Bỏ bằng tốt nghiệp THCS là phù hợp

Bỏ bằng tốt nghiệp THCS là phù hợp

bởi

trong

Như Thanh Niên thông tin, Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục để lấy ý kiến đóng góp của công luận.

Theo dự thảo, trong hệ thống văn bằng, Bộ GD-ĐT bỏ bằng tốt nghiệp THCS, giao cơ sở giáo dục xác nhận hoàn thành chương trình THCS. Bộ GD-ĐT cho rằng điều này phù hợp chủ trương tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (theo luật Giáo dục hiện hành, bằng tốt nghiệp THCS do phòng giáo dục cấp), phù hợp với mục tiêu phổ cập giáo dục và với xu thế quốc tế. Cụ thể, nhiều quốc gia phát triển không cấp bằng tốt nghiệp THCS mà sử dụng xác nhận của hiệu trưởng về kết quả học tập ở lớp dưới để xét học ở bậc học cao hơn hoặc phân luồng. Theo Bộ GD-ĐT, việc xác nhận hoàn thành chương trình THCS không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của người học.

Bỏ bằng tốt nghiệp THCS là phù hợp

Bộ GD-ĐT dự kiến bỏ bằng tốt nghiệp THCS, trao quyền cấp bằng tốt nghiệp THPT cho hiệu trưởng

ẢNH: P.H.C

Dự thảo luật cũng chuyển thẩm quyền cấp bằng tốt nghiệp THPT từ giám đốc sở GD-ĐT cho hiệu trưởng nhà trường, nhằm thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền. Dự thảo cũng phân cấp quản lý cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS cho chủ tịch UBND cấp xã khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp, trường THPT hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học thuộc quản lý của sở GD-ĐT (trừ những trường thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT).

Phù hợp xu thế

Phản hồi thông tin trên, nhiều bạn đọc (BĐ) Thanh Niên ủng hộ đề xuất bỏ bằng tốt nghiệp THCS. “Những cải cách của Bộ GD-ĐT theo hướng tinh giản thủ tục rất đáng hoan nghênh, bởi hệ thống hiện tại còn quá nhiều quy định hình thức và rườm rà không cần thiết”, BĐ Phuong Anh ủng hộ.

Cùng quan điểm, BĐ Ngọc Khánh ý kiến: “Mong rằng quy định này sớm được áp dụng, đơn giản hóa thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý trong lĩnh vực giáo dục, đồng thời mang lại sự tiện lợi tối đa cho người dân”.

Còn BĐ Anh Tú viết: “Theo tôi, bỏ kỳ thi lớp 9 lên 10 là hợp lý. Trường chuyên sẽ thi riêng, trường thường xét tuyển rồi kiểm tra xếp lớp. Việc này vừa giảm ngân sách, giảm áp lực, vừa tạo điều kiện học tiếp cho học sinh hết lớp 9”.

“Bỏ bằng tốt nghiệp THCS là phù hợp. Việc giảm bớt sức ép bằng cấp là một bước đi bền vững để xây dựng một xã hội coi trọng thực chất hơn hình thức. Học sinh sẽ có cơ hội phát triển toàn diện thay vì chỉ tập trung vào việc đạt được những tấm bằng”, BĐ Linh Lê thẳng thắn.

Chuẩn bị kỹ trước khi áp dụng

Tuy vậy, BĐ Nguyễn Hoa cũng bày tỏ sự thận trọng và mong muốn “Bộ GD-ĐT có những đánh giá tác động kỹ lưỡng, xây dựng hành lang pháp lý và các quy định cụ thể, chặt chẽ để đảm bảo chất lượng giáo dục, quyền lợi của người học cũng như giữ vững giá trị của các văn bằng khi các đề xuất này được thông qua và triển khai”.

Tương tự, BĐ Diệu Hân ý kiến: “Điều quan trọng là Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu kỹ lưỡng hệ lụy, thiết lập hành lang pháp lý chặt chẽ cùng quy tắc rõ ràng trước khi chính sách được áp dụng”.

“Tôi ủng hộ đề xuất này, và xa hơn nữa hướng đến việc học sinh học liên tục từ lớp 1 đến lớp 12. Quan trọng là việc tăng cường độ khó và tính cạnh tranh của kỳ thi tuyển sinh đại học là yếu tố then chốt để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Điều cấp thiết là chúng ta cần thay đổi mô hình giáo dục, từ áp lực thi cử sang phát triển tư duy sáng tạo, khả năng phản biện, kỹ năng trình bày và tinh thần tự học”, BĐ Hà Giang ý kiến.

Đề nghị bỏ luôn thi tốt nghiệp THPT quốc gia, giao về cho trường xác nhận tốt nghiệp để tiết kiệm ngân sách, tiết kiệm nhân vật lực của xã hội.

Võ Hoa

Việc bỏ bằng tốt nghiệp THCS giúp giảm bớt áp lực thi cử không cần thiết cho học sinh ở độ tuổi còn nhỏ, tạo điều kiện để các em có thêm thời gian tập trung vào việc phát triển toàn diện các kỹ năng và kiến thức. Bên cạnh đó giúp giảm tải đáng kể các thủ tục hành chính rườm rà cho ngành giáo dục, giải phóng nguồn lực để tập trung vào nâng cao chất lượng dạy và học ở các cấp cao hơn.

Ánh Tuyết