
Cận cảnh chiếc Boeing 747-8, 12 năm tuổi, do Qatar sở hữu – Ảnh: REUTERS
Theo Hãng tin Reuters, chính quyền Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ nhận một chiếc Boeing 747-8 trị giá khoảng 400 triệu USD từ Hoàng gia Qatar – một trong những món quà giá trị nhất từng được tặng cho Chính phủ Mỹ.
Một làn sóng chỉ trích đã bùng lên ngay sau đó, nhiều ý kiến gọi đây là hành vi nhận “hối lộ”, cho rằng việc ông Trump chấp nhận món quà đắt giá này làm dấy lên nghi vấn xung đột lợi ích.
Thật “ngu ngốc” khi từ chối món quà
Tổng thống Trump ngày 12-5 đã khẳng định: “Tôi không phải người sẽ từ chối một lời đề nghị như vậy. Thật là ngu ngốc nếu tôi nói rằng chúng tôi không cần một chiếc máy bay đắt tiền miễn phí”.
Tuy nhiên ông Trump vẫn bác bỏ những lo ngại về đạo đức, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là quà tặng cho Bộ Quốc phòng chứ không phải cho cá nhân ông, và khẳng định sẽ không sử dụng nó sau khi rời nhiệm sở.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cũng khẳng định đây là một giao dịch giữa chính phủ với chính phủ và hoàn toàn hợp pháp.
Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng lời giải thích đó không làm thay đổi bản chất vấn đề.
Nhiều nghị sĩ của cả hai đảng đã nhanh chóng lên tiếng phản đối, gọi đây là hành động “tham nhũng trắng trợn và vi hiến“, có khả năng lợi dụng chức vụ vì mục đích cá nhân.
Chuyên gia luật: Rõ ràng là vi hiến
Theo trang Politifact, các chuyên gia pháp lý khẳng định hành động này có thể vi phạm điều khoản “emoluments” trong Hiến pháp Mỹ, vốn được thiết kế để ngăn chặn ảnh hưởng từ nước ngoài đến các quan chức chính phủ.
Giáo sư luật Stanley Brand nhận định: “Việc chấp nhận chiếc máy bay từ Qatar phải cần sự đồng ý rõ ràng từ Quốc hội”.
Trong khi đó, giáo sư David Forte phân tích món quà này “chính xác là loại quà mà điều khoản trong Hiến pháp ngăn chặn”.
Dù món quà không được đưa thẳng vào tài khoản của ông Trump hay doanh nghiệp của ông, việc ông được sử dụng máy bay trong nhiệm kỳ, và giữ lại sau này cho thư viện cá nhân, vẫn bị xem là “lợi ích gián tiếp”.
Một số chuyên gia thậm chí cảnh báo đây có thể là hành vi đủ để bị luận tội nếu ông Trump đắc cử lần nữa.
Tuy nhiên khả năng Tổng thống Trump bị xử lý pháp lý là rất thấp, bởi Quốc hội hiện do Đảng Cộng hòa kiểm soát, cũng như Bộ Tư pháp Mỹ đang giữ quan điểm không truy tố tổng thống đương nhiệm.
Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump cũng nhiều lần bị kiện vì nghi ngờ vi phạm điều khoản “emoluments” khi các doanh nghiệp của ông nhận tiền từ chính phủ nước ngoài.
Tuy nhiên phần lớn các vụ kiện bị bác bỏ với lý do thiếu nguyên đơn có đủ tư cách pháp lý, khiến Tòa án Tối cao không đưa ra phán quyết.
Các chuyên gia cảnh báo rằng nếu Mỹ không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn, Tổng thống Trump hoàn toàn có thể tiếp tục nhận tài trợ từ nước ngoài qua các hình thức khó truy vết hơn, như tiền mã hóa.