận định chất vấn là công cụ giám sát quan trọng nhằm đảm bảo các cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm giải trình trước đại biểu dân cử và nhân dân, đảm bảo tính công khai, minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động tư pháp.

Chất vấn của đại biểu HĐND không nhằm can thiệp vào nội dung xét xử hay truy tố của vụ án cụ thể, mà tập trung vào trách nhiệm quản lý, việc tổ chức thi hành và tuân thủ pháp luật của Chánh án và Viện trưởng VKSND, theo lời ông Nghĩa.

“Nếu cho rằng việc chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án và Viện trưởng VKSND làm ảnh hưởng đến tính độc lập của tư pháp, sẽ rất khó lý giải quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao”, ông Nghĩa phân tích.

Với việc dự kiến tổ chức mô hình của TAND và VKSND gồm 3 cấp: tối cao, cấp tỉnh và khu vực, ông Nghĩa cho rằng việc trao quyền giám sát, nhất là quyền chất vấn cho đại biểu HĐND cấp tỉnh đối với Chánh án và Viện trưởng VKSND cấp tỉnh là phù hợp và khả thi.