Tràn lan hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử: Doanh nghiệp khốn đốn, người tiêu dùng lãnh đủ

Tràn lan hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử: Doanh nghiệp khốn đốn, người tiêu dùng lãnh đủ

bởi

trong

NGƯỜI TIÊU DÙNG HOANG MANG, LO LẮNG

Chia sẻ với Thanh Niên, rất nhiều khách hàng, người tiêu dùng (NTD) bày tỏ sự phẫn nộ, bức xúc khi mua phải hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Anh V. (ở Q.Ba Đình, Hà Nội, bị đại tràng nhiều năm) cho biết thấy quảng cáo thuốc đông y trị viêm đại tràng giá 450.000 đồng/lọ, mua về uống thì bụng đau dữ dội. Anh mang lọ đi hỏi bác sĩ thì họ bảo là thực phẩm chức năng trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Tràn lan hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử: Doanh nghiệp khốn đốn, người tiêu dùng lãnh đủ

Sản phẩm Green Beauty giả mạo thương hiệu của Vinanutrifood bán giá rẻ trên sàn Shopee

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Anh Nguyễn Thanh T. (Q.Đống Đa, Hà Nội) kể lại, 2 tuần trước anh mua cục sạc trên mạng với giá 80.000 đồng/cái. “Cục sạc in chữ Samsung, bao bì giống hệt hàng thật, nhưng khi cắm sạc thì máy nóng ran, ổ cắm ám khói. Sau tôi mới phát hiện là hàng nhái hoàn toàn”, anh T. chia sẻ.

Với sản phẩm cần tây, yến sào đang bán nhan nhản trên mạng, nhiều người mua phải hàng nhái đã phản ánh tình trạng đau bụng, rối loạn tiêu hóa, trong khi bao bì ghi thành phần và công dụng hoàn toàn giống hàng chính hãng. Tình trạng này không chỉ khiến NTD mất niềm tin, mà còn khiến doanh nghiệp (DN) bị hiểu lầm về chất lượng.

Tương tự, nhiều loại mỹ phẩm, thực phẩm chức năng gắn mác thương hiệu uy tín nhưng thực chất là hàng gia công giá rẻ, không có kiểm nghiệm, dễ gây kích ứng da, nổi mẩn, thậm chí ảnh hưởng gan, thận nếu dùng lâu dài. Điều đáng nói, khi mua phải hàng giả trên sàn, NTD gần như không biết khiếu nại với ai: tài khoản bán có thể đã xóa, sàn thì thoái thác trách nhiệm, còn DN thật không thể hỗ trợ vì đó không phải hàng của họ sản xuất.

Những câu chuyện như vậy không còn là cá biệt. Trong môi trường TMĐT phát triển quá nhanh, khi quyền được biết, được bảo vệ và được hoàn tiền không được đảm bảo, NTD trở thành mục tiêu dễ tổn thương nhất.

Gần 2 năm nghiên cứu, Công ty CP thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ VN (Vinanutrifood) đưa ra thị trường sản phẩm cần tây Green Beauty. Đây là mặt hàng bán chạy, chủ lực của công ty, nhưng chỉ sau một thời gian sản phẩm này được bán tràn lan trên Shopee với giá rẻ chỉ bằng 1/2 so với hàng công ty.

Bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Giám đốc Công ty Vinanutrifood, cho biết DN đầu tư rất nhiều tiền bạc, trí tuệ, công nghệ vào sản phẩm này và được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp phép lưu hành, có đăng ký sở hữu trí tuệ. Công ty ký hợp đồng với Công ty TNHH xu hướng mới (KOS) là đơn vị phân phối độc quyền. Ngoài DN này thì không đơn vị nào được nhà sản xuất ủy quyền hay cho phép phân phối sản phẩm ra thị trường. KOS không có bất kỳ đại lý cấp 2, cấp 3.

Từ năm 2022, DN gửi đơn khiếu nại, tố cáo chỉ đích danh nhiều gian hàng trên Shopee bán hàng giả mạo thương hiệu, xâm hại quyền sở hữu trí tuệ của sản phẩm cần tây Green Beauty. Nhưng đến nay, sau gần 3 năm, vụ việc chưa được Shopee xử lý dứt điểm. Trong khi đó, đường dây nóng của Vinanutrifood liên tục nhận được cuộc gọi phản ánh, khiếu nại về chất lượng sản phẩm mua trên sàn nhưng đây không phải là hàng chính hãng do DN sản xuất.

“Để bảo vệ lợi ích của DN, chúng tôi nhiều lần liên hệ, đặt lịch làm việc trực tiếp, thậm chí bay từ Hà Nội vào văn phòng của Shopee ở TP.HCM nhưng phía sàn không gặp gỡ, làm việc. Chúng tôi kiên trì theo đuổi khiếu nại trong vài năm qua để bảo vệ lợi ích của DN nhưng cách giải quyết của Shopee vẫn là xử lý khiếu nại cho có…”, bà Hằng nói.

