Chiều 15.5, TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn. Ông Nguyễn Quang Huy, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, thông tin về tình hình thực phẩm bẩn, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ có diễn biến phức tạp trên địa bàn thành phố. Các mặt hàng vi phạm bao gồm: thực phẩm tươi sống, thực phẩm bao gói sẵn, đường cát, nội tạng động vật đông lạnh…
Qua đó, các hành vi vi phạm phổ biến như kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng nguyên liệu hết hạn để chế biến; vi phạm quy định về nhãn mác, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Lực lượng quản lý thị trường TP.HCM đã phát hiện hàng loạt vụ vi phạm nghiêm trọng, cụ thể: tạm giữ 50 tấn nội tạng động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc tại TP.Thủ Đức, trị giá gần 4,5 tỉ đồng, xử phạt 315 triệu đồng; phát hiện 7 tấn đường tinh luyện nhập lậu ở H.Củ Chi và 18.200 chai bia nhập lậu tại Q.12.
Ngoài ra, qua mạng xã hội, lực lượng này còn phát hiện hơn 1 tấn khô bò không rõ nguồn gốc, xử phạt 100 triệu đồng; hàng chục hộp yến sào tinh chế không rõ nguồn gốc, trị giá gần 60 triệu đồng ở chợ Bình Tây.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM thông tin về thực phẩm bẩn trên địa bàn TP.HCM
ẢNH: NGUYỄN ANH
Các biện pháp kiểm soát thực phẩm bẩn từ tỉnh vào TP.HCM
Với vai trò là địa bàn tiêu thụ lớn, TP.HCM đã triển khai nhiều biện pháp để kiểm soát nguồn hàng từ các tỉnh như hợp tác liên tỉnh, triển khai các chương trình kiểm soát chất lượng từ nơi sản xuất, điển hình là chương trình phối hợp với tỉnh Đồng Nai.
Chương trình “Tick xanh trách nhiệm”, khuyến khích doanh nghiệp minh bạch thông tin sản phẩm, dán tem QR để người tiêu dùng dễ dàng truy xuất; tăng cường kiểm soát tại cửa ngõ như kiểm tra giấy kiểm dịch, nguồn gốc, điều kiện vận chuyển tại chợ đầu mối, bến xe, kho hàng.
Theo ông Nguyễn Quang Huy, công tác quản lý hàng hóa trên thương mại điện tử (TMĐT) còn nhiều khó khăn do: tính ẩn danh và xuyên biên giới của nền tảng TMĐT; đối tượng vi phạm không công khai địa chỉ, không đăng ký kinh doanh và nhiều sản phẩm không có hóa đơn, nhãn phụ, dễ bị làm giả.
Trong giai đoạn 2024 – tháng 5.2025, TP.HCM đã xử lý 393 vụ vi phạm TMĐT, tạm giữ 128.999 đơn vị sản phẩm, trị giá hơn 8,8 tỉ đồng, xử phạt hơn 8 tỉ đồng.
Để tăng hiệu quả quản lý và răn đe, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đề xuất và triển khai công khai danh tính cơ sở vi phạm, tăng mức xử phạt tiền, chuyển hồ sơ truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có dấu hiệu nghiêm trọng, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hoạt động và xây dựng cơ sở dữ liệu vi phạm liên ngành.
Bên cạnh đó, TP.HCM đang hoàn thiện hệ thống giám sát TMĐT và triển khai đợt cao điểm kiểm tra, truy xét thực phẩm bẩn toàn thành phố từ 15 – 15.6 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.