Bố mẹ Việt có thói quen làm hộ con nhiều việc kể cả sắp đặt tương lai dẫn tới trẻ thiếu bản sắc, yếu tố quan trọng trong việc quyết định thành công.
Chương trình do VnExpress phối hợp cùng Apollo English tổ chức, nhằm mang đến góc nhìn đa chiều và giải pháp thực tiễn cho phụ huynh với chủ đề “”.
Tọa đàm có sự tham gia của ba diễn giả. Trong đó, PGS.TS. Trần Thành Nam là Trưởng khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tâm lý học đường, Chủ nhiệm Chương trình Tham vấn học đường quốc gia. Bà Kate Steenkamp là Giám đốc Học thuật Apollo English, có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục trẻ em và khảo thí quốc tế, chuyên sâu về phát triển tư duy và khả năng ngôn ngữ cho trẻ.
Chị Liên Trịnh là giảng viên đại học, mẹ của “thần đồng âm nhạc” Jayden Trịnh, giải Ba Vietnam Idol Kids 2016, với nhiều kinh nghiệm đồng hành cùng con trong môi trường đa văn hóa.
Từ trải nghiệm đến nhận thức và bản sắc
Tại tọa đàm, PGS.TS. Trần Thành Nam cho biết: “Nhiều phụ huynh yêu thương con theo cách làm hộ quá nhiều, khiến trẻ mất đi cơ hội trải nghiệm, dần thiếu hiểu biết về bản thân, tức là thiếu bản sắc cá nhân”.

PGS.TS. Trần Thành Nam là Trưởng khoa Các khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Tùng Đinh
Theo ông, “bản sắc” là sự kết hợp giữa yếu tố di truyền và môi trường nuôi dưỡng, thể hiện qua hành vi, sở thích, khát vọng và giá trị sống của cá nhân. “Khi trẻ nhận thức được mình là ai, điểm mạnh là gì, muốn theo đuổi điều gì, đồng thời, tin rằng người khác cũng đánh giá cao nét riêng của mình, lúc ấy trẻ đã chạm đến nền tảng của bản sắc cá nhân,” ông giải thích.
Bản sắc không tự nhiên sinh ra hay hình thành qua các lớp học kỹ năng. Yếu tố này cần quá trình trải nghiệm thực tế, tự quan sát và va chạm. Do đó, trẻ nên được “làm thật bằng đôi tay của mình”, kể cả phải thất bại để hiểu bản thân thích gì, mạnh ở đâu.
PGS. Nam cũng khẳng định, “trong một thế giới AI đang làm quá tốt các phần việc kỹ thuật, con người chỉ còn nổi bật khi có bản sắc riêng”. Bản sắc là nền móng cho sự tự tin bền vững, cho khả năng tư duy độc lập, sáng tạo và ra quyết định. Người thành công hiện nay thường thuộc một trong hai nhóm: hoặc là những “first movers”, người tạo ra cái mới, hoặc là những “fast followers”. người bắt nhịp nhanh và bản địa hóa được điều quốc tế mang đến. “Cả hai đều cần bản sắc để đi xa”.
Bài học từ “dám mắc lỗi và sửa sai”
Bà Kate Steenkamp – Giám đốc học thuật Apollo English cũng chia sẻ, nhiều học sinh Việt có điểm số tiếng Anh cao nhưng lại thiếu tự tin khi giao tiếp. Nguyên nhân sâu xa là các em chưa hiểu rõ mình là ai, thích gì, có gì đặc biệt. Khi thiếu bản sắc, sự tự tin cũng dễ lung lay.
Do đó, bản sắc không chỉ giúp trẻ dám thể hiện cái tôi, dám mắc lỗi, dám khác biệt mà còn là yếu tố cốt lõi của tư duy toàn cầu. “Biết mình là ai giữa thế giới đa văn hóa sẽ giúp trẻ không bị hòa tan khi hội nhập” bà nhấn mạnh.

