Xuất hiện trong chương trình Cuộc hẹn cuối tuần, Vũ Cát Tường thu hút sự chú ý khi lần đầu chia sẻ về tình trạng sức khỏe hiện tại. Nữ ca sĩ cho biết bản thân đang điều trị viêm gan siêu vi B, căn bệnh mà cha ruột cô từng mắc phải.
“Tôi phải uống thuốc mỗi ngày và 3 tháng đi tầm soát ung thư một lần, vì có nguy cơ mắc ung thư rất cao”, nữ ca sĩ nói.

Vũ Cát Tường tiết lộ về bệnh tình trên truyền hình (Ảnh: Chụp màn hình).
Viêm gan siêu vi B cũng là căn bệnh mà cha ruột cô từng mắc phải trước khi qua đời vì ung thư gan.
Câu chuyện của nữ nghệ sĩ gợi nhiều đồng cảm và đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh về một căn bệnh âm thầm nhưng cực kỳ nguy hiểm.
Viêm gan B có thể tồn tại trong cơ thể suốt nhiều năm mà không gây biểu hiện rõ ràng. Thế nhưng khi phát hiện, không ít trường hợp đã bước vào giai đoạn muộn – với những biến chứng nặng nề như xơ gan hoặc ung thư gan.
Viêm gan B có thực sự đáng sợ?
Theo BSCKI Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm phổ biến và nguy hiểm nhất hiện nay.
Bệnh do virus viêm gan B gây ra, tỷ lệ đến hơn 10% dân số Việt Nam. Ngoài gây viêm gan B cấp hoặc tối cấp gây suy gan, bệnh còn diễn tiến âm thầm, lặng lẽ, không triệu chứng trong nhiều năm và có thể tiến triển thành xơ gan và đặc biệt là ung thư gan.

BSCKI Lê Văn Thiệu, khoa Nhiễm Khuẩn Tổng Hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Ảnh: Quang Trường).
Virus viêm gan B là nguyên nhân phổ biến (70%) gây ra ung thư gan tại Việt Nam hiện nay.
“Điều đáng sợ nhất là bệnh không biểu hiện rõ rệt trong giai đoạn đầu. Người bệnh vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường nhưng gan đang dần bị tổn thương. Đến khi xuất hiện các triệu chứng như: vàng da, sụt cân, đau vùng gan, thì bệnh đã ở giai đoạn muộn”, BS Thiệu phân tích.
Điểm tích cực là viêm gan B hoàn toàn có thể kiểm soát nếu được phát hiện sớm bằng xét nghiệm, với thể ít hoạt động người bệnh chỉ cần đi khám xét nghiệm định kỳ 3-6 tháng 1 lần và chưa cần điều trị thuốc kháng virus.
Với thể hoạt động, hiện nay thuốc kháng virus đều rất tốt và phổ biến, ít tác dụng phụ như: TAF, TDF, ETV.
Các thuốc kháng virus này giúp ức chế sự nhân lên của virus, làm sạch virus trong máu người bệnh, giúp người bệnh sống khỏe mạnh và không còn nguy cơ lây.
Tuy nhiên, điều kiện tiên quyết là phải tuân thủ điều trị, không tự ý ngừng thuốc, bỏ thuốc.
“Thuốc được sử dụng hay dừng thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ. Người bệnh nên đi xét nghiệm và tầm soát ung thư gan định kỳ”, BS Thiệu nói.
Viêm gan B có lây từ bố sang con?
Theo BS Thiệu, viêm gan B không phải là bệnh di truyền. Bệnh lây qua đường máu và thể dịch như truyền máu, đường quan hệ, tiêm chích và đặc biệt là từ mẹ truyền sang con.
Đối với đường lây qua quan hệ thì người bệnh sẽ bị lây nhiễm viêm gan B cấp, tức là thời gian nhiễm bệnh và khỏi bệnh là nhỏ hơn 6 tháng, tỷ lệ chuyển thành mạn tính là nhỏ hơn 10%.

Viêm gan B không phải là bệnh di truyền (Ảnh: Getty).
Tuy nhiên đối với đường lây từ mẹ sang con thì tỷ lệ con nhiễm viêm gan B và bị mạn tính là lớn hơn 90%. Chính vì vậy nguyên nhân chiếm đa số và chủ yếu ở Việt Nam là từ mẹ sang con.
“Có thể xảy ra trường hợp người mẹ bị lây viêm gan B từ người bố trong giai đoạn mang bầu và sinh con trong giai đoạn nhiễm viêm gan cấp (trong vòng 6 tháng).
Sau sinh con người mẹ may mắn khỏi bệnh và có kháng thể, kháng thể này giúp người mẹ không bị nhiễm viêm gan B trong suốt đời. Tuy nhiên người con bị lây từ người mẹ trong giai đoạn đó thì lại bị viêm gan B mạn tính, do tỷ lệ khỏi viêm gan trong giai đoạn này nhỏ hơn 10%”, BS Thiệu phân tích.
Điều này có thể giải thích vì sao viêm gan B có thể lây từ bố sang con qua trung gian là người mẹ. Cũng giải thích vì sao các người con khác trong gia đình không bị nhiễm.
Cách phòng bệnh hiệu quả nhất vẫn là tiêm vaccine
BS Thiệu khẳng định, biện pháp phòng ngừa viêm gan B đơn giản và hiệu quả nhất là tiêm phòng vaccine. Vaccine viêm gan B hiện đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho trẻ sơ sinh. Với người lớn chưa có miễn dịch, cần thực hiện xét nghiệm kháng thể và tiêm đủ mũi theo chỉ định y tế.
Ngoài ra, việc phòng tránh các yếu tố lây nhiễm cũng vô cùng quan trọng. Virus viêm gan B có thể lây qua máu, dịch tiết… nên việc không dùng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng, kim tiêm hoặc quan hệ tình dục không an toàn đều là hành vi cần tránh.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng khuyến cáo duy trì lối sống lành mạnh để bảo vệ gan: ăn uống khoa học, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá, tập thể dục đều đặn và tránh dùng thuốc không rõ nguồn gốc gây độc cho gan.