Đầu tiên là bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chất liệu hạt sen của tác giả trẻ Lê Mộc Oanh (ở H.Lấp Vò, Đồng Tháp). Lấy cảm hứng từ hai câu thơ: Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ, chị quyết định chọn hạt sen của quê hương Đồng Tháp để tạo nên bức tranh kích thước 4,8 x 2,4 m. Tác phẩm được gắn kết từ 100 kg hạt sen rang tay thủ công, chọn lấy 6 độ màu tự nhiên kết thành tranh, với hơn 200 giờ thực hiện, phủ lớp keo bảo quản được nhiều năm.

Tiếp nhận bức tranh dát vàng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của ông Trần Công Dân
Ảnh: QUỲNH TRÂN
Tiếp đó là 10 cuốn sách bằng tiếng Pháp về Chủ tịch Hồ Chí Minh do ông Philippe Chaplain – nguyên Phó thị trưởng thị trấn Bourg la Reine thuộc Paris, Chủ tịch Liên đoàn Di sản quốc gia Pháp thông qua nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến trao tặng, gồm: Sách về Bác bằng tiếng Pháp, trong đó có cuốn Lời Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lời kêu gọi và điếu văn của BCH T.Ư Đảng Lao động VN (bằng tiếng Pháp và tiếng Việt), xuất bản năm 1969 sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời.
Bên cạnh đó còn có bức tranh dát vàng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của ông Trần Công Dân (73 tuổi, quê quán: Sài Gòn – Gia Định, từng tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân) và bản nhạc Yêu sao quà tháng 5 của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên – nguyên Ủy viên BCH Hội Nhạc sĩ VN, nguyên Phó chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM.

Khai mạc trưng bày chuyên đề Miền Nam nhớ mãi ơn Người
Ảnh: QUỲNH TRÂN
Trước đó, bảo tàng đã khai mạc trưng bày chuyên đề Miền Nam nhớ mãi ơn Người, giới thiệu hơn 135 tài liệu, hình ảnh nội dung trưng bày gồm các phần: Sài Gòn – Gia Định những năm 1910, khi Nguyễn Tất Thành đến và ra đi tìm đường cứu nước; Người đi tìm hình của nước; Miền Nam trong trái tim Người và TP.HCM sáng mãi tên Người. Chuyên đề thể hiện tình cảm sâu sắc của Bác Hồ với miền Nam và tình cảm của đồng bào miền Nam với Bác Hồ, cũng chính là một trong những nhân tố quan trọng góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước.