
Cần Thơ, thành phố trực thuộc trung ương là “trái tim” của ĐBSCL, tiếp tục khẳng định vị thế “anh cả” khi sáp nhập cùng Hậu Giang và Sóc Trăng, vẫn giữ tên gọi TP.Cần Thơ. Trong lịch sử, năm 1976, Trung ương từng có quyết định hợp nhất 3 đơn vị cấp tỉnh gồm Sóc Trăng, Cần Thơ (cũ) và TP.Cần Thơ để thành lập tỉnh Hậu Giang. Đến năm 1991, tỉnh Hậu Giang được chia tách thành 2 tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. Tháng 1.2004, tỉnh Cần Thơ tiếp tục chia tách thành TP.Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang
Quyết định hợp nhất 3 địa phương trên tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm giao thương, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế của ĐBSCL về TP.Cần Thơ.
Với vị trí đắc địa là cửa ngõ vùng hạ lưu sông Mê Kông, Cần Thơ sau sáp nhập sẽ sở hữu một hệ thống giao thông đa dạng và hiện đại bậc nhất khu vực. Có thể kể như sân bay quốc tế Cần Thơ, các tuyến cao tốc huyết mạch cả trục dọc là Cần Thơ – Cà Mau và trục ngang là Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, hệ thống quốc lộ, cùng hệ thống cảng biển và cảng sông sầm uất như cảng Cần Thơ, Cái Cui và tiềm năng cảng biển Trần Đề…
Sự bổ sung từ Hậu Giang với định hướng phát triển công nghiệp, logistics và Sóc Trăng với thế mạnh nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch sẽ tạo nên một trung tâm kinh tế toàn diện và đầy sức cạnh tranh.
Không chỉ vậy, Cần Thơ sau sáp nhập chắc chắn còn là một trung tâm văn hóa, du lịch rất đa dạng, hội tụ các điểm đến trứ danh của cả ba địa phương: chợ nổi Cái Răng, Phong Điền, Đền thờ Vua Hùng, cồn Sơn, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam (Cần Thơ); chợ nổi Ngã Bảy, Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang); chùa Dơi, chùa Bốn Mặt, chùa Đất Sét (Sóc Trăng)… Sự đa dạng này hứa hẹn đưa Cần Thơ trở thành một giao điểm du lịch hấp dẫn bậc nhất miền Tây.