DN ĐƠN ĐỘC GIÀNH LẠI THƯƠNG HIỆU

Chưa hết, ông Nguyễn Ngọc Trung Chánh, Trưởng bộ phận pháp chế, Tập đoàn Thiên Long – chuyên sản xuất đồ dùng học tập, văn phòng phẩm, bức xúc qua việc chủ động tra soát và giám sát thị trường, kết hợp phản ánh của NTD, DN này phát hiện nhiều sản phẩm giả mạo thương hiệu trên nhiều sàn TMĐT như Shopee, Lazada, TikTok… Các sản phẩm giả mạo được bán dễ dàng, công khai trên các sàn TMĐT gây thiệt hại về doanh thu, tác động tiêu cực đến thương hiệu…

Ông Chánh cho rằng dù các sàn TMĐT đều có quy trình kiểm duyệt và cơ chế báo cáo vi phạm, nhưng thực tế cho thấy các biện pháp này chưa thực sự hỗ trợ tốt cho chủ sở hữu thương hiệu bị làm giả… Công tác rà soát phát hiện hàng giả của các sàn vẫn thụ động, phụ thuộc vào phản ánh từ bên ngoài. Người bán dễ dàng tạo nhiều tài khoản khác nhau để lách kiểm duyệt và tiếp tục vi phạm.

Khi phát hiện và phản hồi về sản phẩm giả mạo, DN đều chủ động gửi bằng chứng vi phạm và yêu cầu xử lý đến bộ phận phụ trách gian lận của từng sàn. Nhưng thực tế, sự hợp tác giữa các sàn không đồng đều; có sàn phản hồi kịp thời, nhưng cũng có sàn yêu cầu thêm thủ tục phức tạp, gây kéo dài thời gian xử lý. Các hình thức xử lý nếu chỉ dừng lại ở việc xóa bài đăng là chưa triệt để, không có chế tài răn đe với người bán vi phạm.

“Trong khi các DN chân chính phải mất nhiều thời gian thu thập chứng cứ và làm thủ tục xác minh với các sàn TMĐT để đeo đuổi “công lý”, thì người bán hàng giả lại dễ dàng tạo lập gian hàng, đăng bán hàng giả tràn lan. Đây rõ ràng là một cuộc chơi thiếu công bằng”, ông Chánh nói.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Trung Chánh, để kiểm soát, ngăn chặn hàng giả, các sàn TMĐT cần chuyển từ vai trò “trung gian kỹ thuật” sang “đồng hành có trách nhiệm”. Các sàn TMĐT cần nâng cấp hệ thống kiểm duyệt tự động, ưu tiên nhận diện thương hiệu đã đăng ký bảo hộ; thiết lập cơ chế cảnh báo nhanh và xử lý ưu tiên khi DN chính chủ phản ánh vi phạm; chủ động công khai tài khoản vi phạm áp dụng biện pháp chặn vĩnh viễn đối với người bán cố tình tái phạm.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Hoàng Ninh, Cục phó Cục TMĐT và kinh tế số (Bộ Công thương), cho rằng hiện các nền tảng TMĐT đã có sự chủ động nhất định trong việc triển khai các biện pháp kiểm soát cơ chế gỡ bỏ sản phẩm vi phạm. Nhưng thực tế, việc gỡ bỏ các sản phẩm như sữa, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm còn gặp một số khó khăn. Bởi một số nền tảng TMĐT đa quốc gia thực hiện và triển khai theo các chính sách, quy trình kiểm duyệt của khu vực dẫn đến có độ trễ trong thực thi.

Các sàn khó khăn trong việc xác minh danh tính của người bán. Dù pháp luật đã quy định nghĩa vụ xác thực thông tin người bán, nhưng một số sàn áp dụng biện pháp xác thực không bảo đảm, để lọt các trường hợp sử dụng thông tin giả mạo hoặc lợi dụng danh nghĩa người nổi tiếng, người có ảnh hưởng để kinh doanh các mặt hàng vi phạm.

“Dù quy định pháp luật đã giao nghĩa vụ cho chủ sàn TMĐT, nhưng cơ chế quản lý trong một số trường hợp còn hạn chế về mức độ răn đe, dẫn đến tình trạng một số sàn xử lý các trường hợp vi phạm quy chế của sàn mang tính đối phó, không chủ động duy trì các biện pháp giám sát liên tục”, ông Ninh nói. (còn tiếp)

3 tháng gỡ 33.122 sản phẩm, khóa 11.544 gian hàng

Theo Bộ Công thương, số lượng website và ứng dụng di động TMĐT bán hàng đã tăng từ 3.470 nền tảng (năm 2014) lên 53.949 nền tảng (năm 2024), tăng khoảng 15,6 lần trong 10 năm. Đặc biệt, số lượng website và ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT (như các sàn giao dịch, nền tảng trung gian) tăng từ 39 nền tảng lên 1.048 nền tảng, với tốc độ tăng trưởng vượt bậc lên tới 26,9 lần trong cùng giai đoạn.

Cục TMĐT và kinh tế số cho biết, 3 tháng đầu năm, Cục đã phối hợp với Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) kiểm tra, giám sát và ban hành 8 văn bản yêu cầu các nền tảng TMĐT rà soát và ngăn chặn đối với các sản phẩm, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh, hàng hóa hạn chế kinh doanh, kinh doanh có điều kiện. Các nền tảng sàn TMĐT đã thực hiện gỡ bỏ 33.122 sản phẩm và ngăn chặn 11.544 gian hàng vi phạm hoặc không cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định khi được yêu cầu.