10 năm tôi gượng dậy sau ‘cú tát’ thất nghiệp tuổi trung niên

10 năm tôi gượng dậy sau ‘cú tát’ thất nghiệp tuổi trung niên

bởi

trong
10 năm tôi gượng dậy sau ‘cú tát’ thất nghiệp tuổi trung niên

Nghĩ rằng có thương hiệu, có vốn, có kinh nghiệm nên không thể thất bại, tôi hoàn toàn không chuẩn bị đường lui cho mình, để rồi mất tất cả.

Vừa qua, đọc một số bài về hoàn cảnh chơi vơi khi mất việc tuổi trung niên, tôi thấy đồng cảm, tuy nhiên nghĩ rằng đó cũng là cơ hội để mỗi người tự bứt phá, thay đổi, giống như câu nói “Cánh cửa này đóng lại, cánh cửa khác mở ra”. Muốn là người chủ động nắm giữ cuộc sống của mình nhất định chúng ta phải có sự chuẩn bị ngay từ khi còn trẻ (lúc mới 30 tuổi). Tức là phải tạo ra nguồn thu nhập thụ động từ một công việc phụ ngay cả khi công việc chính đang ổn định, nhất là những người làm công ăn lương.

Năm 1982, khi đang là một sĩ quan được đào tạo chính quy, với chế độ lương, thưởng, sự thăng tiến, cùng cuộc sống rất ổn định, tôi không may đổ bệnh và không đủ sức khỏe để tiếp tục phục vụ trong quân ngũ. Xuất ngũ trong khi không có bằng cấp kinh tế gì, tôi chênh vênh, hụt hẫng như rơi xuống hố sâu cuộc đời. Tôi không ngờ, chiếc máy ảnh thường dùng để chụp chơi, ghi lại những kỷ niệm với bạn bè lại giúp tôi kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình.

Sau này, ra kinh doanh, khi sự nghiệp phát triển, tôi chủ quan nghĩ rằng chỉ cần có thương hiệu, có vốn, có kinh nghiệm thì mình không thể thất bại được. Thế nên, tôi hoàn toàn không chuẩn bị đường lui cho mình. Được đồng nào, tôi đổ hết vào thực hiện đam mê của mình, mua sắm máy móc để mở mang nhà xưởng.

>>

Thế rồi, vì thiếu kiểm soát chỉ một phần tái đầu tư, tôi không ngờ những năm sau đó, tình hình kinh doanh của tôi tụt dốc không phanh. Rất nhanh chóng, tiền vốn bay hết sạch. Hơn 10 năm trời, càng cố làm tôi càng thất bại, phải bán gần như tất cả tài sản.

Cú sốc đó làm tôi choáng váng. Bệnh tật lại ập đến khiến tôi phải nằm một chỗ, phải thu nhỏ quy mô và chuyển giao doanh nghiệp cho con cái. Lúc này, tôi không ngờ tiền thuê hai ngôi nhà mà trước giờ vẫn xem nhẹ khi còn làm việc đã trở thành nguồn thu nhập thụ động, bảo đảm cho cuộc sống gia đình và giúp tôi tự chủ được tài chính, không phải nhờ các con, dù chi phí sinh hoạt, chữa bệnh cho vợ chồng và bố mẹ tôi tới cả trăm triệu đồng một tháng.

Con tôi hiện tại một đứa làm trong tập đoàn FDI thuộc top đầu, một đứa là chủ doanh nghiệp thu nhập và mức sống ở loại trung lưu. Thế nhưng, rút kinh nghiệm từ cha, từ lâu các con đã chuẩn bị cho mình đường lui như: mở thêm trung tâm Anh ngữ, tham gia điều hành doanh nghiệp khác, hay đầu tư tài chính nhỏ lẻ để tăng nguồn thu nhập ngoài lương, đồng thời tích lũy tài sản và kinh nghiệm kinh doanh để chủ động khi phải rời bỏ công việc chính mà không bị ảnh hưởng.

Với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện tại, không chỉ Việt Nam mà tất cả doanh nghiệp lớn nhỏ trên thế giới đều có sự xáo trộn khó lường. Chuyện thay thế nhân sự diễn ra từng ngày nên mỗi người cần chuẩn bị cho mình một nguồn thu nhập thụ động, dù nhiều hay ít, để tránh bị sốc khi mất việc như tôi.

Nguyen Huong VT