Bà Kate Steenkamp – Giám đốc học thuật Apollo English. Ảnh: Tùng Đinh
Ở góc độ giáo dục, bà Kate cho rằng để hình thành bản sắc, trẻ cần được đặt trong một môi trường khuyến khích sự tò mò, sai lầm và khám phá. Trẻ nên được thử nghiệm với những trải nghiệm mới như tiếp xúc nền văn hóa khác, gặp gỡ con người mới, học ngôn ngữ mới, thử các món ăn lạ… Những điều này giúp trẻ hiểu rõ hơn về bản thân mình là ai trong thế giới rộng lớn này.
“Tại Apollo English, chúng tôi tạo ra những câu chuyện học tập xoay quanh truyền thống dân tộc, món ăn, âm nhạc… để trẻ khám phá bản thân và văn hóa của chính mình, đồng thời học cách thể hiện trong các bối cảnh văn hóa khác”, bà chia sẻ.
Ngoài ra, Giám đốc học thuật Apollo English nhấn mạnh vai trò của sự so sánh và thấu hiểu: trẻ cần học cách nhìn nhận các nền văn hóa khác nhau, điểm giống và khác với Việt Nam, từ đó, hình thành tư duy phản biện và xây dựng quan điểm cá nhân độc lập. “Trẻ có bản sắc là những người dám lên tiếng cho cái đúng, biết mình đang đứng ở đâu và tự tin thể hiện điều đó với thế giới”.
Hướng đến giải pháp, bà Kate cho rằng phụ huynh và nhà trường cần tạo môi trường nơi trẻ được “trải nghiệm đủ nhiều, sai đủ thoải mái và hiểu mình đủ sâu”. Bốn yếu tố cần nuôi dưỡng gồm: nhận thức bản thân, trải nghiệm văn hóa đa dạng, thấu hiểu sự khác biệt và hình thành quan điểm cá nhân độc lập.

Ba diễn giả chia sẻ trong tọa đàm “Tiếng Anh giúp con kết nối, bản sắc giúp con khác biệt”. Ảnh: Tùng Đinh
PGS. Nam bổ sung, cha mẹ nên là bạn đồng hành, không phải người lái hộ cuộc đời con. Ông trích dẫn quan điểm của nhà tâm lý học Carl Rogers rằng chỉ bằng sự tôn trọng vô điều kiện và khuyến khích liên tục, đứa trẻ mới phát triển bản sắc một cách tự nhiên và bền vững.
Trao quyền thể hiện bản thân
Với trải nghiệm của một người mẹ, chị Liên Trịnh chia sẻ rằng hành trình phát triển bản sắc của con bắt đầu từ việc được làm chủ lựa chọn. Khi Jayden quyết định học ngành y thay vì theo đuổi âm nhạc chuyên nghiệp như gia đình kỳ vọng, cả nhà ban đầu bất ngờ nhưng sau đó chọn cách lùi lại, tôn trọng và để con chịu trách nhiệm với quyết định đó. “Tự quyết định là bước đầu tiên để hình thành bản sắc”, chị nói.
Chị nhấn mạnh vai trò của phụ huynh không nằm ở việc áp đặt hay vẽ sẵn lộ trình, mà là đồng hành cùng con trong việc nuôi dưỡng những yếu tố cá nhân sâu sắc. Theo chị, bản sắc của trẻ được vun đắp qua những trải nghiệm gần gũi và thực tế như kể chuyện gia đình, chia sẻ văn hóa truyền thống, dạy tiếng mẹ đẻ và tạo không gian để con được thể hiện cảm xúc, thể hiện cái tôi. Chính sự gắn kết văn hóa, từ món ăn Việt, lời ru, đến lịch sử và ngôn ngữ, là gốc rễ để trẻ hiểu rõ mình là ai, đến từ đâu, và muốn trở thành người như thế nào.

Chị Liên Trịnh – giảng viên đại học, mẹ của “thần đồng âm nhạc” Jayden Trịnh, giải Ba Vietnam Idol Kids 2016. Ảnh: Tùng Đinh
Các diễn giả còn nêu bật vai trò của bản sắc, song hành với năng lực tiếng Anh, trong kỷ nguyên số, thời đại của AI. PGS. Nam nhận định, bản sắc sẽ là năng lực sống còn của con người trong kỷ nguyên AI. Trí tuệ nhân tạo có thể làm nhanh hơn, chính xác hơn, nhưng không thể thay thế cảm xúc, khát vọng hay cá tính người thật. Những phát biểu trơn tru có thể gây ấn tượng kỹ thuật, nhưng chỉ những câu nói xuất phát từ bản sắc cá nhân mới để lại cảm xúc lâu dài.
“Thế hệ trẻ Việt rất tài năng nhưng nếu tiếp tục học theo kiểu ‘cha mẹ sắp đặt hết; trẻ sẽ giỏi theo tiêu chuẩn người khác, không bao giờ thấy hạnh phúc vì sống ngoài bản sắc của chính mình”, ông nhấn mạnh thêm.
Xuyên suốt chương trình, PGS.TS. Trần Thành Nam, bà Kate Steenkamp và Chị Liên Trịnh đã mang đến góc nhìn đa chiều, giải pháp thực tiễn và giải đáp mối quan tâm của nhiều phụ huynh: làm thế nào để trẻ vững vàng trong hành trang ngôn ngữ và sẵn sàng kỹ năng kết nối với thế giới. Đồng thời, ba khách mời trả lời nhiều câu hỏi trực tiếp từ khán giả.
Nhật Lệ
Độc giả xem toàn bộ chương trình tại .