Ngày 14.5, Báo Pháp luật TP.HCM tổ chức Hội thảo “Góp ý sửa đổi luật Thi hành án dân sự – Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án hình sự kinh tế”.
Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban ngành, các chuyên gia trong lĩnh vực thi hành án, thẩm định giá bất động sản, dự án bất động sản; chuyên gia độc lập…

Ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM, phát biểu khai mạc hội thảo
ẢNH: NGUYỆT NHI
Phát biểu khai mạc, ông Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM, cho biết tinh thần của Nghị quyết 68 sẽ khơi thông môi trường kinh doanh, đảm bảo sự an tâm, an toàn cho doanh nhân, doanh nghiệp. Muốn vậy, tinh thần đó phải được thể chế hóa, cụ thể hóa vào các văn bản pháp luật liên quan; trong đó có dự thảo luật sửa đổi luật Thi hành án dân sự mà Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng.
Từ đó, Báo Pháp luật TP.HCM tổ chức hội thảo với mong muốn các chuyên gia cùng phân tích những khó khăn, vướng mắc hiện tại, đối chiếu với các quy định pháp luật và đề xuất những giải pháp, những kiến nghị để hoàn thiện luật Thi hành án dân sự, đặc biệt trong việc xử lý tài sản các vụ án kinh tế, tham nhũng.
Rủi ro khi mua tài sản thi hành án và những điều cần tránh
Tại hội thảo, ông Nguỵ Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm Đấu giá tài sản TP.HCM, cho rằng phải có sự đánh giá chính xác nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khi tham gia đấu giá, đặc biệt là người trúng đấu giá tài sản thi hành án dân sự. Ông Thắng nêu ra 3 rủi ro khi mua tài sản thi hành án.

Ông Nguỵ Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm Đấu giá tài sản TP.HCM
ẢNH: NGUYỆT NHI
Thứ nhất, rủi ro về mặt pháp lý, theo ông Thắng, trên thực tế người mua được tài sản đấu giá rất khó khăn trong việc cấp giấy chứng nhận và tốn nhiều chi phí. Khi mua dự án bất động sản bị kê biên đấu giá trong các vụ án kinh tế, nhưng khi đấu giá thành công lại gặp rất nhiều vướng mắc trong vấn đề chuyển nhượng dự án.
Thứ hai, người mua tài sản đấu giá trong quá trình thi hành án có thể đối diện với các rủi ro như đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản.
Cụ thể, tranh chấp về quyền sở hữu khi tài sản đưa ra đấu giá có thể đang tồn tại tranh chấp giữa người phải thi hành án với bên thứ ba về quyền sở hữu, quyền sử dụng. Khó khăn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu do vướng mắc từ phía người phải thi hành án, cơ quan thi hành án, hoặc các bên liên quan khác. Khó khăn trong việc kê khai nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân…
Thứ ba, rủi ro trong việc bàn giao tài sản cho người mua, khi người mua tài sản không được giao tài sản hoặc giao tài sản chậm so với dự kiến do sự chống đối của người phải thi hành án. Phải thực hiện biện pháp cưỡng chế hoặc có văn bản tạm dừng giao tài sản của cơ quan có thẩm quyền…
Theo ông Thắng, để tránh rủi ro khi mua tài sản thi hành án, khi đăng ký tham gia đấu giá, khách hàng cần nghiên cứu kỹ hồ sơ pháp lý liên quan đến tài sản như giấy chứng nhận, bản vẽ hiện trạng. Đồng thời, cần xem thực tế tài sản trước khi đăng ký tham gia đấu giá, tìm hiểu dân trí, an ninh, đồ án quy hoạch; khai thác thông tin từ người dân địa phương và liên hệ trao đổi với cơ quan thi hành án về tình trạng pháp lý của tài sản.
“Còn rất nhiều bất cập, khó khăn khi thi hành án”
Trước đó, phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM Nguyễn Văn Hòa đánh giá hiện nay, sau một thời gian thi hành luật Thi hành án dân sự đã có nhiều bất cập, quy định chồng chéo dẫn đến khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM
ẢNH: NGUYỆT NHI
Theo ông Hòa, tại TP.HCM, tỷ lệ về tiền trong thi hành án kinh tế, tham nhũng chiếm khá cao trong cả nước. Trong những năm gần đây, đối với án kinh tế, tham nhũng ngoài việc chú trọng tội danh, hình phạt thì giá trị thu hồi tài sản đạt được bao nhiêu mới quan trọng. Kết quả thu hồi trong những năm qua có chuyển biến rõ, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, do giai đoạn điều tra, truy tố xét xử kéo dài, tính chất pháp lý chưa làm rõ, những đối tượng tìm cách tẩu tán tài sản…
Ông Hòa cũng lưu ý về khó khăn, khi tại giai đoạn xét xử, tòa án chưa quan tâm đến tính chất tài sản mà chỉ căn cứ cáo trạng, kết luận điều tra để tuyên, dẫn đến Cục Thi hành án dân sự gặp vướng khi xử lý tài sản.
Cần thành lập hội đồng xử lý tài sản cho các vụ án lớn
Tại hội thảo, luật sư Phan Trung Hoài, Phó chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam, chỉ ra nhiều bất cập trong định giá tài sản.
Luật sư Hoài đề xuất cần có cơ chế xử lý tài sản đang hình thành dở dang hoặc chưa hoàn thiện về pháp lý; định giá tài sản theo giá thị trường; thành lập hội đồng xử lý tài sản cho các vụ án lớn; hoàn thiện quy định về thu thập thông tin khách quan, xác định thời điểm định giá, và hướng dẫn cụ thể về định giá tài sản đặc thù, đảm bảo tính thống nhất và có lợi cho người phạm tội.