‘Tên lửa Frankenstein’ giúp Nga tăng áp lực với phòng không Ukraine

‘Tên lửa Frankenstein’ giúp Nga tăng áp lực với phòng không Ukraine

bởi

trong

Tình báo Ukraine nói Nga bắt đầu triển khai Banderol, tên lửa hành trình dùng nhiều linh kiện nước ngoài và giá rẻ, có thể gây khó cho phòng không.

Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) ngày 12/5 công bố thông tin và đồ họa mô phỏng S8000 Banderol, mẫu tên lửa hành trình thế hệ mới và ít được đề cập của Nga. Giới chức Ukraine nói rằng đây là sản phẩm của Kronstadt Group, doanh nghiệp quốc phòng chuyên sản xuất máy bay không người lái (UAV) vũ trang và tên lửa hành trình cho quân đội Nga.

Banderol (Bưu kiện) có kích thước nhỏ, chủ yếu phóng từ UAV Inokhodets do chính Kronstadt sản xuất, cũng như trực thăng tấn công Mi-28N. Tên lửa sử dụng động cơ phản lực cỡ nhỏ, có cánh gấp, tầm bắn khoảng 500 km và tốc độ tối đa 500 km/h, mang theo đầu đạn nặng khoảng 110 kg.

GUR nhận định S8000 Banderol có khả năng cơ động linh hoạt hơn các tên lửa hành trình khác của Nga, dường như được tối ưu cho nhiệm vụ né tránh và vượt qua lưới phòng không đối phương. Tên lửa dùng hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp định vị vệ tinh, phù hợp với nhiệm vụ tập kích mục tiêu cố định.





‘Tên lửa Frankenstein’ giúp Nga tăng áp lực với phòng không Ukraine

Đồ họa mô phỏng hình dáng và kết cấu bên trong vũ khí được cho là tên lửa S8000 Banderol. Đồ họa: GUR

Theo GUR, tên lửa S8000 Banderol sử dụng hơn 20 bộ phận có nguồn gốc ngoài Nga, trong đó có động cơ, thiết bị định vị quán tính, pin sạc, hệ thống điều khiển và vi mạch điện tử. Điều này khiến một số chuyên gia phương Tây ví nó như “tên lửa Frankenstein”.

Tuy nhiên, tên lửa vẫn sử dụng hệ thống định vị vệ tinh Kometa do Nga tự sản xuất, tương tự UAV tự sát Geran-2 và bom dẫn đường UMPK. Thiết bị này nổi bật nhờ khả năng kháng nhiễu cao, chống chịu được nhiều biện pháp tác chiến điện tử của Ukraine và liên tục được cải tiến.

GUR không đề cập chi tiết về cách Nga sử dụng tên lửa S8000, song thông tin được công bố cho thấy dường như tình báo Ukraine đã tiếp cận được ít nhất một quả đạn còn tương đối nguyên vẹn.

Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin. Cơ quan này cũng chưa từng đề cập đến dòng S8000 trước đây.

Truyền thông Nga hồi tháng 2 đưa tin về “cuộc thử nghiệm thành công đầu tiên của phương tiện bay không người lái mới”, song không nêu chi tiết khí tài. Mẫu vũ khí nghi là S8000 Banderol cũng xuất hiện trong video về chuyến thị sát thao trường Kapustin Yar của Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev ngày 26/4.

Mẫu tên lửa hành trình giá rẻ Nga dùng tập kích Ukraine

Vũ khí nghi là tên lửa Banderol xuất hiện trong chuyến thị sát thao trường Kapustin Yar của ông Medvedev ngày 26/4. Video: TASS

Giới chuyên gia phương Tây đánh giá S8000 Banderol có giá rẻ hơn nhiều so với các tên lửa hành trình trong biên chế quân đội Nga hiện nay, vốn có giá hàng trăm nghìn đến hàng triệu USD mỗi quả.

“Sự xuất hiện của S8000 Banderol có thể đánh dấu sự ra đời của thế hệ vũ khí dẫn đường chính xác mới, với mức giá rất rẻ nhưng vẫn đủ sức gây ra rủi ro nghiêm trọng cho Ukraine”, Thomas Newdick, biên tập viên của chuyên trang quân sự Mỹ War Zone, nêu quan điểm.

John Hardie, chuyên gia về vũ khí thuộc viện nghiên cứu Quỹ Bảo vệ Dân chủ có trụ sở tại Mỹ, nhận định một trong những lợi thế lớn nhất của Banderol là chi phí thấp, đáp ứng mục đích “tăng cường độ tấn công thọc sâu với số lượng lớn tên lửa” của Nga.

“Ukraine đã nhiều lần bắn hạ thành công tên lửa Nga. Tuy nhiên, Nga phóng càng nhiều tên lửa thì lượng vũ khí vượt qua lưới phòng không đối phương càng cao, đồng thời Ukraine cũng phải tiêu tốn nhiều đạn phòng không hơn để đối phó, khiến kho dự trữ của họ ngày càng suy kiệt”, Hardie nói.

Tầm bắn tới 500 km giúp quả đạn vươn tới những mục tiêu nằm sâu trong hậu phương Ukraine, cũng như cho phép máy bay khai hỏa từ khu vực an toàn và ngoài tầm bắn của phòng không đối phương. Nền tảng mang phóng chủ đạo của Banderol là UAV vũ trang Inokhodets, giúp quân đội Nga tiết kiệm chi phí vận hành và không cần mạo hiểm triển khai chiến đấu cơ có người lái.

“Nga dường như đã chế tạo được hệ thống vũ khí đáng gờm, đủ sức mang đến lợi thế đáng kể trên chiến trường”, Vijainder K Thakur, cựu phi công tiêm kích Ấn Độ, nhận định.





UAV Inokhodets với vật thể nghi là tên lửa Banderol dưới bụng. Ảnh: Telegram/Warhistoryalconafter

UAV Inokhodets với vật thể nghi là tên lửa Banderol dưới bụng. Ảnh: Telegram/Warhistoryalconafter

Chuyên gia Newdick đánh giá Banderol có thể đi kèm nhiều hạn chế so với tên lửa hành trình thông thường, nhưng chi phí thấp sẽ bù đắp những nhược điểm như vậy.

“Điều này rất quan trọng nếu Nga muốn nhắm đến lượng lớn mục tiêu trong một lần tập kích và nguy cơ khan hiếm tên lửa đắt tiền. Quân đội Nga bổ sung loại tên lửa mới với chi phí tương đối thấp vào kho vũ khí sẽ là lý do khiến Ukraine phải lo lắng”, Newdick cảnh báo.

Nguyễn Tiến (Theo War Zone, Telegraph, AP)